Tại tọa đàm “Các giải pháp đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội” ngày 22/10, ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, đợt dịch bệnh vừa qua khiến 800 nhà máy trong khu công nghiệp phải đóng cửa, 700 nhà máy thực hiện 3 tại chỗ, chủ yếu là các doanh nghiệp FDI - do không thể để đứt gãy sản xuất, mất chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, các doanh nghiệp phải thuê khách sạn, tốn thêm chi phí để thuê chỗ ở cho công nhân.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, TP Hồ Chí Minh đang có kế hoạch xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân, đây cũng là giải pháp lâu dài, căn cơ để đảm bảo cuộc sống an sinh, xã hội cho người lao động. Bên cạnh đó, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP HCM cũng cho biết, hiện nay nhiều lao động khi quay trở lại không muốn làm lại nghề cũ, do vậy các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm cũng cần bắt tay để bồi dưỡng, đào tạo lại người lao động.
“Chính phủ cần ban hành chính sách hỗ trợ, thu hút lao động như hỗ trợ về kinh phí thuê nhà, chi phí vận chuyển, chi phí xét nghiệm tầm soát Covid-19... Đồng thời, các tỉnh nên có chương trình, kế hoạch cụ thể để hỗ trợ đưa người lao động ở các tỉnh có nhu cầu quay lại thành phố làm việc” - đại diện Sở LĐTBXH TP Hồ Chí Minh cho hay.
Để khôi phục lại thị trường lao động hậu Covid-19, TS.Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - cho biết, đang xây dựng 2 phương án. Trong đó, có phương án là đưa học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Theo đó, sẽ đưa 500.000 học sinh, sinh viên cơ bản (năm 1, năm 2); 500.000 học sinh, sinh viên thành thạo (năm 2 hoặc năm 3) vào làm việc tại doanh nghiệp.