3 ngày làm việc để thực hiện thông báo là quá ngắn
Luật THADS có rất nhiều quy định liên quan đến thời hạn và cách tính thời hạn. Thời hạn có thể tính theo năm, theo tháng và theo giờ, ví dụ: thời hạn tính theo năm (trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan THADS có thẩm quyền ra quyết định thi hành án); tính theo tháng (trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 06 tháng một lần, chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án); thời hạn tính theo ngày (trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì chấp hành viên tiến hành xác minh); thời hạn tính theo giờ (Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định hoãn thi hành án khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít nhất 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế thi hành án....” (khoản 2 Điều 48 Luật THADS)
Các mốc thời điểm bắt đầu và kết thúc thời hạn để tổ chức thi hành án có ý nghĩa rất quan trọng đối với chấp hành viên và các bên đương sự. Việc vi phạm các quy định về thời hạn thi hành án có thể dẫn đến khiếu nại, tố cáo hoặc trách nhiệm bồi thường thiệt hại, thậm chí là trách nhiệm hình sự. Luật THADS quy định nhiều thời hạn khác nhau cho các thủ tục tác nghiệp của chấp hành viên, tuy nhiên một số quy định về thời hạn còn chưa phù hợp.
Theo Điều 39 Luật THADS, việc thông báo phải thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.Tuy nhiên, đa số quan điểm cho rằng việc ấn định thời hạn 3 ngày làm việc để thực hiện thông báo là quá ngắn, nhất là đối với những chấp hành viên phụ trách số lượng án lớn, với nhiều đương sự và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Do đó đề nghị xem xét tăng thêm thời hạn này thành 5 ngày làm việc để tạo thuận lợi hơn cho Chấp hành viên khi tổ chức thi hành án.
Cần ấn định thời gian để người được thi hành án nhận tài sản
Theo quy định tại Điều 101 Luật THADS, đương sự có quyền thỏa thuận về tổ chức bán đấu giá trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày định giá. Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản với tổ chức bán đấu giá do đương sự thỏa thuận. Quy định trên chỉ phù hợp cho trường hợp chấp hành viên trực tiếp thực hiện việc định giá. Còn trong trường hợp thẩm định giá thông qua tổ chức thẩm định giá tài sản thì việc quy định tính thời hạn tính từ thời điểm “kể từ ngày định giá” là chưa thực sự hợp lý.
Thời điểm “kể từ ngày định giá” sẽ được xác định như thế nào? Bởi vì, thông thường sau khi ký hợp đồng thẩm định giá thì thời gian để tổ chức thẩm định giá ban hành chứng thư thẩm định cũng mất khoảng thời gian trung bình là 7 ngày làm việc. Nếu xem ngày chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá là ngày “định giá” thì không phù hợp với thực tế. Còn lấy ngày mà tổ chức thẩm định giá trực tiếp tiến hành xem xét tài sản để định giá cũng không hợp lý. Do vậy, nên xem xét sửa lại quy định trên theo hướng “Đương sự có quyền thỏa thuận về tổ chức bán đấu giá trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày được thông báo hợp lệ về giá tài sản kê biên”
Theo Điều 104 Luật THADS , trường hợp người được thi hành án đồng ý nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về việc không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì chấp hành viên thông báo cho người phải thi hành án biết.
Điều luật chưa quy định việc ấn định thời hạn để người được thi hành án có đơn xin nhận tài sản. Do đó cần ấn định một khoảng thời gian nhất định để người được thi hành án nhận tài sản và sửa đổi mốc thời điểm “kể từ ngày nhận được thông báo về việc không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành” thành : Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đồng ý nhận tài sản của người được thi hành án thì chấp hành viên thông báo cho người phải thi hành án biết .