Cần nâng mức tạm ứng từ nguồn của Quỹ Trợ giúp pháp lý

Năm 2012, với hơn 3,2 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của Quỹ Trợ giúp pháp lý (TGPL) Việt Nam, các đơn vị tiếp nhận đã có được nhiều hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ TGPL. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ là mức tạm ứng 30% giá trị hợp đồng để thực hiện các hoạt động hỗ trợ quá thấp, trong khi nhiều địa phương không có nguồn kinh phí tạm ứng.

Năm 2012, với hơn 3,2 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của Quỹ Trợ giúp pháp lý (TGPL) Việt Nam, các đơn vị tiếp nhận đã có được nhiều hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ TGPL. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ là mức tạm ứng 30% giá trị hợp đồng để thực hiện các hoạt động hỗ trợ quá thấp, trong khi nhiều địa phương không có nguồn kinh phí tạm ứng.

Hình minh họa
Hình minh họa

Xác định tầm quan trọng của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho người thuộc nguồn bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý và người thực hiện TGPL, căn cứ vào đề xuất của các địa phương, Quỹ TGPL Việt Nam đã hỗ trợ kinh phí cho 8 Trung tâm TGPL nhà nước tổ chức 16 lớp tập huấn cho gần 1.100 người.

Nội dung chủ yếu là tập huấn các kỹ năng TGPL, các văn bản, chính sách mới. Một số Trung tâm như Hà Tĩnh, Thái Bình, Thái Nguyên… còn mở các lớp tập huấn chuyên đề về Luật Tố tụng hành chính, các văn bản liên quan đến công tác giải quyết vụ việc TGPL nhằm giúp Câu lạc bộ TGPL giải quyết vụ việc phát sinh từ cơ sở, hạn chế vụ việc phức tạp, kéo dài.

Đối với công tác TGPL lưu động, từ nguồn kinh phí của Quỹ, các Trung tâm TGPL đã tiến hành được 324 đợt lưu động tại các thôn, xã, huyện với trên 18 nghìn người tham dự, giải quyết được khoảng 4.300 vụ việc.

Bằng nguồn hỗ trợ này, ngay từ đầu năm các đơn vị tiếp nhận đã xây dựng kế hoạch lưu động, phối hợp với các cơ quan, tổ chức tại địa phương để thực hiện bảo đảm hiệu quả.

Đặc biệt, một số Trung tâm TGPL chú trọng đến đối tượng được TGPL là phụ nữ theo quy định tại Thông tư số 07/2011/TT-BTP của Bộ Tư pháp hướng dẫn bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức cán bộ nên đã mở các đợt lưu động tại các xã với 100% đối tượng là phụ nữ để tuyên truyền, TGPL trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình và các vấn đề liên quan đến hôn nhân – gia đình…

Bên cạnh đó, Quỹ TGPL Việt Nam cũng hỗ trợ sinh hoạt cho 80 Câu lạc bộ TGPL thuộc 20 tỉnh, cho 62 cán bộ tham gia khóa đào tạo luật sư, cho 235 vụ việc phức tạp điển hình…

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Quỹ gặp một số khó khăn như nguồn kinh phí do ngân sách cấp cho Quỹ quá ít, chưa thể đáp ứng nhu cầu triển khai các hoạt động tại địa phương, đặc biệt là các hoạt động gắn với cơ sở; trong số kinh phí đã được sử dụng, hiệu quả sử dụng còn nhiều hạn chế (chất lượng vụ việc tư vấn pháp luật tại các đợt TGPL lưu động chưa thật tốt, sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL còn hình thức).

Không những thế, dù đã có hệ thống các văn bản hướng dẫn quản lý, sử dụng, thanh quyết toán khá đồng bộ nhưng vẫn có sự chưa thống nhất. Cụ thể là, đối với nguồn kinh phí thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg thì mức tạm ứng là 80% giá trị hợp đồng, còn nguồn kinh phí thường xuyên theo quy định tại Quyết định số 08/2008/QĐ-BTP lại chỉ được tạm ứng 30% giá trị hợp đồng, cho dù các hoạt động ở cả hai nguồn đều có tính chất giống nhau.

Chính mức tạm ứng thực hiện các hoạt động hỗ trợ chiếm 30% số kinh phí được duyệt là quá thấp, các địa phương đều là những địa phương khó khăn, không có nguồn kinh phí để hoạt động.

Vì vậy, đại diện Quỹ TGPL Việt Nam đề xuất, nâng mức tạm ứng kinh phí hỗ trợ lên từ 50 – 70% nhằm giúp cho các đơn vị nhận hỗ trợ có điều kiện tổ chức tốt hơn các hoạt động được hỗ trợ. Ngoài ra, cần tăng mức hỗ trợ kinh phí từ nguồn Quỹ đối với các hoạt động, nhất là các hoạt động TGPL lưu động, hoạt động bào chữa, đại diện và hoạt động tập huấn nghiệp vụ TGPL./.

Uyên San

Đọc thêm