Can ngăn đánh nhau, bỗng dưng vào tù
Lê Văn Thành (SN 1981, ngụ Gò Vấp, TP.HCM) là con thứ 8 trong gia đình nghèo. Cha mẹ mất sớm, thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình nên Thành sa vào tội phạm. Suốt cả thời tuổi trẻ, Thành chỉ quanh quẩn với việc vào tù ra khám, hết tội nọ đến tội kia.
Sau những năm tháng sống hoài, sống phí với 3 tiền án, năm 2010 Thành đã tỉnh ngộ nên quyết tâm thay đổi bản thân bằng nghề bảo vệ tại chợ Gò Vấp.
Ngày 3/6/2013, Thành phát hiện một nhóm thanh niên đang đánh nhau nên đến can ngăn. Trong lúc hỗn chiến, một đối tượng trong nhóm thanh niên bị chết khiến Thành phải đối mặt với pháp luật một lần nữa.
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 22h cùng ngày, anh Lê Minh Nhựt là người làm thuê cho ông Trương Hoàng Thuận đang mang bàn băng ngang qua đường thì xảy ra va quệt với nhóm của Phạm Văn Công, Đinh Công Thế Huynh, Vắn Nhật Bậu, Nguyễn Anh Tùng và Phạm Văn Công dẫn đến xô xát.
Thấy vậy, ông Thuận đến can ngăn, xin lỗi và có ý bồi thường nhưng nhóm Công không chịu rồi lao vào đánh nhau. Thấy vậy, Thành chạy đến can ngăn và nói có gì đợi công an đến giải quyết. Nghe vậy, Công ngừng đánh nhau quay sang tấn công Thành.
Tức giận, Thành chạy đến quán cơm lấy một cây gắp than quay lại đánh trả lại Công. Trong lúc này, Trương Hoàng Nam (SN 1988, con trai ông Thuận) nhìn thấy cha mình bị đánh nên lấy vỉ nướng thịt chạy đến đánh vào đầu Huynh khiến nạn nhân té ngã.
Trong lúc Huynh đứng dậy bỏ chạy, Thành cầm cây gắp than đánh vào đầu khiến nạn nhân ngã xuống đường dẫn đến tử vong.
Hành vi phạm tội của các bị cáo đã bị hoán vị?
Sau khi vụ án xảy ra, Nam bị bắt giam về hành vi Giết người. Trong khi đó, Thành được mời đến cơ quan chức năng lấy lời khai trong vai trò người làm chứng. Nhưng đến gần một năm sau, ngày 29/4/2014, Thành tiếp tục bị cơ quan điều tra mời đến lấy lời khai.
Sau khi đến đây, Thành mới biết mình bị buộc tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Nhưng trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đưa ra các chứng cứ quy buộc Thành chính là người gây ra cái chết cho nạn nhân nên chuyển từ tội danh “Gây rối trật tự công cộng” sang tội “Giết người”. Trong suốt thời gian 5 tháng bị tạm giam, Thành một mực kêu oan và cho rằng mình chỉ là người can ngăn, không hề đánh nhau với nạn nhân.
Ngày 21/1/2015, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo trong vụ án. Tại phiên tòa, Thành một mực kêu oan và không thừa nhận mình dùng cây gắp than đâm vào đầu nạn nhân dẫn đến án mạng nhưng Hội đồng xét xử (HĐXX) cấp sơ thẩm đã bác bỏ.
Sau giờ nghị án, HĐXX nhận định bị cáo Thành thực hiện hành vi với lỗi cố ý gián tiếp, không có dự mưu và chuẩn bị hung khí từ trước. Nhưng thực hiện hành vi quá nguy hiểm, dùng cây gắp than đâm thẳng vào đầu nạn nhân dẫn đến án mạng nên tuyên phạt Thành 16 năm tù về tội “Giết người”.
Trong khi đó, bị cáo Nam được chuyển tội danh từ “Giết người” sang tội “Gây rối trật tự công cộng”. HĐXX nhận định hành vi dùng vỉ sắt đánh nạn nhân của Nam không thể gây chết người. Do đó, Nam bị tuyên phạt 19 tháng 18 ngày tù, bằng thời hạn tạm giam và được trả tự do ngay tại tòa.
Các bị cáo khác gồm Bẩu, Tùng và Công bị Toà tuyên phạt từ 12 đến 18 tháng tù treo về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Bị cáo Thành kháng án kêu oan.
Ngày 28/5/2015, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM đưa vụ án ra xét xử. Tại phiên tòa, bị cáo Thành vẫn giữ nguyên lời khai, không thừa nhận mình giết người mà chỉ là người can ngăn vụ ẩu đả. Tiến hành đối chất tại tòa, các bị cáo Bẩu, Công và Tùng đều khẳng định Thành không thực hiện hành vi tấn công nạn nhân Huynh khi nạn nhân đã bỏ chạy, dẫn đến án mạng.
Luật sư bào chữa cho Thành giữ nguyên quan điểm hoàn trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Luật sư cho rằng, vết thương gây ra cái chết cho nạn nhân nhỏ hơn đường kính cây gắp than nên không thể xem vật dụng này là hung khí.
Hơn nữa, cơ quan điều tra thu giữ vật chứng không đúng quy định và đại diện VKS cấp sơ thẩm đã thừa nhận các vật thu giữ trong vụ án không phải là vật chứng.
Tiến hành đối chất tại tòa, các bị cáo khác đều cho rằng không nhìn thấy bị cáo Thành đâm Huynh. Sau khi xảy ra vụ án, tại hiện trường đã bị xóa dấu vết, cơ quan chức năng không thực nghiệm hiện trường. Cũng tại phiên tòa, bị cáo Nam có thừa nhận dùng thanh sắt đánh nạn nhân nhưng tình tiết này chưa được cấp sơ thẩm làm rõ nên HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng tội danh mà Tòa án cấp sơ thẩm quy kết 2 bị cáo Thành và Nam chưa chính xác.
Vì lẽ trên, Tòa hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại./.