10 năm, cả nước giải quyết cho hơn 30 nghìn trẻ làm con nuôi
Luật Nuôi con nuôi (NCN) đã được Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 17/6/2009 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2010. Ngày 1/2/2012, Việt Nam chính thức trở thành thành viên Công ước La Hay số 33 về Bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế. Các địa phương đã tích cực triển khai để đưa những quy định hết sức nhân văn này vào cuộc sống, giúp trẻ không may có hoàn cảnh đặc biệt tìm được mái ấm gia đình thay thế ở trong nước và nước ngoài.
Chẳng hạn, đối với tỉnh Lạng Sơn, UBND tỉnh đã ban hành các Kế hoạch, văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh triển khai thi hành Luật, các Nghị định về con nuôi, Công ước La Hay. Từ năm 2011 – 2020, toàn tỉnh đã có 504 trẻ được nhận nuôi, trong đó có 437 trẻ được nhận nuôi trong nước và 67 trẻ được nhận nuôi nước ngoài. Ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký việc NCN, công tác lưu trữ hồ sơ Đăng ký NCN.
Đến nay, 100% UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều đã trang bị Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký NCN, tạo điều kiện cho công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã dễ dàng truy cập, trích xuất dữ liệu, tra cứu thông tin; xác minh, xử lý về nhân thân và tình trạng công dân, giúp cho việc kiểm tra, thống kê số liệu một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ tạo điều kiện thuận lợi cho công dân đến giải quyết các thủ tục.
Tại tỉnh Kon Tum, triển khai thi hành Luật NCN, UBND tỉnh cũng đã kịp thời hành các văn bản chỉ đạo thực hiện; hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực NCN được nâng cao, đảm bảo sự thống nhất trong thực hiện và xác định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc giải quyết NCN; việc triển khai, tuyên truyền nội dung Luật NCN và các văn bản hướng dẫn thi hành được chỉ đạo tổ chức triển khai thường xuyên, tích cực.
Đồng thời, việc theo dõi tình hình của con nuôi được thực hiện nghiêm túc; kết quả cho thấy, phần lớn trẻ em được nhận làm con nuôi có thể chất, tinh thần phát triển tốt; có sự tiến bộ trong việc hòa nhập; cha, mẹ nuôi quan tâm chăm sóc con nuôi chu đáo, tạo cho trẻ được sống trong môi trường tốt nhất...
Tại tỉnh Nam Định, trong giai đoạn 2011 – 2020, có 345 trẻ em được nhận nuôi ở trong nước và 30 trẻ em được nhận nuôi ở nước ngoài. Công tác tuyên truyền, phổ biến và tập huấn, bồi dưỡng về pháp luật, nghiệp vụ NCN luôn được UBND các cấp, các sở, ngành liên quan quan tâm chỉ đạo, thực hiện.
Thống kê tổng hợp của Bộ Tư pháp cho biết, thực hiện Luật NCN trong giai đoạn 2011-2021, trên toàn quốc đã giải quyết 26.623 trẻ em làm con nuôi trong nước, chiếm hơn 87,2% và 3.896 trẻ em làm con nuôi nước ngoài chiếm hơn 12% trong tổng số 30.519 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi trong nước và con nuôi nước ngoài. Bộ Tư pháp đã cấp Giấy phép hoạt động cho 38 tổ chức con nuôi nước ngoài của 14 nước có quan hệ hợp tác về NCN với Việt Nam.
Sửa đổi, bổ sung Luật NCN là yêu cầu cần thiết
Tuy nhiên, công tác giải quyết việc NCN vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, mà nguyên nhân cơ bản do bất cập từ thể chế và thực thi pháp luật. Đối với công tác giải quyết NCN trong nước: Số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở cơ sở nuôi dưỡng được giải quyết cho làm con nuôi trong nước còn rất hạn chế. Tình trạng lợi dụng việc cấp giấy chứng sinh để hợp thức “cha mẹ nuôi” thành cha mẹ đẻ mà không thông qua thủ tục đăng ký NCN diễn ra ở một số địa phương. Trách nhiệm hỗ trợ việc NCN trong nước chưa được thực hiện một cách chuyên nghiệp, chủ yếu do UBND cấp xã thực hiện.
Đối với công tác giải quyết NCN có yếu tố nước ngoài: Công tác giải quyết NCN nước ngoài đối với trẻ em ở các cơ sở nuôi dưỡng chưa được triển khai đồng đều trên toàn quốc. Dịch bệnh Covid-19 đã có những tác động đáng kể đối với công tác giải quyết việc NCN có yếu tố nước ngoài…
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Bộ Tư pháp sẽ tập trung chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về NCN; tăng cường các biện pháp bảo đảm thi hành Luật NCN và Công ước La Hay; tiếp tục hoàn thiện thể chế về NCN nhằm cụ thể hoá chính sách của Đảng và Nhà nước mà theo đó, công tác quản lý nhà nước về NCN phải ngăn ngừa và chấm dứt các trường hợp NCN trái pháp luật.
Do vậy, trong thời gian tới việc sửa đổi, bổ sung Luật NCN là cần thiết và phải đáp ứng những yêu cầu như thể chế hóa những chính sách pháp luật liên quan đến NCN giai đoạn 2011-2020; bảo đảm tính liên thông giữa NCN trong nước và NCN có yếu tố nước ngoài.
Ngoài ra, bổ sung quy định về quản lý hoạt động của các tổ chức con nuôi nước ngoài hoạt động tại Việt Nam theo hướng nâng cao yêu cầu, trách nhiệm trong việc tư vấn, hỗ trợ, sử dụng biểu mẫu, sổ sách về NCN và số liệu thực hiện. Nâng cao vai trò của công tác hỗ trợ và công tác xã hội trong lĩnh vực NCN; giải quyết việc NCN trong trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan như đại dịch Covid-19…
Đặc biệt, phải bảo đảm sự thống nhất và tương thích giữa các quy định pháp luật khác có liên quan. Cụ thể là các quy định về vấn đề dân tộc của con nuôi, thay đổi hộ tịch của con nuôi, sự liên thông giữa thủ tục NCN và chuyển đổi thực hiện các biện pháp chăm sóc thay thế được điều chỉnh trong các văn bản quy phạm pháp luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Báo cáo tổng kết của Bộ Tư pháp cũng nhấn mạnh, sau 10 năm thực hiện Luật NCN, Công ước La Hay, công tác giải quyết việc NCN của Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định như: Thể chế pháp luật về NCN cơ bản đã hoàn thiện và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế; Quyết định cho nhận con nuôi nước ngoài được đương nhiên công nhận ở tất cả các nước thành viên Công ước La Hay…