Cân nhắc bỏ án tử đối với tội phạm nghiêm trọng trên 70 tuổi

(PLO) - Bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh được xem là quy định mới mang tính nhân văn của Dự thảo sửa đổi Luật Hình sự. Tuy nhiên trong phiên thảo luận sáng nay (16/5), nhiều đại biểu đã đưa ra ý kiến tranh luận khá gay gắt về vấn đề này, nhất là đối với việc bỏ án tử cho tội phạm trên 70 tuổi.
Theo ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) việc tội danh có quy định hình phạt tử hình ở khung cao nhất và thực tế có xử tử hình hay không là hai chuyện khác nhau. Theo quan điểm của ông  việc quy định tử hình trong tội danh sẽ có tính răn đe, để vì sợ chết mà người ta không dám phạm tội. 
Ông ví luật pháp không nên hiền dịu, như mặt nước hiền dịu sẽ làm cho nhiều người không sợ mà chết vì nước. Luật pháp cần phải cứng rắn, có tính răn đe cao để người ta thấy sợ mà không vi phạm. Tư tưởng pháp trị nghiêm khắc mới giảm được tội phạm.
“Tôi thấy cần cân nhắc rất kỹ, đặc biệt là ở tội cướp. Như TP HCM vừa rồi, với tội chặt lìa cánh tay cô gái để cướp xe SH, dân chúng rất hãi hùng. Hay tội phá hủy đường dây 500kv ở Hòa Bình khiến hàng loạt hoạt động bị đình trệ… Những tội đó thì phải tử hình.” ĐB khẳng định.
Đối với quy định tại Khoản 2 Điều 39 dự thảo quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội từ 70 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử; khoản 3 quy định không thi hành án tử hình nếu người bị kết án từ 70 tuổi trở lên, nhiều ĐB cũng cho rằng không hợp lý.
ĐB Triệu Là Phan (Hà Giang) nêu quan điểm:  “Dẫu biết quy định theo hướng này là chính sách nhân đạo với người đến tuổi thượng thọ, nhưng tôi thấy chưa hợp lý vì thực tế, nhiều người ở độ tuổi này vẫn phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, còn có thể là người cầm đầu các tổ chức tội phạm”, 
Nhiều ĐB cũng cho rằng hiện nay, nếu quy định không áp dụng, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 70 tuổi trở lên có thể dẫn đến việc lợi dụng để trì hoãn, trốn tránh sự trừng phạt, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Bởi  tuổi thọ trung bình của Việt Nam đã được nâng cao, trình độ dân trí và đời sống vật chất ngày càng được cải thiện. Trong cuộc sống thực tế, người ở độ tuổi 70 vẫn còn khả năng về sức khỏe và là những người có vốn hiểu biết, nhận thức và kinh nghiệm. 
Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) đề nghị cân nhắc kỹ việc không tử hình người phạm tội trên 70 tuổi, cũng với lý do trong thống kê của tòa án, có nhiều bị cáo phạm tội nghiêm trọng khi tuổi đã cao. Nếu quy định không tử hình đối với nhóm đối tượng này sẽ làm gia tăng tình trạng phạm tội của người cao tuổi
Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cũng đề nghị không áp dụng việc miễn án tử cho người trên 70 tuổi. ĐB cho rằng không có căn cứ để lấy mốc tuổi trên 70. Bởi nếu dựa trên chính sách với người cao tuổi thì vẫn chưa đúng vì luật quy từ 60 tuổi đã là người cao tuổi.
Cùng quan điểm, đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) đặt câu hỏi “Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật dựa trên căn cứ, tiêu chí nào để đưa đối tượng trên 70 tuổi vào diện không bị áp dụng hình phạt tử hình?” Và khi câu hỏi này chưa được giải thcihs thấu đáo, bà cho rằng quy định như dự thảo là không phù hợp với thực tế./.

Đọc thêm