Theo chương trình của Kỳ họp thứ 9, QH khoá XIII, trong 2 buổi chiều 17 và 18/ 6, Quốc hội sẽ dành thời gian để thảo luận về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga, và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với bà Châu Thị Thu Nga.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận): “Rất đau lòng mỗi khi phải bãi nhiệm một ĐB nào đó hoặc chứng kiến một ĐB nào đó có sự sai lầm”
ĐB Nguyễn Sỹ Cương |
Tôi vẫn cho rằng, 2 trường hợp nữ doanh nhân trong quá trình làm ĐBQH đều vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh là điều hết sức đáng tiếc. Bởi khi đã xác định mình là ĐBQH thì mình phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, phải là tấm gương trong việc chấp hành pháp luật để người dân nhìn vào và thấy Quốc hội là cơ quan thực sự có những người xứng đáng với vị trí đó.
Thực tế thì ĐBQH là một người được dân bầu ra với những uy tín và những trách nhiệm được quy định rất rõ ràng trong luật. Có khi bầu ra không có vấn đề gì, nhưng trong quá trình hoạt động mà không có uy tín, đi ngược với quyền hạn và trách nhiệm của chính bản thân mình, không xứng đáng với niềm tin của người dân thì đương nhiên phải bị bãi nhiệm.
Nhưng nếu vì trường hợp của 1,2 người mà đánh giá chung về chất lượng ĐB tự ứng cử thì rất khó. Vì có thể trong khóa QH lần này không phải nhiều ĐB tự ứng cử, tuy nhiên chất lượng của các ĐB tự ứng cử cũng là một điều mà chúng ta cũng phải suy nghĩ.
Trong những khóa QH tới có thể sẽ có nhiều người ứng cử hơn nên cần có một cách nào đó để kiểm soát về vấn đề nhân thân, đạo đức cũng như trình độ chuyện môn của các ĐB đó để từ đó chất lượng ĐB tốt hơn, đó là việc hết sức nên làm.
Cũng không loại trừ có những ĐB vào QH không chỉ vì nói tiếng nói của dân, đại diện cho người dân, mà lại có những mục đích khác, nhưng rất khó để xác định được việc đó.
Cái chính là khi bầu cử thì mình phải thực hiện lựa chọn những ĐB xứng đáng trên cơ sở quá trình công tác, liên quan đến đạo đức, phẩm chất của con người.
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh): “ĐB không còn uy tín với người dân thì phải bị bãi nhiệm”
ĐB Nguyễn Thị Khá |
Luật đã quy định tiêu chuẩn ĐBQH rất rõ. Khi không đủ tiêu chuẩn, mất niềm tin của nhân dân thì phải bãi nhiệm. Ở đây tôi chưa đề cập tới chuyện có kết luận hay bản án, nhưng ĐB Châu Thị Thu Nga đã không còn uy tín với người dân thì phải bị bãi nhiệm.
Còn việc đánh giá chất lượng ĐB tự ứng cử qua vụ việc này thì rất khó vì có những doanh nhân họ làm rất tốt, kể cả đóng góp cho ngân sách nhà nước và công tác xã hội. Nhưng những ĐB tự ứng cử có tính toán trước thì chắc chắn sau một thời gian sẽ lộ “vết chân asin”, lộ ra yếu điểm. Còn với những doanh nhân chân chính muốn tham gia nghị trường, chính trị để đóng góp tiếng nói của giới doanh nhân thì không có vấn đề gì.
Tôi cũng nghĩ khó có thể xem xét trách nhiệm đơn vị giới thiệu ĐB, vì người giới thiệu không phải cá nhân mà thường là một tổ chức, hiệp hội… Với tư cách cũng là nữ ĐBQH tôi thấy sự việc của ĐB Châu Thị Thu Nga là một sự mất mát, nhất là những năm gần đây tỷ lệ nữ ĐBQH không những tăng mà còn giảm, khi đã trở thành ĐBQH mà trong quá trình nhiệm kỳ 5 năm lại mất 2 vị nữ ĐBQH thì quả thật đây là điều rất đáng tiếc.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP.HCM: “ĐB bị bãi nhiệm làm tổn thương niềm tin của cử tri”
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm |
Đã là một con người thì có quá trình phấn đấu, ai cũng vậy thôi chứ không phải chỉ có ĐBQH mới đòi hỏi phải toàn vẹn. ĐBQH cũng là một con người bình thường, cũng có lúc sai lầm, có lúc vi phạm nên không chỉ có ĐBQH mới phải giữ tròn vai mà cán bộ, công chức... cũng vậy.
Nhưng ĐBQH vi phạm đến mức bị bãi miễn trách nhiệm ĐB thì thật sự là một việc đáng tiếc. Điều đó làm tổn thương niềm tin của cử tri bầu ra mình.
Đã làm ĐB dân cử thì đặt trên đôi vai của người ĐB đó một trách nhiệm lớn hơn phải giữ gìn chính bản thân mình, giữ gìn để làm tròn trách nhiệm của mình thì mới giữ niềm tin của cử tri. Chứ không phải ĐBQH vi phạm thì nghiên trọng hơn người khác.
ĐBQH khác chăng là trước khi mình trở thành ĐB thì mình được sự tín nhiệm của cử tri mới thành ĐB được. Khi đã thành ĐB thì phải nhắc nhở là mình phải giữ gìn, phấn đấu, rèn luyện không được sơ suất. Bởi vì mình làm một điều gì đó không phải không chỉ tổn hại đến bản thân mình, đến đơn vị tổ chức mình sinh hoạt mà còn ảnh hưởng đến niềm tin cho người dân đã tin mình, mình lại phản bội lại niềm tin đó. Nếu như sai phạm vô tình thì khác, cố ý thì càng nghiêm trọng./.