Cân nhắc bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh tham ô tài sản và nhận hối lộ

(PLVN) -Ngày 5/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã chủ trì Hội đồng thẩm định dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Toàn cảnh cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp.

Theo báo cáo tại cuộc họp, dự thảo Bộ luật gồm 03 phần, 26 chương, 433 điều; so với Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017) đã giữ nguyên 181 điều, sửa đổi 245 điều, bổ sung 06 điều, bỏ 18 điều.

Theo đó, dự thảo Bộ luật dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội) tại 05 tội danh theo Đề án “Rà soát, đánh giá những bất cập trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự liên quan đến áp dụng hình phạt tử hình và thi hành án tử hình; nghiên cứu giảm bớt tội danh bị áp dụng hình phạt tử hình; tăng cường áp dụng biện pháp chuyển đổi từ hình phạt tử hình sang hình phạt tù” của Đảng uỷ VKSNDTC đã trình Bộ Chính trị cho ý kiến (tại Công văn số 13936-CV/VPTW ngày 25/3/2025 của Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương).

Gồm các tội danh: “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (Điều 109 Bộ luật Hình sự); “Phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam” (Điều 114); “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh” (Điều 194); “Vận chuyển trái phép chất ma tuý” (Điều 250); “Phá hoại hoà bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421).

Đại diện Bộ Công an báo cáo tại cuộc họp.

Đại diện Bộ Công an báo cáo tại cuộc họp.

Bên cạnh đó, bỏ hình phạt tử hình và thay thế hình phạt tử hình bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án ở một số tội danh khác như: Tội gián điệp (Điều 110), Tội tham ô tài sản (Điều 353) và Tội nhận hối lộ (Điều 354). Như vậy, dự kiến bỏ hình phạt tử hình tại 08/18 tội danh có khung hình phạt tử hình ở Bộ luật Hình sự hiện hành.

Cho ý kiến về vấn đề này, ông Dương Minh Nghĩa, đại diện Văn phòng Chủ tịch nước đồng tình với chủ trương loại bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng tù chung thân không xét giảm án đối với một số tội danh được nêu trong dự thảo Bộ luật. Tuy nhiên, cần phải có sự cân nhắc toàn diện hơn, dựa trên cả lý luận và thực tiễn, đối với một số tội đặc biệt nghiêm trọng nếu chúng ta quyết định bỏ hình phạt tử hình.

Theo ông Nghĩa, trước hết, đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy — trong bối cảnh hiện nay — việc loại bỏ hình phạt tử hình sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trên thực tế, có nhiều trường hợp không đủ cơ sở để truy tố về tội mua bán trái phép chất ma túy, mà chỉ có thể xử lý dưới tội danh vận chuyển trái phép. Nếu bỏ tử hình đối với tội này, cần xem xét liệu hình phạt thay thế có đủ sức răn đe và đáp ứng yêu cầu thực tiễn hay không.

Ông Dương Minh Nghĩa, đại diện Văn phòng Chủ tịch nước phát biểu tại cuộc họp.

Ông Dương Minh Nghĩa, đại diện Văn phòng Chủ tịch nước phát biểu tại cuộc họp.

Với tội tham ô và nhận hối lộ - hiện đang trong giai đoạn quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ông Dương Minh Nghĩa cũng đề nghị phải xem xét kỹ lưỡng việc bỏ tử hình đối với hai tội danh này. Thực tiễn cho thấy, các trường hợp bị xử tử hình vì tội tham nhũng thường là những người có chức vụ, quyền hạn và ở độ tuổi nhất định. Nếu thay thế bằng tù chung thân không xét giảm, thì về lâu dài sẽ khó đạt được mục tiêu thu hồi tài sản tham nhũng, vì hình phạt không còn đủ áp lực buộc người phạm tội hợp tác.

Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng cho biết việc xem xét ân giảm hiện nay thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước, mà dự thảo Bộ luật đang đề xuất mở rộng phạm vi xem xét ân giảm đối với hình phạt tù chung thân không xét giảm án, thì cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, dựa trên tổng kết thực tiễn áp dụng pháp luật qua nhiều thời kỳ.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế, tham nhũng, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cho biết, Viện đề nghị giữ nguyên hình phạt tử hình đối với tội “vận chuyển trái phép chất ma tuý”. Bởi lẽ trong thực tế hiện nay, chúng ta đã và đang chứng kiến những vụ án vận chuyển ma túy với số lượng rất lớn, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Điển hình như vụ Bộ Công an vừa triệt phá gần đây, phát hiện đường dây sản xuất tới 1,4 tấn ma túy tổng hợp, trị giá khoảng 1.400 tỷ đồng.

Ông Nam nhấn mạnh nếu chúng ta không giữ lại hình phạt tử hình cho hành vi vận chuyển ma túy với quy mô lớn như vậy, thì tính răn đe sẽ không đủ mạnh. Nhất là khi số lượng các vụ án ma túy lớn đang có chiều hướng gia tăng nhanh chóng, trở thành mối đe dọa trực tiếp đến trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế, tham nhũng, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phát biểu tại cuộc họp.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế, tham nhũng, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phát biểu tại cuộc họp.

Đối với các tội tham ô tài sản và nhận hối lộ, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng đề nghị tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định bỏ hình phạt tử hình. “Hiện nay, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những chủ trương lớn, nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, nhằm xây dựng bộ máy trong sạch, thu hút đầu tư và tạo lập môi trường phát triển bền vững. Dù tư tưởng nhân văn, khoan hồng trong chính sách hình sự là xu hướng đáng khuyến khích, nhưng không vì thế mà lơi lỏng nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Nếu loại bỏ hình phạt tử hình với các tội danh này vào thời điểm hiện nay, e rằng sẽ khiến xã hội hiểu lầm rằng công cuộc chống tham nhũng đang "giảm nhiệt" hoặc dừng lại. Thực tiễn cho thấy, khi đối tượng đứng trước nguy cơ nhận án tử hình, thái độ và hành vi hợp tác thường thay đổi rõ rệt. Sức răn đe của mức án cao nhất này không chỉ thể hiện ở sự nghiêm khắc về pháp lý mà còn tạo ra áp lực buộc các đối tượng phải chủ động khắc phục hậu quả, đặc biệt là trong việc thu hồi tài sản tham nhũng” – ông Nam nêu rõ.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội đặt ra câu hỏi tại sao dù hình phạt tử hình rất nghiêm khắc, nhưng tội phạm ma túy vẫn tiếp tục buôn bán, thậm chí sản xuất với số lượng lên đến hàng tấn như vậy. Lý do là bởi cơ chế áp dụng hình phạt. Nếu buôn 100 gram cũng có thể bị tử hình, thì trong tư duy của kẻ phạm tội, thà buôn một chuyến thật lớn để có lời lớn, lỡ bị bắt cũng chỉ một án, còn nếu thoát thì thắng lớn. Tâm lý “được ăn cả, ngã về không” ấy tạo nên sự liều lĩnh, khiến tính răn đe của hình phạt cao nhất không còn phát huy đúng mức.

Còn đối với các tội tham ô và nhận hối lộ – tức tội phạm chức vụ – hiện nay chỉ có hai tội danh này vẫn bị áp dụng hình phạt tử hình. Ông Đức cho rằng nếu chúng ta loại bỏ hình phạt tử hình đối với hai tội này, điều đó thể hiện sự chuyển hướng theo tư tưởng nhân đạo, đồng thời nhấn mạnh đến việc thu hồi tài sản và khắc phục hậu quả hơn là trừng trị đến cùng.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh yêu cầu rất quan trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật hình sự hiện nay, đó là: đề cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Việc giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng các hình phạt thay thế như phạt tiền hay cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm là nguyên tắc xuyên suốt trong tư duy lập pháp hiện đại. Điều này đã được thể hiện rõ trong nhiều văn bản quan trọng như Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới và nhiều chỉ thị khác của Đảng, Nhà nước.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kết luận cuộc họp.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kết luận cuộc họp.

Về ba tội danh mà Bộ Công an đề xuất bổ sung vào danh sách bỏ hình phạt tử hình, trong đó có tội tham ô tài sản và nhận hối lộ, Thứ trưởng đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi hai tội danh này có liên quan trực tiếp đến công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực – một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng và Nhà nước hiện nay. Thực tế cho thấy, những quy định nghiêm khắc hiện nay, trong đó có hình phạt tử hình, đã góp phần tạo ra hiệu quả rõ rệt trong việc thu hồi tài sản tham nhũng. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị, nếu xem xét bỏ án tử hình với các tội danh này, cơ quan chủ trì cần có kế hoạch truyền thông, phổ biến chính sách thật kỹ lưỡng, tránh gây ra phản ứng trái chiều trong xã hội.

Về hình phạt tù chung thân không xét giảm án, Thứ trưởng lưu ý, trên thực tế, mặc dù gọi là "không xét giảm án", nhưng pháp luật vẫn có quy định về ân giảm, và việc này thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước – chủ yếu áp dụng với các trường hợp đặc xá, đại xá. Việc đưa thêm hình phạt là tù chung thân không xét giảm án có thể dẫn đến sự chồng chéo, không thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành.

Đọc thêm