Cân nhắc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt game online

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trước đề xuất của Bộ Tài chính về việc đưa kinh doanh trò chơi điện tử trực tuyến vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, một số doanh nghiệp cho rằng, cần cân nhắc vì việc đánh thuế này sẽ tạo sự cạnh tranh không công bằng đối với doanh nghiệp (DN) trong nước…
Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Bộ Tài chính: Hạn chế game online với mức thuế suất hợp lý

Tại Hội thảo “Doanh nghiệp dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến (game online) đóng góp ý kiến về Đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm qua, 30/3, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng đang có những định kiến về game online vì những tác động tiêu cực trong khi game online còn nhiều tác động tích cực nhất là trong lĩnh vực giáo dục.

Theo ông Tuấn, chưa có quốc gia nào đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với game online. Hiện nay, doanh nghiệp (DN) game Việt cũng đang phải chịu sự cạnh tranh không bình đẳng với các nhà phát hành game ngoại ngay chính thị trường Việt Nam…” - ông Tuấn lo ngại.

Theo đề cương Dự thảo Đề án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), Bộ Tài chính cho rằng: “Loại hình kinh doanh game hiện nay là mặt hàng có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia…”. Để góp phần định hướng sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và góp phần tăng cường quản lý hoạt động này, Bộ Tài chính đề xuất cần nghiên cứu bổ sung loại hình “kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng” vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất hợp lý để đảm bảo hạn chế dịch vụ này…

Nhưng tại Hội thảo, nhiều ý kiến không đồng tình với nhận định: kinh doanh game online mang lại doanh thu lớn, lợi nhuận cao.

Ông Nguyễn Xuân Cường - Chủ tịch Hội thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) cho biết, theo khảo sát của VIRESA, chỉ có 8% những người sử dụng dịch vụ có trả tiền khi chơi game online – là đối tượng mà Thuế TTĐB nhắm tới. Mục tiêu của thuế là giảm hành vi chơi game, nhưng thực tế tác động chỉ đánh vào chỉ 8% này thôi. Đa số họ là những người có nghề nghiệp ổn định và làm chủ hành vi giải trí, nhu cầu giải trí là nhu cầu hợp pháp cần được bảo vệ…

Cũng theo ông Cường, nếu áp thuế thì người chơi thay vì sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp trong nước sẽ chuyển sang nhà cung cấp xuyên biên giới.

Còn bà Nguyễn Thùy Dung, Giám đốc SohaGame cho biết, đa số các DN cung cấp dịch vụ game online trong ngành có mức doanh thu tương đối với lợi nhuận thấp. Phần lớn các trò chơi trên thị trường Việt Nam đều được các DN trong nước nhận li-xăng từ các nhà phát triển trò chơi nước ngoài để phát hành và DN phải chi trả các chi phí bản quyền và chia sẻ doanh thu cho các nhà phát triển nước ngoài (với tổng tỷ lệ từ 25 - 35% doanh thu, chưa kể rất nhiều chi phí liên quan khác…).

Ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNG cho biết, tỷ suất lợi nhuận của DN kinh doanh loại hình này chỉ đạt khoảng 3-5% doanh thu - mức tỷ suất lợi nhuận trung bình hiện nay.

Doanh nghiệp lo ngại bảo hộ ngược

Theo ông Nguyễn Xuân Cường - Chủ tịch VIRESA, Việt Nam chưa có nhiều cơ chế để kiểm soát DN xuyên biên giới. Còn những DN trong nước tuân thủ nghiêm túc lại chịu thiệt thòi so với các DN nước ngoài. Có 1 DN hội viên của VIRESA cho biết, gần như lập tức quy mô nhân sự sẽ giảm 50% nếu bị áp thuế thật sự. Chưa kể, nếu bị áp thuế TTĐB thì người dùng trong nước sẽ chuyển sang sử dụng sản phẩm game của nước ngoài, khó kiểm soát nội dung. Điều này cũng không đảm bảo được thông lệ quốc tế vì chưa có quốc gia nào áp thuế TTĐB…

Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASSA) Lê Xuân Hòa thông tin, có khá nhiều DN game khá thành công nhưng buộc phải chuyển sang nước ngoài chứ không cung cấp tại Việt Nam. Đây cũng là vấn đề lớn đặt ra với các nhà hoạch định chính sách.

Theo Phó Chủ tịch VINASA, sự phát triển của game online cũng là thúc đẩy sự phát triển công nghệ số. Game không phép, game xấu đang tạo ra các ảnh hưởng xấu vẫn hoạt động tại Việt Nam và làm ảnh hưởng đến các game tốt được cấp phép. Nếu tiếp tục chịu thêm thuế TTĐB thì thị trường game tốt sẽ bị thu hẹp, giống như chúng ta bảo hộ ngược, tạo điều kiện cho game xấu, game lậu có mảnh đất phát triển.

Tại Hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực - Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc có nên áp dụng thuế TTĐB với game online phải thông qua các bằng chứng khoa học, bằng chứng thực tế mối nguy hại của game online với người chơi. Không nên đánh đồng tất cả game online đều nguy hại. Khi cần thiết mới nên đánh thuế, nếu không thì nên sử dụng các biện pháp hành chính…

“Trong trường hợp áp thuế, cần làm rõ hiệu quả của việc thu thuế cũng như giảm tác hại của game với người chơi. Mục tiêu của việc hạn chế nghiện game là cần thiết nhưng ngoài biện pháp thuế ra còn biện pháp nào tốt hơn, rẻ hơn, ít tác động hơn, cũng như thúc đẩy ngành game phát triển không?” - ông Hiếu gợi mở.

Tại buổi họp báo quý I/2023 của Bộ Tài chính chiều qua, ông Trương Bá Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã có Công văn 1585 ngày 21/2 xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội có liên quan về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi), trong đó có sửa đổi 4 nhóm vấn đề liên quan đến việc mở rộng cơ sở thuế, trong đó có bổ sung một số nhóm đối tượng. Bộ Tài chính mong muốn nhận được ý kiến để hoàn thiện dự án theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đọc thêm