Cân nhắc quy định bảng giá đất ổn định trong thời kỳ trung hạn

(PLVN) - Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sáng nay, 7/4, thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), tài chính đất đai là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu tại hội nghị.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu tại hội nghị.

Luật hóa các phương pháp định giá

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) nêu vấn đề, khoản 2 Điều 149 dự thảo Luật quy định "việc điều tiết nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước".

Tuy nhiên, Luật Ngân sách nhà nước 2015 không quy định điều tiết thu ngân sách từ đất đai giữa cấp ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Đất đai quy định các khoản thu từ xử phạt do vi phạm hay các khoản thu từ dịch vụ công từ đất nhưng Luật Ngân sách nhà nước chưa có quy định cụ thể về các nội dung này.

Đồng thời, các nhiệm vụ chi về ngân sách nhà nước cũng đang là các khoản chi phân cấp theo các lĩnh vực mà chưa có quy định về phân bổ hay điều tiết các yếu tố cá biệt liên quan đến các khoản thu hình thành từ đất, ví dụ như các khoản thu dịch vụ công từ đất. Vì vậy, đại biểu đề nghị đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định về điều tiết các khoản thu từ đất trong dự án Luật.

Về phương pháp xác định giá đất, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng đây là một vấn đề quan trọng nhưng các bản dự thảo Luật từ trước đến này đều chỉ đề cập đến một câu là về phương pháp định giá đất, còn lại giao Chính phủ quy định chi tiết.

“Để dự án Luật mang tính hiệu lực cao, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nêu rõ các phương pháp định giá và trường hợp áp dụng trong luật, đối với các nội dung cụ thể và cách tính thì mới giao Chính phủ quy định. Đồng thời, cân nhắc việc quy định bảng giá đất ổn định trong thời kỳ trung hạn, ví dụ là 3 năm thay vì 1 năm theo đề xuất sẽ mất nhiều thời gian và nguồn lực”, đại biểu nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa -Vũng Tàu) nhận định, việc xác định giá đất, phương pháp xác định giá đất hiện nay có những điểm chưa phù hợp, chưa thể hiện sự công khai, minh bạch đã gây nên những vấn đề tiêu cực, làm ảnh hưởng đến chính sách về đất đai của Nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân.

Do đó, những quy định mới cần được xem xét sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp, khả thi và hiệu quả, đồng thời cũng cần quan tâm đến độ giãn về thời gian áp dụng quy định, cách thức xác định giá đất theo phương pháp mới. Đại biểu đề nghị sửa đổi theo hướng quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ 3 năm để tránh lãng phí về thời gian tổ chức và các quy trình xây dựng.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) nêu vấn đề, hiện nay, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai chiếm đến 70% khiếu kiện của người gửi đến Ban Dân nguyện của Quốc hội. “Vậy sau khi sửa Luật lần này, Ban soạn thảo đánh giá tác động sẽ giảm được tình trạng khiếu kiện như thế nào trong lĩnh vực đất đai?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh cũng cho rằng, một số quy định hiện tại của dự thảo Luật có thể gây ra cách hiểu khác nhau, dẫn đến việc thực thi cũng rất khác nhau và tăng nguy cơ khiếu kiện. Ví dụ như quy định về phân loại đất và quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Điều 10 của dự thảo Luật phân ra rất nhiều loại đất nhưng Điều 117 chỉ có một số ít phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất…

Ngoài ra, đại biểu này cũng băn khoăn việc sửa Luật có giảm được tình trạng đầu cơ bất động sản, bong bóng bất động sản để tạo nguồn lực cho sản xuất hay không. “Đề nghị Ban soạn thảo cần có đánh giá cụ thể về số ngôi nhà làm ra nhưng chưa được bán, chưa được ở nhằm tránh hệ quả tăng trưởng dựa vào bất động sản”, đại biểu nói.

Việc sửa đổi Luật có tạo điều kiện cho các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai để mở các công xưởng, nhà máy nhằm tận dụng được cơ hội của đất nước về dân số vàng, thời cơ vàng để phát triển kinh doanh hay không cũng là một vấn đề được đại biểu đưa ra tại hội nghị để Ban soạn thảo xem xét.

Đảm bảo người dân có đất được thụ hưởng thành quả của dự án phát triển

Phát biểu làm rõ ý kiến đại biểu nêu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định vấn đề tài chính, định giá đất là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, mà nếu giải quyết được thì sẽ giải quyết được hết mọi tranh chấp, vấn đề lợi dụng hay quản lý, khiếu nại, tố cáo…

“Từ năm 1993, 2003 và 2013, chúng ta đều kiên trì tìm cách để giải quyết bài toán là tài chính, hay nói rộng hơn là kinh tế đất đai. Đặc biệt, chúng ta nói đến vấn đề về giá thị trường, nguyên tắc thị trường, sát giá thị trường, phù hợp giá thị trường, cho thấy chúng ta đã xác định hướng đi là như vậy”, Phó Thủ tướng cho hay.

Khẳng định nguyên tắc thị trường, mục tiêu phù hợp với giá thị trường, Phó Thủ tướng cho biết, hiện có 4 phương pháp tính nhưng chưa có giá chính xác, nguyên nhân là do thông số đầu vào không chuẩn. Dự thảo Luật xác định khó có thể tuyệt đối nhưng bảo đảm cơ sở khoa học, thu đúng giá.

Để làm được điều này, người dân cần giao dịch đất đai trên sàn, đăng ký với văn phòng giá chuẩn. Trên cơ sở thu thập đầu vào từ sàn giao dịch, căn cứ cơ sở dữ liệu đất đai và việc người dân đăng ký ở văn phòng để có dữ liệu, phương pháp tính đúng, từ đó đưa thông tin lên bản đồ và đưa ra giá trị chuẩn nêu rõ một số yêu cầu.

Về vấn đề thu hồi, đền bù, hỗ trợ, tái định cư, Phó Thủ tướng thừa nhận yêu cầu phải lượng hóa được nguyên tắc sau khi người dân bị thu hồi đất thì điều kiện sống, sinh kế phải ít nhất bằng trước đó.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị.

“Trước đây, chúng tôi có nói là có thu nhập tốt hơn nhưng thu nhập còn phụ thuộc vào năng lực, thu nhập không phản ánh tất cả chất lượng cuộc sống mà nói đời sống tốt thì mới đúng. Ở đây, chúng tôi quan niệm đời sống tốt hơn chính là đồng bộ hạ tầng về mặt giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế, đó là những điều kiện sống tốt hơn; thứ hai là chỗ ở, tức là diện tích trước đây nhỏ thì bây phải có diện tích lớn hơn. Viết vào mà không làm được sẽ phát sinh khiếu kiện, viết vào trong Luật này là phải thực hiện bằng được”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, điều quan trọng nhất là khi đưa ra kế hoạch sử dụng đất cấp huyện phải đưa ra được kế hoạch khu tái định cư.

“Quan điểm ở đây là phải tạo các điều kiện tốt hơn cho người dân, tức là trong từng dự án phát triển, nếu là dự án thương mại, nhà ở… thì phải tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận. Không có lý gì chúng ta làm một dự án phát triển mà lại không để cho những người dân có đất ở đấy bao nhiêu năm không được thụ hưởng những thành quả của dự án phát triển. Dự án đô thị hay là dự án đầu tư thì khu tái định cư phải đi trước thì mới được”, ông Hà nêu rõ.

Đọc thêm