Cân nhắc thời điểm điều chỉnh một số dịch vụ công

(PLVN) - Phát biểu tại Hội nghị đánh giá về tình hình thực hiện công tác điều hành giá 6 tháng đầu năm và dự báo, kiến nghị công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ nhấn mạnh, trong điều kiện lạm phát thấp sẽ thuận lợi để điều chỉnh một số dịch vụ công, nhưng phải cân nhắc thời điểm, tránh cùng điều chỉnh trong một thời điểm làm gia tăng lạm phát, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp vào điều hành của Chính phủ…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ Phát biểu tại Hội nghị

Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng sát với dự báo

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính Nguyễn Văn Truyền cho biết, giá cả trong nửa đầu năm 2019 biến động theo hướng tăng tương đối cao trong tháng diễn ra Tết Nguyên đán, giảm nhẹ trong tháng 3, tăng dần trở lại trong 2 tháng tiếp theo, sau đó giảm trở lại vào tháng 6.

Theo Tổng Cục Thống kê, so với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 0,1%, tháng 2/2019 tăng 0,8%, tháng 3 giảm 0,21%, tháng 4 tăng 0,31%, tháng 5 tăng 0,49%, tháng 6 giảm 0,09% so với tháng trước. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so cùng kỳ năm 2018. “Như vậy, diễn biến chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm tương đối sát với dự báo từ đầu năm và nằm trong kịch bản CPI tăng thấp”, ông Truyền nói.

Ông Truyền cho biết nguyên nhân CPI 6 tháng đầu năm tăng thấp so với dự báo do giá lương thực giảm do nguồn cung trong nước dồi dào; giá xăng dầu trong nước giảm trở lại từ cuối tháng 5 đến nay; giá dịch vụ viễn thông tiếp tục giảm…

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu, tăng cường thanh kiểm tra, điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý với mức độ và thời điểm phù hợp, hạn chế tác động đến giá cả chung và lạm phát kỳ vọng.

Đối với một số hàng hóa thiết yếu, việc điều chỉnh giá điện theo tính toán làm CPI cả năm 2019 tăng khoảng 0,29%, làm giảm GDP khoảng 0,22%. Việc tác động của giá điện đến chỉ số CPI các tháng sau ngày điều chỉnh giá điện cũng được tính toán đến.

Theo đó, với mức tăng giá điện bình quân 8,36% cùng tác động của thời tiết nắng nóng làm tăng nhu cầu sử dụng điện đã tác động làm chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 0,33% trong tháng 3/2019, tăng 1,85% trong tháng 4/2019 và tăng 6,86% trong tháng 5/2019, tăng 1,59% trong tháng 6/2019. Ngoài ra, các mặt hàng tươi sống những tháng đầu năm biến động không đồng đều.

Trong khi giá các mặt hàng thịt bò, thịt gà, thủy hải sản ổn định, thì giá mặt hàng thịt lợn tăng trong tháng 1 và 2. Từ thời điểm tháng 3 đến tháng 5, giá thịt lợn hơi giảm mạnh, từ đầu tháng 6 đến nay lại tăng trở lại do nguồn cung trên thị trường giảm.

Ông Truyền cho biết, dự báo lạm phát bình quân năm 2019 trong khoảng từ 3,17 – 3,41%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu dưới 4% của Chính phủ. Với kịch bản trên, cho thấy CPI năm 2019 sẽ tăng thấp hơn năm 2018. Do đó, các mặt hàng điều hành giá theo lộ trình còn dư địa xem xét vào quý IV/2019.

Theo dõi diễn biến để có giải pháp bình ổn thị trường

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, công tác điều hành giá, đặc biệt giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý trong 6 tháng đầu năm được thực hiện điều độ, phù hợp, kiểm soát được lạm phát kỳ vọng.

Mặc dù vậy, công tác triển khai đấu thầu vật tư, thiết bị y tế còn chậm; kênh đấu thầu thuốc tập trung còn khiêm tốn; rà soát các định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực y tế còn chậm; chưa đảm bảo cung cấp thông tin đối với một số hàng hóa, vật tư thiết yếu cho người dân. Phó Thủ tướng cũng đồng tình với kịch bản lạm phát cả năm 2019 ở mức 3,17 - 3,41. 

Chỉ đạo công tác điều hành giá từ nay đến cuối năm, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung - cầu thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là một số hàng hóa thiết yếu như thịt lợn, vật liệu xây dựng, xăng dầu. Bên cạnh đó, điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra: 

“Trong điều kiện lạm phát thấp sẽ thuận lợi hơn để điều chỉnh một số dịch vụ công, nhưng phải cân nhắc thời điểm, tránh cùng điều chỉnh trong một thời điểm làm gia tăng lạm phát, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp vào điều hành của Chính phủ, bảo đảm thu nhập và cuộc sống của người dân, tạo dư địa cho điều hành lạm phát trong năm sau”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ Tài chính điều hành giá xăng hài hoà lợi ích của doanh nghiệp, người dân và Nhà nước, tránh để Quỹ bình ổn xăng dầu xuống thấp như vừa qua.

Về giá điện, Phó Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ sớm hoàn thành thanh tra về giá điện, đề xuất hình thức xử lý nghiêm nếu có sai phạm. Trong năm 2020, Chính phủ sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán chuyên đề về giá điện. Về giá BOT, Bộ Giao thông Vận tải sớm trình Chính phủ tổng thể các giải pháp, đánh giá kỹ lộ trình, tác động của điều chỉnh giá, cả phương án hoàn vốn của các chủ đầu tư, nhất là phân loại nợ của ngân hàng, đảm bảo khả năng trả nợ.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý công tác tuyên truyền phải góp phần vào thành công chung trong điều hành giá; cần tăng cường tuyên truyền để hạn chế thông tin thất thiệt gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng, ảnh hưởng bất lợi đến thị trường. 

Đọc thêm