Công tác phát triển Đảng trong giới nghệ sĩ Thủ đô: Những nút thắt cần tháo gỡ - Bài 2: Phát triển Đảng trong giới nghệ sĩ - 'khó nhiều bề'

(PLVN) - Phát triển Đảng trong giới văn nghệ sĩ rất quan trọng vì đây là lực lượng góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với xã hội qua các tác phẩm nghệ thuật. Thế nhưng, thực tiễn công tác phát triển Đảng trong giới văn nghệ sĩ Thủ đô hiện nay và bản thân nhận thức, nỗ lực của lực lượng văn nghệ sĩ Thủ đô để đứng vào hàng ngũ của Đảng đôi khi vẫn là “hai đường thẳng song song”.
Ban Chấp hành Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025 có 9 thành viên. (Ảnh: Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội)
Ban Chấp hành Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025 có 9 thành viên. (Ảnh: Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội)

Tỷ lệ Đảng viên là nghệ sĩ, diễn viên chưa nhiều

Trao đổi với Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về công tác định hướng tư tưởng và phát triển Đảng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung và giới văn nghệ sĩ Thủ đô nói riêng, đại diện Phòng Văn hóa, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, cùng với việc triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kết luận của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”, trong đó có việc xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô thực sự là đội ngũ tiên phong, gương mẫu, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật Thủ đô ngày càng phát triển lên tầm cao mới.

Từ những định hướng chỉ đạo của Thành ủy, các tổ chức cơ sở Đảng trong ngành Văn hóa cũng có nhiều nỗ lực để phát triển Đảng trong lực lượng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ Thủ đô. Tại Đảng bộ Sở Văn hóa - Thể thao TP Hà Nội, từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay đã kết nạp 130 Đảng viên mới; trong đó có 27 đồng chí là văn nghệ sĩ, diễn viên. Sau khi kết nạp, các Đảng viên là văn nghệ sĩ, diễn viên đã phát huy được vai trò tiên phong gương mẫu, nhiều đồng chí đã được giao các vị trí lãnh đạo cấp uỷ, đơn vị, góp phần tích cực vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, bảo đảm tính kế thừa, sự phát triển liên tục của Đảng, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác Đảng viên và xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh.

Điều đáng nói, tỷ lệ Đảng viên là nghệ sĩ, diễn viên chiếm tỷ lệ còn khiêm tốn (khoảng 30%). Tỷ lệ diễn viên lớn tuổi chiếm khoảng 60%, diễn viên trẻ khoảng 40%. Diễn viên từ 30 tuổi trở xuống chiếm số lượng ít, do vậy hạn chế về nguồn phát triển Đảng (nhiều Đảng viên mới khi kết nạp Đảng đã trên 50 tuổi). Tại 6 chi bộ (bao gồm chi bộ Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ, Nhà hát Múa rối Thăng Long và Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long) thuộc Đảng bộ Sở có đội ngũ nghệ sĩ diễn viên đang công tác và sinh hoạt, với tổng số biên chế 377 người, số Đảng viên là nghệ sĩ, diễn viên là 89 người (chiếm 23,6%). Tại Nhà hát Tuổi trẻ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chi bộ Nhà hát kết nạp được 4 Đảng viên là nghệ sĩ.

Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội có 9 hội chuyên ngành (bao gồm Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật, Hội Nhiếp ảnh, Hội Điện ảnh, Hội Sân khấu, Hội Âm nhạc, Hội Nghệ sĩ Múa, Hội Kiến trúc, Hội Văn nghệ dân gian) với 2.800 hội viên, song công tác phát triển Đảng cũng “khó nhiều bề”.

NSND Trần Quốc Chiêm - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội thừa nhận tình trạng “thiếu nguồn phát triển Đảng” trong tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp quan trọng này của giới văn nghệ sĩ Thủ đô. Ở các Hội trực thuộc có thể rất đông hội viên cũng không dễ có nguồn kết nạp nếu hội viên không tham gia Ban Chấp hành.

Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội Nguyễn Văn Toản cho biết, trên địa bàn thành phố có 18 câu lạc bộ nhiếp ảnh với 575 thành viên, trong đó Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 chỉ có 9 thành viên. Đối với những văn nghệ sĩ tự do nếu muốn là đối tượng phát triển Đảng thì phải thực hiện tại Đảng bộ địa phương nơi cư trú. Tuy nhiên, với hoạt động nghề nghiệp phải di chuyển nhiều, giờ giấc sinh hoạt không cố định nên việc tham gia vào các hoạt động của địa phương không thường xuyên, hạn chế rất nhiều đến việc đánh giá, theo dõi, giúp đỡ để phát triển Đảng đối với họ.

Cần nhiều giải pháp hiệu quả hơn nữa

Hà Nội đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X). (Các tập thể được tặng Bằng khen của UBND TP Hà Nội. Ảnh: HNM)

Hà Nội đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X). (Các tập thể được tặng Bằng khen của UBND TP Hà Nội. Ảnh: HNM)

NSƯT Nguyễn Sỹ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ khẳng định, các Đảng viên của Chi bộ đã tập trung và phát huy sở trường trong môi trường làm việc của mình nhằm duy trì hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực mình phụ trách, bên cạnh đó thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề, các Đảng viên đều nắm được các nội dung quan trọng trong công tác tuyên truyền và định hướng của Đảng ủy cấp trên, đồng thời đưa ra các giải pháp gắn với thực tiễn của đơn vị.

Thế nhưng, xuất phát từ đặc thù nghề nghiệp khiến nhiều người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung và văn nghệ sĩ Thủ đô nói riêng “ngại” vào Đảng. Bí thư Đảng ủy Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật TP Hà Nội Trần Quốc Chiêm tâm tư: “Nghệ sĩ vốn đã tự do, lại hoạt động tự do thì họ rất ít khi muốn tham gia một tổ chức có nhiều quy định phải tuân thủ. Với việc hoạt động “nay đây, mai đó”, lối sinh hoạt cũng “khác người thường” do đặc thù nghề nghiệp, giới nghệ sĩ tự do sẽ chỉ muốn “bay nhảy” để làm nghệ thuật”. Thực tế đó cho thấy, “điểm thắt” về nguồn phát triển Đảng của ngành Văn hóa Thủ đô lại đang là đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên, những “chiến sĩ của mặt trận văn hóa”.

Một nguyên nhân khác là có những nghệ sĩ thành danh nhờ kinh nghiệm, được đào tạo dưới dạng truyền nghề, hay phát triển năng khiếu qua các cuộc thi. Thế nhưng, họ lại hoạt động tự do, không tham gia cơ quan, tổ chức, đơn vị - là những điều kiện tiên quyết để giới thiệu cảm tình Đảng. Cũng vì hoạt động tự do nên nhận thức của họ về tổ chức như Đảng Cộng sản Việt Nam chưa đủ sâu sắc để họ có động lực phấn đấu trở thành Đảng viên.

Thực hiện Điều lệ Đảng 2011, Quy định 24-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng, Hướng dẫn 01-HD/TW ngày 28/9/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng, tổ chức Đảng thuộc các Hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp chỉ được kết nạp những cán bộ trong bộ phận văn phòng, thành viên trong Ban Chấp hành Liên hiệp và các Hội,… Do đó, bộ phận văn nghệ sĩ tự do nằm ngoài đối tượng được phát triển Đảng tại các Hội, trong khi nguồn kết nạp Đảng tại các Hội vốn đã rất ít ỏi.

Chưa kể, là Đảng viên sẽ phải làm nhiều thủ tục nếu muốn đi biểu diễn ở nước ngoài, phải tham gia các buổi sinh hoạt định kỳ và nhiều nhiệm vụ khác thuộc trách nhiệm Đảng viên. Nhưng đối với những nghệ sĩ biểu diễn, họ thường xuyên phải đi diễn xa nhà, trong thời gian dài sẽ khó cho việc thực hiện các quy định của Điều lệ Đảng và những quy định quản lý Đảng viên. Đây cũng là một nguyên nhân được cho là then chốt khiến giới văn nghệ sĩ không xác định mục tiêu phấn đấu vào Đảng.

Chia sẻ về những cái khó trong công tác phát triển Đảng của ngành Văn hóa Hà Nội, nhất là trong giới văn nghệ sĩ, ông Đào Vương Long - Chánh Văn phòng Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội cho biết: “Một số văn nghệ sĩ tuy có nhận thức chính trị tốt nhưng chưa thực sự quan tâm vào Đảng do lo ngại phải chịu nhiều ràng buộc, khó khăn trong việc đi biểu diễn. Việc khai hồ sơ, lý lịch còn mất thời gian và một số nghệ sĩ ngại trong việc làm giấy tờ vì họ không quen với việc viết hồ sơ... nên phần nào chưa thực sự mặn mà trong việc phấn đấu vào Đảng”.

Cùng với đó, một số nghệ sĩ cũng nghĩ rằng, việc họ đang cống hiến cho nghệ thuật, cho đất nước, phục vụ đời sống tinh thần của Nhân dân cũng chính là tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Lòng yêu nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ của họ được thể hiện qua những thành tựu nghệ thuật mà họ dành tất cả đam mê, tài năng để đạt được, theo NSƯT Nguyễn Sỹ Tiến.

Thực tế nói trên đặt ra yêu cầu phải có nhiều giải pháp hiệu quả hơn nữa để “kéo văn nghệ sĩ đến với Đảng”.

“Nhiều người trong số các nhà văn, nghệ sĩ là “người của công chúng”, nên sự nêu gương tốt về tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp, lối sống... có ý nghĩa quan trọng, có sức lan tỏa, ảnh hưởng tích cực đến xã hội và ngược lại. Do đó, cán bộ, Đảng viên, văn nghệ sĩ phải tự đặt mình trong kỷ luật của tổ chức, kiên quyết chống những biểu hiện vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; cá tính sáng tạo, tự do nghệ thuật không được đi ngược lại lợi ích chung, trái với quy định của Đảng, Nhà nước; đi đầu trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc, thù địch, thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh, không để các thế lực thù địch, phản động “tác động chuyển hóa”, các phần tử cơ hội chính trị lôi kéo” (Trích bài viết “Ðổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với lĩnh vực văn hóa, văn nghệ” của PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học đăng tải trên Tạp chí Cộng sản tháng 6/2023).

(Còn tiếp)

Đọc thêm