Cần nhiều giải pháp đồng bộ trong đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế

(PLO) - Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 18/1/2010 (gọi tắt là Đề án 123) đặt ra nhiều mục tiêu liên quan đến đào tạo luật sư chuyên sâu về thương mại, đầu tư. Tuy nhiên, đến nay kết quả đạt được là khá khiêm tốn. 
Luật sư Phan Trung Hoài
Luật sư Phan Trung Hoài
Để hiểu rõ hơn việc triển khai Đề án này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phan Trung Hoài - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Được biết, Đề án 123 đặt mục tiêu đến năm 2015, số luật sư (LS) được đào tạo chuyên sâu về thương mại, đầu tư là 400 người, năm 2020 là 1.000 người, số LS đạt tiêu chuẩn quốc tế là 150 người. LS có thể chia sẻ cụ thể hơn về kết quả thực hiện Đề án?
- Tôi nghĩ số liệu nói trên chưa phản ánh hết quá trình phát triển số lượng và chất lượng đội ngũ LS tham gia trong lĩnh vực tư vấn thương mại và đầu tư quốc tế mà Bộ Tư pháp và Liên đoàn LS Việt Nam đã triển khai thời gian qua. 
Bên cạnh số lượng LS tăng 3.200 người tính từ thời điểm triển khai Chiến lược phát triển nghề LS ở Việt Nam từ tháng 7/2011 đến tháng 3/2015, mới chỉ tính trên số liệu của 49/63 tỉnh, thành đã có 444 LS, chuyên gia hành nghề chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Đáng chú ý, có 20 LS được tập sự hành nghề trong các tổ chức LS nước ngoài tại Việt Nam, 7 LS được đào tạo ở nước ngoài và được công nhận là LS của các nước sở tại.
Riêng ở TP.HCM, có khoảng trên dưới 30 tổ chức hành nghề luật sư (TCHNLS) trong nước hoạt động chuyên sâu trong các lĩnh vực phục vụ hội nhập với khoảng hơn 150 LS. Cũng theo ước tính, có khoảng 300 LS hành nghề trong các lĩnh vực phục vụ hội nhập trên tổng số gần 4.000 LS hoạt động tại TP.HCM, đáp ứng bước đầu những đòi hỏi chất lượng dịch vụ và khả năng chuyên sâu tương đối cao, các giao dịch có giá trị kinh tế lớn. 
Theo LS, với kết quả trên, Đề án 123 đã thực sự đột phá trong đào tạo LS phục vụ hội nhập chưa và nếu chưa thì đâu là nguyên nhân?
- Kết quả nói trên còn rất khiêm tốn so với yêu cầu ngày càng cao của các chủ thể xã hội. Mặt khác, hầu hết các TCHNLS này đều có quy mô nhỏ, không quá 10 LS, một số ít TCHNLS được gọi là có quy mô cũng chỉ có khoảng trên 20 LS. Một số ít TCHNLS có tuyển dụng 1-2 LS nước ngoài làm việc. 
Về mặt khách quan, cũng phải tính đến tình hình thị trường có nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế, việc triển khai các chính sách phát triển đội ngũ LS phục vụ hội nhập có phần chậm, một số nhiệm vụ, giải pháp của Đề án 123 còn hình thức, chưa cụ thể, chưa có tính khả thi cao. 
Về mặt chủ quan, còn thiếu sự triển khai đồng bộ từ phía cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, thiếu sự phối hợp từ phía Liên đoàn LS Việt Nam và Đoàn LS. Việc thành lập và triển khai hoạt động Trung tâm Liên kết đào tạo LS thương mại quốc tế (thuộc Học viện Tư pháp) còn chậm…
Bối cảnh hiện nay đang tạo ra rất nhiều cơ hội để LS góp phần hơn nữa vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Vậy Liên đoàn LS Việt Nam sẽ tham gia như thế nào vào triển khai Đề án này nhằm tăng tính hiệu quả của Đề án?
- Qua hơn 20 năm đổi mới và hội nhập, đội ngũ LS phục vụ hội nhập tuy còn hạn chế nhưng đã thể hiện sự năng động, sáng tạo, không ngại khó, chủ động học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và tự vươn lên từ thực tiễn quá trình hành nghề. Đây chính là nguồn lực quan trọng làm tiền đề cho sự phát triển tiếp tục của đội ngũ LS phục vụ hội nhập trong thời gian tới.
Nhìn từ góc độ Liên đoàn LS Việt Nam, bên cạnh việc phối hợp cùng Bộ Tư pháp tạo điều kiện, hỗ trợ cho các LS tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại Trung tâm Liên kết đào tạo LS phục vụ hội nhập quốc tế, sớm hình thành và đi vào hoạt động Câu lạc bộ LS hội nhập quốc tế thì rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trong việc xác định dịch vụ pháp lý thuộc ngành nghề ưu đãi để được hưởng thuế suất ưu đãi và miễn, giảm thuế. 
Mặt khác, nên quy định các dự án, giao dịch có sử dụng vốn ngân sách nhà nước cần có sự tham gia tư vấn của LS và dành nguồn kinh phí thỏa đáng cho hoạt động này; cần xây dựng quy trình, quy chế chỉ định, tuyển chọn hay đấu thầu chọn TCHNLS tư vấn pháp lý công khai, minh bạch cho các dự án, giao dịch có sử dụng ngân sách nhà nước. 
Chính phủ cũng cần xem xét hỗ trợ kinh phí cho việc đào tạo LS phục vụ hội nhập, trong đó có đào tạo ở nước ngoài, xem đây là hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chung cho đất nước, không gắn với yêu cầu LS được đào tạo phải phục vụ cho các cơ quan, tổ chức hoặc doanh nghiệp nhà nước. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần cởi mở hơn về chính sách, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để vừa đảm bảo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quan hệ quốc tế, vừa khuyến khích tăng cường hội nhập quốc tế của LS Việt Nam...
Về phần mình, Liên đoàn LS Việt Nam cần sớm xây dựng Kế hoạch của Liên đoàn để triển khai thực hiện Đề án 123, trong đó có kế hoạch cụ thể về đào tạo bồi dưỡng LS phục vụ hội nhập và có sự phối hợp các hoạt động của Đoàn LS địa phương. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh các hoạt động hợp tác giao lưu quốc tế về lĩnh vực LS như tổ chức hội thảo, tọa đàm quốc tế về các lĩnh vực pháp lý liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, liên doanh liên kết giữa các TCHNLS trong nước và nước ngoài… 
Trân trọng cảm ơn Luật sư!

Đọc thêm