Cần phải có những lời xin lỗi

(PLO) - Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng vừa lên tiếng xin lỗi người tiêu dùng, cơ sở kinh doanh, sản xuất nước mắm và cơ quan quản lý vì sự cố kiểm định nước mắm, tuyên bố nhiễm a-sen do Hội này tiến hành.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông thường, người có lỗi gây ra lỗi không chủ ý, ngoài mong muốn của mình thì lời xin lỗi được chấp nhận ngay. Còn nếu hành vi gây lỗi là có chủ đích, thực hiện bài bản, vụ lợi,... thì dù xin lỗi cũng phải chịu những chế tài trách nhiệm về những hậu quả đã gây ra. Động thái xin lỗi của Vinastas cùng thời điểm với việc Bộ Y tế từ chối chủ trì xử lý sai phạm của Hội này vì không phải là cơ quan quản lý hội cũng không phải là cơ quan chủ trì việc kiểm tra đối với hoạt động của Vinastas vừa qua, việc đó thuộc Bộ Công Thương.

Trong một diễn biến khác, Coca Cola Việt Nam từng bị xử phạt 433 triệu đồng và bị thu hồi một lô sản phẩm, URC Việt Nam bị phạt gần 6 tỷ và hủy 10 tấn C2, Rồng Đỏ. Đó là kết quả của việc kiểm tra các sản phẩm của các hãng nước ngọt này có các độc tố có hại cho người uống, vi phạm các tiêu chuẩn về chất lượng. Điều đáng chú ý là các hãng này đều “im hơi, ngậm tiếng” không hề có một lời xin lỗi người tiêu dùng. Trước một hành vi, gần như là đầu độc người tiêu dùng, do mình gây ra mà không hề có một động thái tỏ ra biết lỗi nào, như vậy, người Việt Nam chúng ta có thể tin được rằng sau khi bị xử phạt, tiêu hủy, họ có ngừng việc đầu độc đó hay không?

Bởi thế, lời xin lỗi từ Vinastas dẫu sao cũng là sự thừa nhận công khai hành vi sai trái và tỏ ra phục thiện, mặc dù những ảnh hưởng xấu do hành vi đó gây ra đã được phát hiện kịp thời và ngăn chặn nên chưa gây ra hậu quả lớn. Người tiêu dùng mong mỏi ở các cơ quan chức năng, quản lý việc “đồ ăn, thức uống” của dân cần mạnh tay xử lý kịp thời, không thể thỏa hiệp với các hành vi góp phần giúp cho con đường “từ dạ dày ra nghĩa địa” gần lại!

Đọc thêm