Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị đều đánh giá cao những ưu điểm của Nghị định 45/2020/NĐ-CP khi tối đa hóa các bước thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của tổ chức, cá nhân và cơ quan có thẩm quyền, từ đó thực hiện có hiệu quả mục tiêu cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn khi triển khai Nghị định này.
Cụ thể, khi thực hiện việc cấp bản sao điện tử từ bản gốc tại Điều 10 của Nghị định, cần xây dựng phần mềm dùng chung để quản lý thống nhất trên toàn quốc và sử dụng chữ ký số. Từ đó cần bố trí kinh phí, trang thiết bị để phục vụ công tác chứng thực tại UBND xã, cơ quan tư pháp địa phương. Ngoài ra, vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay đó là tình trạng giấy tờ giả rất khó kiểm soát nên vấn đề trách nhiệm của cán bộ, công chức làm công tác chứng thực cũng cần được xác định rõ ràng.
Sau khi nghe các ý kiến, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu cần xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện đồng bộ trên toàn quốc. Cụ thể, giao Văn phòng Bộ là đơn vị chủ trì, rà soát các nội dung để sớm ban hành kế hoạch triển khai phù hợp. Đối với việc cấp bản sao điện tử từ bản gốc, cần căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương để thực hiện. Theo đó, Sở Tư pháp cần đánh giá tình hình thực tiễn tại địa phương từ đó có tham mưu, kế hoạch cụ thể; Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực sẽ phối hợp, tập huấn công chức tư pháp, hộ tịch địa phương trong lĩnh vực này. Bộ trưởng lưu ý, cần xác định rõ phạm vi công việc và trách nhiệm của Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành liên quan và địa phương để đảm bảo tính khả thi.