Mới đây, TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trong một cuộc phỏng vấn báo chí đã dẫn ra Nghị định 81/2015 quy định việc công bố thông tin doanh nghiệp, với nhận xét là Nghị định này có hiệu lực từ 5/11/2015 nhưng ông rà soát lại thì rất ít doanh nghiệp thực hiện việc này: “Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hàng năm chắc chắn doanh nghiệp phải có vì đến nay đã đầu tháng Tám, còn 5 tháng nữa là hết năm mà lại chưa có kế hoạch sản xuất, kinh doanh thì doanh nghiệp làm ăn gì!”.
Theo Nghị định 81, doanh nghiệp nhà nước phải công bố thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời. Song, ít có doanh nghiệp tuân thủ quy định này, thậm chí không biết đến sự tồn tại của nó. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng việc công bố thông tin không đầy đủ hoặc không tuân thủ công khai, minh bạch, thời gian,... phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu. “Không làm hoặc làm không đúng là vi phạm pháp luật”, ông Doanh kiên quyết.
Như vậy, một nghị định của Chính phủ có ý nghĩa rất lớn đến sự minh bạch, công khai thông tin của doanh nghiệp, là căn cứ để thị trường giám sát, là chữ “tín” trong thương trường và cả uy tín của doanh nghiệp đó nữa, thế mà bị xem thường. Cái lỗ hổng cho tham nhũng đã bị Nghị định 81 bịt kín song hẳn nhiều người muốn cái lỗ hổng này tồn tại nên “quên” hoặc “không biết” đến các quy định pháp luật này!
Các chuyên gia kinh tế cho rằng đây là lỗi nặng của người quản lý, mang tính chất đạo đức hành nghề và với vai trò của chủ sở hữu thì người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị chủ quản là “vô trách nhiệm” (ông Cung bảo thế là hơi gay gắt nhưng chẳng thể nào dùng từ khác hơn).
Có cần đến một chế tài (phạt nặng, cách chức, trừ lương,...) cho một hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng như vụ việc này không? Chắc hẳn là cần, chí ít để nhắc nhở những người đã “quên” hoặc “không biết” đến các quy định này, đặc biệt trong thời điểm hội nhập TPP!.