Sửa quy định về giấy phép, gỡ “tấm áo chật” cho doanh nghiệp

(PLO) - Nếu được thống nhất thống qua, Luật DN sửa đổi, bổ sung sẽ đảm bảo nguyên tắc Hiến định: DN được kinh doanh những gì pháp luật không cấm, chứ không phải chỉ kinh doanh những gì được cấp trong một tờ giấy phép. 
ĐB Đỗ Tiến Lộc: "Việc sửa đổi như Dự luật là một điều rất tiến bộ, hợp Hiến, hợp pháp”
ĐB Đỗ Tiến Lộc: "Việc sửa đổi như Dự luật là một điều rất tiến bộ, hợp Hiến, hợp pháp”
DN được kinh doanh những gì pháp luật không cấm
Sáng nay, trong phiên thảo luận tại hội trường về Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi bổ sung, các ĐBQH đã tỏ ý kiến tán đồng cao với những quy định đổi mới của Dự luật lần này.  
Theo đó, nhằm thể chế hóa quyền tự do kinh doanh theo Điều 33 Hiến pháp 2013, Dự thảo Luật Dn (sửa đổi) quy định Chính phủ định kỳ rà soát, công bố công khai danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh tương ứng được quy định tại Luật, Pháp lệnh và Nghị định. 
Phát biểu tại Hội trường, các ĐB cho rằng việc quy định rõ danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, những điều kiện đối với một số loại ngành nghề kinh doanh có điều kiện là hết sức cần thiết. Tuy vậy, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể trong Luật những ngành, nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, hoặc quy định mang tính định  khung trong luật. Chính phủ chỉ đóng vai trò rà soát, chỉnh lý trong những khoảng thời gian nhất định. Nhiều ĐB đề nghị lập danh mục mang tính chất kĩ thuật, thực hiện định kì công bố công khai nhưng cần có cơ chế bảo đảm tính khả thi của việc ban hành danh mục này. 
ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) nói: "Cần quy định rõ điều kiện đối với các loại hình kinh doanh có điều kiện. Đối với các ngành nghề cấm kinh doanh, cần giao Chính phủ, chứ không phải vừa Thủ tướng Chính phủ, vừa Chính phủ. Và hàng năm, Chính phủ sẽ xem lại danh mục này để điều chỉnh cho hợp lý. Cũng theo quan điểm của ông, Nhóm hành vi bị cấm cần chia làm 2 nhóm: Nhóm có kiên quan đến DN và nhóm hành vi bị cấm liên quan đến cơ quan đến cơ quan quản lý."
Thẩm tra dự án luật, UBTPQH cũng cho rằng để bảo đảm sự thống nhất và minh bạch, cần tập hợp để quy định thành những danh mục cụ thể kèm theo dự án Luật này trên cơ sở xem xét tính hợp lý và khả thi; đồng thời, quy định rõ hơn trong dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) nguyên tắc xác định các ngành, nghề cấm kinh doanh.
Một bước đột phá trong sửa đổi Luật DN lần này là quy định về nội dung Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Điều 30). Theo quy định mới, DN sẽ không cần đăng ký ngành nghề kinh doanh trong giấy phép thành lập DN. ĐB Nguyễn Công Bình (Yên Bái) bày tỏ sự nhất trí với quy định doanh nghiệp tự chủ trong những ngành nghề pháp luật không cấm. DN không chỉ được kinh doanh những gì DN đăng ký, mà DN có quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm.
ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng việc thay đổi từ quan điểm DN kinh doanh ngành nghề đăng ký, sang kinh doanh ngành nghề không cấm là một sự linh hoạt. 
“Hoan nghênh quy định bỏ đăng ký ngành nghề. Trước đây, theo nguyên tắc DN được kinh doanh ngành nghề pháp luật không cấm, nhưng thực ra lại chỉ được kinh doanh những gì trong giấy phép.  Do vậy việc sửa đổi như Dự luật là một điều rất tiến bộ, hợp Hiến, hợp pháp” – ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nói. Cũng theo ông, quy định mới sẽ xóa bỏ được tình trạng DN lách luật bằng cách liệt kê tràn lan các danh mục ngành nghề kinh doanh để “đề phòng” khi cần đến. 
Tuy nhiên, về nội dung đăng ký kinh doanh, cũng có những quan điểm cho rằng cần quy định bắt buộc đưa thông tin doanh nghiệp (trong đó có ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp) lên website của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Một số quan điểm lại cho rằng quy định về  ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ có lợi cho công tác hậu kiểm, để doanh nghiệp có cơ sở chứng minh hoạt động của mình, ngăn ngừa phát triển lợi ích nhóm, phục vụ cho công tác thống kê, phân loại các ngành, nghề .
Đừng để DNXH là chiếc áo trốn trách nhiệm kinh tế
Một trong những vấn đề thu hút sự thảo luận khá sôi nổi liên quan đến chế định về DNNN và DNXH. Cũng như  tại phiên thảo luận tổ trước đây, với quy định về DN Nhà nước và DNXH, nhiều ý kiến không tán thành như quy định tại dự thảo. Các ĐB đều cho rằng cần phải quy định rõ thẩm quyền thành lập và các hoạt động của DNXH, tránh gây hiểu nhầm giữa các khái niệm DNXH và doanh nghiệp công ích, doanh nghiệp quỹ, tránh việc lợi dụng ưu đãi để thành lập DNXH.
ĐB Đỗ Văn vẻ (Thái Bình) nói: “Quy định như dự luật hiện nay, dễ nảy sinh vấn nạn DN mượn áo DNXH để trốn trách nhiệm kinh tế.”
Đa số ý kiến đề nghị không nên có chương hoặc mục riêng quy định về DNNN trong Luật. Việc bổ sung một chương, mục riêng quy định về doanh nghiệp Nhà nước có thể dẫn đến sai lệch kết cấu, bản chất và chức năng vốn có của Luật DN là luật chung về thành lập, tổ chức và hoạt động DN không phân biệt tính chất sở hữu và thành phần kinh tế. Do vậy, đối với những nội dung có tính đặc thù liên quan đến thành lập và tổ chức quản lý DNNNcần được chuyển hóa vào các phần tương ứng trong dự án Luật DN (sửa đổi)./.

Đọc thêm