Cần quy trình tố tụng đặc biệt để xử các tội xâm hại tình dục trẻ em

(PLO) -Theo báo cáo của Bộ Công an, hàng năm phát hiện khoảng 1.700 vụ án xâm hại trẻ em, trong đó xâm hại tình dục chiếm tới 70% (tương đương khoảng 1.190 vụ) và số vụ án xâm hại trẻ em liên tục tăng qua từng năm. 
Bé trai cũng là nạn nhân của tội phạm xâm hại tình dục. Ảnh Darkness to Light.
Bé trai cũng là nạn nhân của tội phạm xâm hại tình dục. Ảnh Darkness to Light.

Điều đáng nói là còn rất nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em nhưng không được thông báo mà theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan, con số này không hề nhỏ.

Khó xử lý hành vi “dâm ô” 

Bộ luật Hình sự hiện hành quy định tội dâm ô với trẻ em. Đến Bộ luật Hình sự năm 2015 (hiện đang được sửa đổi) quy định về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác). 

Luật sư Lê Luân, VPLS Hưng Đạo Thăng Long, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận xét, cách quy định về tội dâm ô đối với trẻ em của Bộ luật hình sự 2015 “cơ bản chỉ khác nhau về tên gọi nhưng về mặt cấu thành, khung hình phạt và nội dung là tương đồng nhau”. 

Hơn nữa, theo đánh giá của một số luật sư, quy định về hành vi “dâm ô” vẫn chưa cụ thể và chưa phân loại thành các mức độ khác nhau cũng gây khó khăn trong việc xử lý hình sự và thủ tục tố tụng liên quan đến tội danh “dâm ô với trẻ em”. 

Theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, pháp luật hình sự và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính còn bỏ sót một số hành vi xâm hại tình dục trẻ em nghiêm trọng, pháp luật tố tụng hình sự chưa quy định thủ tục điều tra, truy tố, xét xử các vụ án bạo lực, xâm hại trẻ em với đặc thù về tâm sinh lý, chưa quy định chi tiết về bảo mật thông tin, bí mật riêng tư cho trẻ em trong tố tụng, bảo vệ người tố giác. 

Cùng với đó hệ thống pháp luật cũng thiếu các quy trình và hướng dẫn cụ thể về hỗ trợ và bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng của bạo lực, xâm hại. Thiếu những quy định xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân không tố cáo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em; không thực hiện hoặc thực hiện chậm trễ trách nhiệm bảo vệ trẻ em khi trẻ em bị xâm hại…

Khác với các hành vi “hiếp dâm”, cưỡng dâm”, thực tiễn xử lý hành vi “dâm ô” rất khó xác minh, điều tra. Hành vi dâm ô (được hiểu là những hành vi sờ soạng, ôm ấp, hôn hít, đụng chạm vào bộ phận sinh dục của trẻ mà không có sự giao cấu) không để lại dấu vết vật lý cụ thể. Vì thế việc giải quyết các vụ việc thường chỉ dựa vào lời khai của nhân chứng hoặc nạn nhân. Nhưng rất ít những vụ việc có nhân chứng hoặc có băng ghi hình để chứng minh hành vi phạm tội.

Đại tá Hoàng Văn Vĩnh, - Phó Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự (C45- Tổng cục cảnh sát - Bộ Công an) cho biết, "Hầu hết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em đều không có nhân chứng trực tiếp, trẻ em bị xâm hại còn nhỏ tuổi, năng lực hiểu biết hạn chế, tâm lý dễ bị kích động, thường có sự hoảng loạn nên việc khai báo ban đầu trong một số vụ án chưa chính xác”. Thậm chí lời khai của nạn nhân không nhất quán và khó xác thực. 

Đấy là chưa kể đến những vụ án, nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân thiếu sự hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra, nguyên nhân là do gia đình nạn nhân mặc cảm sợ ảnh hưởng đến tương lai của trẻ em hoặc do gia đình nạn nhân đã thỏa thuận bồi thường với đối tượng gây án, khi đối tượng chây ì không chịu thực hiện theo cam kết lúc đó gia đình nạn nhân mới tố cáo. Việc tố cáo một thời gian dài sau khi xảy ra hành vi càng khiến việc thu thập chứng cứ để khởi tố vụ án là bất khả thi nếu thủ phạm không thừa nhận hành vi.

Đề xuất thêm tội danh 

Theo Luật sư Lê Luân (Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), ngoài việc đụng chạm đến thân thể trẻ em, nên coi những hành vi nào như gạ gẫm, gợi ý rủ rê hoặc cho nạn nhân tiếp nhận các hành vi tính dục một cách thụ động và từ xa thông qua các giác quan như nghe, nhìn... cũng là hành vi “dâm ô” vì nó tác động đến tâm sinh lý của nạn nhân. 

“Với việc bổ sung và phân loại rõ ràng các tội danh liên quan đến xâm hại tình dục ở trẻ em sẽ giúp cho chúng ta có thể bảo về trẻ em từ xa và hoàn toàn có cơ sở cũng như căn cứ pháp lý để xử lý hình sự các hành vi tình dục đối với trẻ em” – LS này khẳng định.

Trước những tổn hại về thể chất và tâm lý đối với nạn nhân do các hành vi xâm hại tình dục trẻ em, Luật sư Nguyễn Văn Tú - Giám đốc Công ty Luật Fanci thấy khi xử lý các tội phạm này thì “mức phạt phải tỷ lệ nghịch với độ tuổi của nạn nhân”, nghĩa là nạn nhân càng nhỏ tuổi thì mức phạt lại càng phải cao. 

Cùng với đó, một số luật sư đề nghị “mở” cho cơ quan điều tra thêm một số biện pháp nghiệp vụ (có sự cho phép của VKSND cùng cấp) như ghi âm, ghi hình… nhằm “bẫy” để thu thập chứng cứ đối với nghi phạm bị tố cáo có hành vi dâm ô đối với trẻ em. 

Đồng thời, nhiều chuyên gia đề nghị sớm có hướng dẫn quy định cụ thể về tội dâm ô đối với trẻ em để các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý có biện pháp hỗ trợ can thiệp, đấu tranh phòng chống tội phạm một cách có hiệu quả, tránh tình trạng áp dụng hình phạt chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi tội phạm gây ra. 

Theo ThS. Lê Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt, trong số những vụ xâm hại tình dục trẻ em, nhiều em là nạn nhân của những người bị bệnh ấu dâm. Đa số nam giới có xu hướng ấu dâm hơn phụ nữ nên trẻ em gái có nguy cơ trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục từ những kẻ mắc bệnh ấu dâm nhiều hơn bé trai. 

Ở các nước phát triển, người mắc bệnh này có thể chủ động tìm đến chuyên gia tâm lý, bác sỹ chuyên khoa để có phương pháp can thiệp kịp thời. Nhưng ở Việt Nam, đây vẫn là vấn đề “thầm kín”, ít được chia sẻ nên nhiều người mắc bệnh không nhận thức được tình trạng của mình và rất khó để được trị liệu. Nạn nhân của những người này “không phân biệt độ tuổi, có thể là trẻ sơ sinh cho đến vị thành niên”. 

Đọc thêm