Cắn rứt lương tâm khi từng vận động học sinh không thi lớp 10

Thừa nhận việc vận động phụ huynh cam kết con không thi lớp 10 vì thành tích, phó hiệu trưởng một trường THCS ở Hà Nội cho biết làm như vậy, giáo viên và trường cắn rứt lương tâm.

Sau khi có tin phụ huynh phản ánh việc giáo viên ép họ chuyển trường cho con hoặc cam kết con không thi lớp 10, trường liên quan (THCS Dịch Vọng) cùng Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy phủ nhận sự việc.

Tuy nhiên, chia sẻ với Zing, phó hiệu trưởng một trường THCS ở Hà Nội bày tỏ từng cắn rứt lương tâm sau mỗi cuộc "vận động" với cha mẹ học sinh.

Nhiều học sinh bị tước quyền thi vào lớp 10 khi trường vận động phụ huynh ký cam kết con không dự thi. Ảnh minh họa: Việt Linh.

Học sinh kém đi thi sẽ kéo thành tích của trường xuống

Phó hiệu trưởng này cho biết sau mỗi đợt thi vào lớp 10, điểm của học sinh từng trường lại cộng lại, chia trung bình cho tổng số học sinh dự thi của trường. Phòng GD&ĐT xếp hạng trường theo từng môn. Thứ hạng thấp ảnh hưởng đến thành tích của trường và ban giám hiệu.

Cô lấy ví dụ lớp có 30 học sinh, trong đó, 5-7 em không học được, nếu thi chỉ được khoảng 1-2 điểm sẽ kéo điểm trung bình toàn trường xuống.

Vì thành tích, trường phải cố vận động học sinh kém, chắc chắn trượt không thi. Điều này dẫn đến tình trạng có năm, một trường có 200 học sinh nhưng gần 100 em không đăng ký thi vào lớp 10 THPT công lập.

Cô nói thêm trong số những học sinh diện “vận động không thi”, một số em không đủ điều kiện tốt nghiệp nếu xét công bằng. Do đó, trường linh động để các em tốt nghiệp với điều kiện cam kết không thi vào lớp 10.

“Một số học sinh chắc chắn trượt nếu thi, kể cả đăng ký vào trường lấy điểm chuẩn rất thấp. Vì thế, trường vận động các con không thi, theo học trường nghề”, phó hiệu trưởng chia sẻ.

Nhưng cũng có một số học sinh “chênh vênh”, đủ điều kiện tốt nghiệp còn nguy cơ trượt lớp 10 đến 70-80%, điểm thi thấp, trường cũng vận động.

Tuy nhiên, cô phủ nhận tình trạng vận động cả học sinh khá không thi vào lớp 10 như một số phụ huynh phản ánh trên mạng xã hội. Cô cho hay với trường hợp này, vận động phụ huynh không cho con thi còn khó hơn việc cố gắng dạy để học sinh trúng tuyển.

Theo lời phó hiệu trưởng, việc vận động không đơn giản. Thậm chí, với một số học sinh học rất kém, giáo viên cảnh báo nếu em này vẫn thi vào lớp 10, trường không xét cho em ấy tốt nghiệp, phụ huynh vẫn sẵn sàng cho con học lại.

“Nói ‘ép' chứ thực tế, việc ép được phụ huynh không đơn giản, trừ khi học sinh có học lực yếu, kém. Con người ta học khá mà trường đòi ép phụ huynh cam kết con không thi rất khó”, cô nói thêm.

Còn việc nếu học sinh vẫn thi, trường sẽ không xét tốt nghiệp, phó hiệu trưởng này cho biết thực ra, đây chỉ là câu trường “dọa” phụ huynh. Cô giải thích với những trường hợp trượt tốt nghiệp, trường phải giải trình, hồ sơ phức tạp. Do đó, thông thường, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%. Vì thế, nếu phụ huynh “căng” quá, trường vẫn để học sinh thi, thà kéo điểm trung bình xuống còn hơn giải trình.

Lịch thi vào lớp 10 năm 2022 của Hà Nội. Ảnh: N.S.

Thừa nhận làm vậy là phản giáo dục

Phó hiệu trưởng này cho biết khi tư vấn cho phụ huynh việc cho con không thi vào lớp 10 công lập, cô thấy thương các em. Cha mẹ nuôi trẻ chừng đó năm cũng muốn con được tham gia thi nhưng trường lại định hướng cho học sinh học nghề.

Trong khi đó, khác với việc trường nghề, năng khiếu ở nước ngoài được đầu tư phát triển, trường nghề ở nước ta còn chưa tốt, nhiều nơi dạy kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, trường năng khiếu chưa liên kết với các bậc học.

Những trường chất lượng tốt, học phí rất cao song phần lớn gia đình có con học kém lại không khá giả. Đương nhiên, một số nhà vẫn chấp nhận cho con học nghề. Nhưng nhìn chung, kể cả con học kém, đa số phụ huynh vẫn muốn cho con vào trường THPT công lập.

Cô đánh giá công tác phân luồng đang quá muộn. Nước ngoài không chỉ phát triển tốt trường nghề mà còn phân luồng ngay giữa bậc THCS, tức khoảng lớp 7, 8. Những em học văn hóa kém nhưng năng khiếu hoặc định hướng nghề nghiệp sẽ chuyển sang học nghề, năng khiếu.

Còn ở nước ta, đến lớp 9, học sinh gần thi vào lớp 10, trường mới làm công tác phân luồng, dẫn đến tình trạng ép buộc, rất khó cho cả học sinh, phụ huynh, lẫn giáo viên.

Cô chia sẻ thêm khi việc trường ép học sinh chuyển trường hoặc không thi lên lớp 10 nổi trên mạng xã hội, cô bắt gặp những bình luận chỉ trích cách làm này phản giáo dục, trường, giáo viên không được tước quyền học tập của học sinh.

Từ góc độ người ngoài ngành, cô hoàn toàn đồng ý. Thậm chí khi đứng ở vị trí người trong cuộc, thành viên ban giám hiệu một trường THCS, cô cũng ủng hộ quan điểm đó đến 70-80%.

Cô cũng từng trực tiếp tư vấn cho phụ huynh, có người khóc, xin cho con thi vì còn hàng xóm nhìn vào. Biết con chắc chắn trượt, họ vẫn xin cho con thi để bằng bạn bằng bè, sợ con buồn, hụt hẫng nếu không được thi.

“Làm giáo dục, tôi hoàn toàn hiểu tâm lý đó của trẻ và phụ huynh. Đọc bình luận đó, tôi thấy đúng. Bản thân thầy cô khi làm việc này cũng cắn rứt lương tâm. Nhiều giáo viên chủ nhiệm bước ra khỏi phòng đã xin trường cho học sinh thi. Vì thế, tỷ lệ phụ huynh ký cam kết con không thi lớp 10 ở trường tôi rất thấp”, phó hiệu trưởng chia sẻ.

Khi học sinh quyết tâm thi, trường dồn lực để em có thể trúng tuyển. Nhưng làm vậy rất tốn công. Trường đông học sinh rất khó thực hiện.

Cô nói thêm thực ra Bộ GD&ĐT, sở biết tình trạng này từ trước. Ở thời điểm làm giám đốc sở GD&ĐT, tại cuộc họp sơ kết năm học, ông Chử Xuân Dũng từng cấm các trường ép học sinh không thi lớp 10.

Khi có kết quả thi, sở thống kê điểm trung bình theo số lượng học sinh dự thi và tổng học sinh toàn trường. Hai kết quả chênh lệch lớn, sở mới phát hiện trường có nhiều em không thi và yêu cầu trường giải trình. Khi đó, các hiệu trưởng sợ. Tuy nhiên, tình trạng này lại tiếp diễn.

Để chấm dứt việc ép học sinh không thi lên lớp 10, phó hiệu trưởng đề xuất làm công tác phân luồng sớm và tốt hơn. Cô cũng ủng hộ việc bỏ xếp hạng thứ bậc kết quả thi vào 10.

“Chúng ta chỉ nên coi đây là một trong các tiêu chí đánh giá, không quá coi nặng vì như vậy, trường sẽ chạy theo thành tích trong khi môi trường giáo dục còn bao nhiêu giá trị khác nữa””, vị phó hiệu trưởng chia sẻ.

Đọc thêm