Tại Hội thảo, nhấn mạnh tới việc tự chủ đại học (TCĐH), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam đã nói đến TCĐH từ khi thành lập Đại học Quốc gia, nhưng đến năm 2014, qua các cuộc cọ xát rất mạnh mẽ, chúng ta mới có 23 trường tự chủ theo Nghị định 77. Tuy nhiên, mới là tự chủ một phần, chưa đúng với thông lệ quốc tế. Lý do có từ 3 phía: Từ cơ quan quản lý nhà nước; từ chính các trường đại vẫn muốn tiếp tục cơ chế bao cấp; và một phần từ người học và xã hội…
Đồng thời, giải đáp hai băn khoăn lớn nhất khi thực hiện TCĐH: Tự chủ, các trường tăng học phí, ảnh hưởng đến quyền lợi của người học có điều kiện khó khăn được học trường chất lượng tốt; phần tài sản, đất đai…, Phó Thủ tướng cho rằng, các trường phải có một cơ chế, lập các quỹ học bổng, hay các quy định cần thiết để đảm bảo cơ hội tiếp cận ĐH cho các đối tượng chính sách. Mặt khác, tự chủ không có nghĩa là Nhà nước không cấp ngân sách nữa mà dùng kinh phí từ ngân sách để đặt hàng đào tạo. Còn cơ chế đảm bảo tài sản, đã có hội đồng trường gắn liền với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch.
Phó Thủ tướng tin tưởng vào việc thực hiện TCĐH và khẳng định TCĐH là xu thế tất yếu, là yêu cầu, đòi hỏi chúng ta phải làm, phải luật hóa trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học tới đây; trong hệ thống văn bản pháp luật hiện nay và hệ thống các luật khác có liên quan.