Cần song hành chính sách pháp luật và giải pháp kỹ thuật để chống lừa đảo, bắt nạt trên mạng xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bên cạnh việc hoàn thiện khung chính sách pháp luật, tăng cường kiến thức, trang bị kỹ năng sử dụng Internet an toàn thì Việt Nam cần triển khai các giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp công nghệ thông tin, các đơn vị cung cấp dịch vụ để phòng, chống hiệu quả nạn lừa đảo, bắt nạt trên mạng xã hội...
Trẻ em là nhóm dễ bị tổn thương trên môi trường mạng. (Ảnh minh họa - Nguồn: UNICEF Viet Nam)
Trẻ em là nhóm dễ bị tổn thương trên môi trường mạng. (Ảnh minh họa - Nguồn: UNICEF Viet Nam)

Lừa đảo trực tuyến “chuyển hướng” đến người cao tuổi, trẻ em

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương và Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vừa có thông tin cảnh báo tới các phụ huynh về chiêu trò tuyển người mẫu nhí tham gia chụp ảnh làm đại diện thương hiệu. Các đối tượng sử dụng tính năng chạy quảng cáo của mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber…, sau đó kết bạn và mời các phụ huynh quan tâm tham gia cho con ứng tuyển người mẫu nhí cho hãng thời trang.

Khi phụ huynh đồng ý tham gia, các đối tượng sẽ đưa họ vào một nhóm chat để trở thành cộng tác viên online dưới hình thức mua sắm các sản phẩm của sàn thương mại điện tử khác, nhằm hưởng hoa hồng và tăng khả năng trúng tuyển của con mình. Nhiệm vụ của các cộng tác viên online là tham gia làm nhiệm vụ mua sản phẩm với số tiền tăng dần và chuyển khoản vào tài khoản do các đối tượng quản lý.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo tới người dân, doanh nghiệp không tham gia vào các nhóm tuyển cộng tác viên online về tuyển mẫu nhí khi chưa có thông tin xác thực, đặc biệt là thông tin chính thức từ các thương hiệu; không cung cấp những thông tin cá nhân cho người lạ, người không quen biết trên không gian mạng; không kết bạn, không vào các nhóm Zalo, Facebook, Viber… không quen biết.

Trên đây chỉ là một trong rất nhiều chiêu trò lừa đảo trực tuyến nhắm đến người cao tuổi và trẻ em đang có xu hướng diễn ra ngày càng nhiều. Tại buổi họp báo ngày 5/7 của Bộ Thông tin và Truyền thông, nói về các hình thức lừa đảo trong thời gian vừa qua, ông Trần Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục An toàn Thông tin cho biết, mục tiêu của các nhóm lừa đảo trực tuyến có xu hướng dịch chuyển, tập trung mạnh vào nhóm người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, người lao động thu nhập thấp. Các đối tượng lừa đảo đã tận dụng các tiện ích, công nghệ hiện đại để tạo ra những hệ thống lừa đảo tinh vi, hiệu quả, giống thật, khiến người dùng khó nhận diện hơn.

Để tăng cường nhận thức, kiến thức về lừa đảo trực tuyến nhằm bảo vệ người dân Việt Nam trước những rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức phát động chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến” triển khai từ ngày 23/6 đến ngày 23/7/2023.

Nỗ lực bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương

Theo thống kê, người Việt Nam trung bình dành khoảng 7 tiếng/ngày để truy cập Internet và sử dụng các nền tảng xã hội. Điều này khiến cho người dùng, đặc biệt là trẻ em và thanh, thiếu niên, dễ có rủi ro bị bắt nạt trên môi trường mạng. Tuy nhiên, theo báo cáo từ Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), 66% trẻ em Việt Nam trả lời không biết các đường dây trợ giúp hoặc hỗ trợ khi bị bắt nạt trên mạng và trẻ từ 10 - 14 tuổi là đối tượng bị bắt nạt qua mạng nhiều nhất.

Nghiên cứu của Microsoft vào năm 2020 cho thấy cứ 10 người dùng Internet tại Việt Nam thì có hơn 5 người liên quan đến các hành vi bắt nạt. 21% những người được khảo sát cho biết họ từng là nạn nhân và 38% là người đứng ngoài hoặc chứng kiến hành vi bắt nạt hoặc quấy rối.

Bạo lực mạng có thể làm suy kém sức khỏe tâm thần của nạn nhân là trẻ em và thanh, thiếu niên, khiến nạn nhân thực hiện các hành vi bạo lực, kết quả học tập suy giảm, bỏ học, thậm chí có thể dẫn đến suy nghĩ tự tử ở một số em.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị “Việt Nam và Israel phòng, chống bắt nạt trên môi trường mạng” do Đại sứ quán Israel tại Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 20/7 tại Hà Nội. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn nạn bạo lực mạng, Chính phủ Việt Nam cũng đã có những hành động thiết thực trong việc thiết lập, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm bảo đảm sự an toàn của trẻ em trước các tác nhân xấu có thể xảy ra khi tiếp xúc với môi trường Internet. Cụ thể, Việt Nam đã vào cuộc mạnh mẽ với việc tập trung xây dựng hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em và phụ nữ trên môi trường mạng, có thể kể đến như: Luật Trẻ em 2016, Luật Công nghệ thông tin 2006, Luật An ninh mạng 2018 và các văn bản pháp luật liên quan.

Bên cạnh đó, vấn đề phòng, chống bắt nạt trẻ em và phụ nữ trên môi trường mạng là một trong những ưu tiên của các bộ, ngành liên quan trong khuôn khổ sáng kiến quốc gia về chuyển đổi số. Điển hình có thể kể đến Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025.

Với mục tiêu kép là bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, đồng thời duy trì môi trường mạng lành mạnh, Chương trình tập trung giáo dục, truyền thông, nâng cao nhận thức và trang bị kĩ năng cho đối tượng là trẻ em. Đặc biệt, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quy chế phối hợp trong tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý đối với các hành vi xâm hại trẻ em và theo dõi dữ liệu liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng...

Tại Hội thảo, diễn giả đến từ Israel - ông Doron Herman, nhà sáng lập doanh nghiệp giáo dục Safe School Analytics đã chia sẻ về các biện pháp và mô hình Israel đang áp dụng để chống bắt nạt trên mạng. Theo đó, Israel đã thành lập một cơ liên bộ, vận hành đường dây nóng 105 để tiếp nhận câu hỏi và báo cáo từ người dân về hành vi bắt nạt mạng. Các giải pháp công nghệ cũng là thế mạnh của Israel, điển hình là các nội dung giảng dạy do doanh nghiệp của ông Doron Herman phát triển nhằm hỗ trợ nhà trường giáo dục trẻ em về năng lực cảm xúc xã hội và an toàn trên mạng. Ngoài ra, Israel còn có những ứng dụng trên điện thoại, như Keeps Child Safety của Israel, sử dụng AI để nhận diện tin nhắn có nội dung bắt nạt trong điện thoại của trẻ và báo cho cha mẹ trong vòng 20 phút.

Đề xuất về giải pháp phòng, chống bắt nạt trên môi trường mạng, bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng: Bên cạnh việc hoàn thiện khung chính sách pháp luật, tăng cường kiến thức, trang bị kỹ năng sử dụng Internet an toàn thì Việt Nam cần triển khai các giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp công nghệ thông tin, các đơn vị cung cấp dịch vụ.

Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, tính tới tháng 9/2022, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam vào khoảng 70 triệu người, chiếm khoảng 70% dân số cả nước. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á.

Người dùng Việt Nam dành trung bình 7 tiếng mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan đến Internet. Tỷ lệ người dùng sử dụng Internet hàng ngày tại Việt Nam lên tới 94%.

Đọc thêm