Thể chế trong Kỷ nguyên mới

Cần tái giám sát việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã - Bài 1: Sắp xếp để tinh gọn bộ máy

(PLVN) - Năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện chuyên đề giám sát “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”. Năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến nay chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Để thực hiện hiệu quả hơn chủ trương này trong thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng, cần thêm nhiều giải pháp mới, trong đó có tái giám sát.
Toàn cảnh Đoàn giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 -2021 làm việc với các bộ, ngành. Ảnh: quochoi.vn
Toàn cảnh Đoàn giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 -2021 làm việc với các bộ, ngành. Ảnh: quochoi.vn

Một trong những mục tiêu hướng tới của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, theo các chuyên gia là giúp tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển. Đồng thời, tạo cân đối, hài hòa hơn trong phân bố dân cư, lãnh thổ, hạn chế tình trạng chia cắt, manh mún, nhất là trong bối cảnh Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương.

Bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 30/01/2023 Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 48-KL/TW về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Trong đó chỉ rõ: Sắp xếp đơn vị hành chính là chủ trương lớn của Đảng. Quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 đã bám sát mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra; thể hiện tinh thần nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người đứng đầu, nhận được sự đồng thuận của Nhân dân.

Quá trình thực hiện đã giảm đáng kể số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước, mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương; các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở những địa phương thực hiện sắp xếp được kiện toàn và bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; đời sống Nhân dân ổn định.

Tuy nhiên, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 còn một số hạn chế như: Chưa thực hiện tốt công tác bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư; chất lượng đô thị chưa được bảo đảm do sáp nhập đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị; việc sắp xếp, xử lý các trụ sở làm việc dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính còn bất cập; việc thực hiện các chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính mới sau khi sắp xếp chưa kịp thời.

Để thực hiện hiệu quả chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó có yêu cầu về sử dụng và lộ trình sắp xếp số lượng biên chế cán bộ, công chức và số lượng cấp phó của các đơn vị hành chính dôi dư sau sắp xếp; về định mức phân bổ ngân sách đối với các đơn vị hành chính sau sắp xếp; về thời gian hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các đơn vị hành chính sau khi thực hiện sắp xếp; về mức hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản cho các địa phương được bổ sung cân đối ngân sách trong thời kỳ ổn định ngân sách địa phương phục vụ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Trên cơ sở Kết luận của Bộ Chính trị, ngày 12/7/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Nghị quyết 35 chỉ rõ những nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Theo đó, phải gắn việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; giải quyết chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp.

Cũng tại Nghị quyết này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo rà soát, dự kiến phương án bố trí, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với vị trí việc làm, xác định rõ số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế; việc sắp xếp số lượng lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, tổ chức mới và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư phải có lộ trình phù hợp với đặc thù của từng địa phương và thời hạn quy định

Cùng với Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 117/NQ-CP ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 và hàng loạt các công điện để thực hiện chủ trương này. Đồng thời, để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các địa phương khi tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, ngày 28/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1268/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Bộ Nội vụ cũng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 29/2023/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế; trong đó có quy định cho sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Ngoài ra, với cấp xã còn có Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, cũng là điều kiện thuận lợi để sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã dôi dư

Tái giám sát với những vấn đề có tầm ảnh hưởng lớn

Giám sát là một trong những chức năng quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ rõ: Tiếp tục xác định việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đây là yêu cầu khách quan đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân đồng thời đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Thành viên Đoàn giám sát, đại biểu Quốc hội, đại diện các bộ, ngành tại buổi làm việc Đoàn giám sát “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 -2021”. Ảnh: quochoi.vn

Thành viên Đoàn giám sát, đại biểu Quốc hội, đại diện các bộ, ngành tại buổi làm việc Đoàn giám sát “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 -2021”. Ảnh: quochoi.vn

Xuất phát từ việc thực hiện chức năng của Quốc hội và vai trò quan trọng của việc sắp xếp đơn vị hành chính, với mục tiêu nhằm xem xét, đánh giá khách quan, trung thực, toàn diện kết quả tổ chức thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021; rút ra các bài học kinh nghiệm để phục vụ cho việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022 - 2030, năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện chuyên đề giám sát “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 -2021”

Theo Đoàn giám sát, kết quả sắp xếp ĐVHC cấp huyện góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách như chủ trương của Đảng đã đề ra đồng thời mở rộng không gian phát triển, tập trung được nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương để phát triển bền vững.

Tuy nhiên, cũng qua giám sát, nhiều khó khăn, vướng mắc được nhận diện. Trong đó, công tác bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp ĐVHC còn lúng túng, số lượng người dôi dư cần tiếp tục giải quyết còn nhiều. Trên cơ sở những kết quả và tồn tại đã được chỉ ra, Đoàn giám sát đã đề xuất nhiều nhóm giải pháp.

Như vậy, với việc thực hiện chủ trương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã đến nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện chuyên đề giám sát. Tuy nhiên, khi triển khai việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 theo các Kết luận, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ có rất nhiều vấn đề đặt trong bối cảnh tình hình mới. yêu cầu mới. Đặc biệt đây là vấn đề quan trọng, có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội của hầu hết các địa phương trên cả nước, đến đời sống Nhân dân các vùng sắp xếp. Do đó, để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chủ trương này, nhiều ý kiến cho rằng cần tái giám sát.

(Còn tiếp)

Đọc thêm