Cần tăng cường năng lực cho cả ứng cử viên và cử tri

(PLO) - Đảm bảo sự tham gia của tất cả các nhóm cử tri, trong đó có cử tri trẻ và cử tri là phụ nữ vào quy trình bầu cử một cách hiệu quả cần có những qui định cụ thể các hình thức khen thưởng và xử phạt các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt hoặc vi phạm các nguyên tắc bình đẳng và công bằng giới, phân biệt đối xử trong quá trình thực hiện công tác bầu cử
Hội thảo Đối thoại chính sách về phụ nữ và thanh niên tham gia vào quy trình bầu cử tại Việt Nam
Hội thảo Đối thoại chính sách về phụ nữ và thanh niên tham gia vào quy trình bầu cử tại Việt Nam

Sáng nay (28/12), Mạng lưới giới và phát triển cộng đồng (GENCOMNET) và Mạng lưới phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (GBVNet) phối hợp tổ chức “Hội thảo Đối thoại chính sách về phụ nữ và thanh niên tham gia vào quy trình bầu cử tại Việt Nam”.

Báo cáo trước QH về kết quả cuộc bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND nhiệm kỳ 2016-2021, Hội đồng bầu cử quốc gia đã thể hiện quyết tâm tiếp thu những kiến nghị để phát huy những thành tựu, kết quả của cuộc bầu cử cũng như tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, hướng dẫn, chỉ đạo công tác bầu cử các nhiệm kỳ sau.

Lưu ý các kênh truyền thông để “phủ sóng” thông tin về bầu cử

Khảo sát về tiếp cận thông tin trong bầu cử cho thấy, Luật bầu cử đại biểu QH và ĐB HĐND và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định về nghĩa vụ thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử của nhiều cơ quan.

Đồng thời quy định nghĩa vụ công bố một số thông tin cụ thể cho cử tri như ngày, đơn vị bầu cử, số lượng, cơ cấu ĐBQH, danh sách cử tri, kết quả lấy ý kiến cử tri tại nơi làm việc, nơi cư trú, kết quả các buổi hiệp thương, đưa tin về cuộc họp tiếp xúc cử tri và danh sách ứng cử viên chính thức.

Tuy nhiên, theo nhiều cử tri trẻ, nên có quy định trách nhiệm chung của Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cử tri tiếp cận thông tin về bầu cử. Nâng cao tuyên truyền, đào tạo các cán bộ bầu cử để góp phần cung cấp thông tin cho cuộc bầu cử minh bạch, thành công.

Trong đó, nên lưu ý đến hiệu quả truyền thông của những kênh truyền thông điện tử để “phủ sóng” thông tin và tăng tính thu hút nhiều đối tượng tìm hiểu, tiếp cận thông tin về sự kiện quan trọng này của đời sống chính trị của đất nước.

Ngoài ra, thanh niên là lực lượng cử tri đông đảo tham gia vào các cuộc bầu cử song việc thực hiện quyền bầu cử của cử tri trẻ vẫn còn “non”, một phần do kỹ năng của cử tri trẻ trong thực hiện quyền và nghĩa vụ chính trị này.

Ông Vũ Đăng Minh – Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) cho biết, thực tế, trong nhiều diễn đàn, cuộc giao lưu có hàng trăm thanh niên tham gia, gần như thanh niên lại “im lặng”, chỉ vài đại biểu phát biểu quan điểm.

Ông Vũ Đăng Minh – Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ)
Ông Vũ Đăng Minh – Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ)
Do đó, ông Minh kiến nghị cần tăng cường tập huấn cho thanh niên, những cử tri trẻ có khả năng tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri, thực hiện các quyền cử tri.

Khảo sát nhóm thanh niên về bầu cử cho thấy, các cử tri trẻ chú trọng đến những đại biểu có trình độ chuyên môn cao  và “giới tính” không phải là tiêu chí quan trọng để thanh niên lựa chọn đại biểu cho lá phiếu của mình.

Những thanh niên được khảo sát đều muốn tăng cường việc tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên. Các ứng cử viên phải có cương lĩnh hành động, tranh luận trước cử tri để mọi người hiểu và bầu được những người thực sự có năng lực vào các cơ quan đại diện.

Cần xử lý nếu vi phạm về bình đằng giới trong bầu cử

Từ góc độ quản lý nhà nước về công tác bình đẳng giới, ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ bình đẳng giới (Bộ Lao động thương binh và xã hội) thấy rằng, cần coi trọng việc tập huấn công tác bầu cử và triển khai nhiều hoạt động để các đại biểu đã từng tham giao giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động dân cử với các ứng cử viên, đại biểu mới tham gia.

Trong đó, “phải có sự phối hợp của công tác truyền thông để có sức lan tỏa” – ông Tiến nhấn mạnh.

Bà Ngô Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ khuyến nghị qui định cụ thể các hình thức khen thưởng và xử phạt các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt hoặc vi phạm các nguyên tắc bình đẳng và công bằng giới, phân biệt đối xử trong quá trình thực hiện công tác bầu cử.

Bên cạnh đó, theo bà Hà, cần đưa vào chương trình giáo dục phổ thông các nguyên tắc bầu cử dân chủ và công bằng.

Để tạo cơ hội cho ứng cử viên là nữ, Hội Phụ nữ Việt Nam cũng kiến nghị cần quan tâm tới công tác chuẩn bị nhân sự từ sớm, ngay từ đầu nhiệm kỳ để tạo nguồn cán bộ nữ, đưa vào qui hoạch, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện thực tiễn để đến kỳ bầu cử có đội ngũ ứng cử viên nữ đủ điều kiện.

Tuy nhiên, theo bà Phạm Thu Hương, Phó trưởng ban Dân chủ pháp luật, UB TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ứng cử viên là phụ nữ ngoài những điều kiện chung sẽ phải nỗ lực cao hơn.

Đồng thời, các cơ quan, tổ chức cần có trách nhiệm quan tâm, phối hợp thực chất hơn để tạo điều kiện cho các ứng cử viên nữ trong quá trình ứng cử, bầu cử.

Thực tế, không ít trường hợp nữ cử tri “ủy quyền” cho người thân bỏ phiếu hộ… đã làm giảm cơ hội của các ứng cử viên. Vì thế, cần tăng cường tuyên truyền để cử tri thực hiện đầy đủ, thực chất quyền lựa chọn đại biểu, bầu cử.

Ngoài ra, tuyên truyền để giúp cử tri nhận thức rõ việc lựa chọn đại biểu mà không bị ảnh hưởng bởi tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, lựa chọn đại biểu để những chính sách, pháp luật, vấn đề quan trọng của đất nước được Quốc hội xem xét, quyết định và thực hiện quyền giám sát tối cao đối với các hoạt động của Nhà nước được đảm bảo sự bình đẳng, thể hiện sâu sắc quyền lợi của tất cả các nhóm lợi ích trong xã hội, trong đó có phụ nữ, trẻ em và những người yếu thế.

Đọc thêm