Tham dự và chủ trì buổi Tọa đàm có Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp Hồ Quang Huy, Phó Bí thư Đoàn Bộ Phan Thị Thanh Nga cùng đại diện các tổ chức Đoàn cơ sở.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Bí thư Đoàn Bộ Hồ Quang Huy khẳng định khởi nghiệp là vấn đề khởi đầu của một quá trình kinh doanh. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp thành công và bền vững vẫn chưa thực sự nhiều, vẫn còn những khoảng trống rất lớn từ pháp luật cho đến thực tiễn thi hành. Với chủ đề về thực trạng khởi nghiệp ở Việt Nam, ông Huy hy vọng các đại biểu tập trung vào những rào cản pháp lý ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả cũng như tâm huyết của hoạt động khởi nghiệp nói chung cũng như của giới trẻ nói riêng, chủ yếu ở các vấn đề gọi vốn, đăng ký kinh doanh, giải quyết tranh chấp, sở hữu trí tuệ... Từ đó đề ra những kiến nghị, hướng giải quyết phù hợp để giúp đỡ và góp phần nâng đỡ phong trào khởi nghiệp. Đồng thời, những suy nghĩ, trăn trở của các đại biểu từ nhiều góc độ khác nhau sẽ giúp tạo ra một bức tranh đầy đủ và rõ nét về vấn đề khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam.
Trước làn sóng khởi nghiệp và sáng tạo, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm và kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong pháp lý khi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo đó, đại diện Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cho rằng việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp còn thiếu, chưa rõ ràng, cụ thể, gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật, cũng như chưa thực sự kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp.
Cụ thể là, chưa có cơ chế, chính sách bảo lãnh tín dụng riêng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay; thủ tục vay vốn có bảo lãnh còn phức tạp, nhiều trường hợp vẫn phải có tài sản thế chấp thì ngân hàng thương mại mới quyết định cho vay vốn nên việc tiếp cận, nhận hỗ trợ nguồn vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp còn nhiều khó khăn, chưa xây dựng được cơ quan pháp lý cho hoạt động của các Quỹ đầu tư thiên thần, Quỹ đầu tư mạo hiểm… để thu hút nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư cho dự án khởi nghiệp.
Đồng tình với ý kiến trên, một trong những rào cản pháp lý đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp được đại diện Công ty TNHH Luật LAWPRO đưa ra là vấn đề về thủ tục hành chính. Trên thực tế, không chỉ doanh nghiệp khởi nghiệp mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể vấp phải một số vướng mắc trong khâu này như hồ sơ đăng ký không có sự hướng dẫn cụ thể về nội dung và hình thức; thủ tục rườm rà, gây mất thời gian; khâu xử lý hồ sơ của chuyên viên còn chậm dẫn đến chậm ngày trả kết quả so với luật định gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, thậm chí có thể khiến doanh nghiệp bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh.
Qua đó, đại diện của Công ty Luật LAWPRO cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, đẩy mạnh hơn nữa tốc độ cải cách. Cụ thể là cắt giảm mạnh hơn nữa, minh bạch hơn nữa các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh tại địa phương để tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Thu – đại diện cho Công ty TNHH SX&TM ATK đã nêu ra những thực trạng, những vấn đề còn vướng mắc trong cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, đồng thời đưa ra một số kiến nghị như việc thanh kiểm tra cần minh bạch chứ không trở thành áp lực cho doanh nghiệp phải đối phó; truyền thông cần minh bạch … Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng đưa ra những ý kiến đóng góp như phải xác định doanh nghiệp khởi nghiệp gặp khó khăn ở khâu nào để đưa ra hướng giải quyết; xây dựng cổng thông tin để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp liên quan đến vấn đề pháp lý; Đảng và Nhà nước cần định hướng việc phát triển khung, chính sách pháp luật gắn với khởi nghiệp, đẩy mạnh phát triển về lĩnh vực tư vấn khởi nghiệp…