Đơn cử như: ngày 18/3/2016 tại hội nghị tổng kết công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại tòa án, Chánh án TANDTC đã nhấn mạnh việc xây dựng đề án để tiến tới triển khai tòa án điện tử vào năm 2024. Ngày 17/2/2017, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã thông qua Nghị quyết 02 về công bố bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử của tòa án. Cổng thông tin điện tử của TANDTC vừa ra mắt giao diện mới ngày 22/10/2018 cùng 66 trang thông tin điện tử của các TAND Cấp cao và các TAND cấp tỉnh…
Có thể nói với việc nâng cấp cổng thông tin điện tử, việc gửi, nhận đơn khởi kiện, các tài liệu chứng cứ, cấp, tống đạt và thông báo văn bản của Tòa án Việt Nam sẽ có thể được thực hiện nhanh chóng thông qua phương tiện điện tử trong thời gian sắp tới.
Tuy nhiên, để có thể đảm bảo hoạt động giải quyết tranh chấp thông qua mạng điện tử, việc ban hành các văn bản pháp luật cụ thể quy định về hoạt động này là rất cần thiết và Việt Nam cần có sự tham khảo các quy định liên quan của Liên minh Châu Âu để xây dựng văn bản pháp luật về thủ tục giải quyết các tranh chấp dân sự bằng tòa án điện tử.
Quan điểm này đã được PGS.TS Vũ Thị Lan Anh đề cập tới trong buổi hội thảo quốc tế “Pháp luật tố tụng dân sự Liên minh châu Âu, Đức, Việt Nam trong bối cảnh hiện nay” do Đại học Luật Hà Nội tổ chức mới đây. Liên quan đến vấn đề bài học kinh nghiệm để phát triển tòa án điện tử tại Việt Nam, PGS Lan Anh và các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng trước hết cần xác định tòa án điện tử là gì và khả năng áp dụng tòa án điện tử ở Việt Nam như thế nào.
Sau đó có thể thí điểm ngay áp dụng tối đa công nghệ thông tin trong quá trình tổ chức tố tụng, trước mắt là với những tranh chấp có giá trị nhỏ. Bên cạnh đó cũng cần ban hành văn bản pháp luật quy định cụ thể về điều kiện áp dụng tòa án điện tử, thủ tục thực hiện, thời hạn thực hiện giải quyết các tranh chấp thông qua tòa án điện tử...
“Trong lĩnh vực tố tụng dân sự tại Việt Nam, xây dựng tòa án điện tử là yêu cầu cấp bách hiện nay, nhất là trong bối cảnh Cánh mạng công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế sâu rộng là đẩy mạnh cải cách hành chính. Bên cạnh việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cần đảm bảo các điều kiện cần thiết để vận hành tòa án điện tử. Việc trang bị máy móc, thiết bị cần thiết, nâng cao trình độ công nghệ thông tin của cán bộ tòa án là điều cần thiết nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động tối đa của tòa án điện tử tại Việt Nam”, theo PGS Lan Anh.