Kiến ba khoang xuất hiện nhiều
Kiến ba khoang là một loại bọ cánh cứng có tên khoa học là Paederus fuscipes (tên tiếng Anh là rove beetles), ngoài ra còn có một số tên gọi khác như kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong... Loài côn trùng này trên mình có các khoang đen - vàng cam xen kẽ, có thân mình thon, dài như hạt thóc, dài 1 - 1,2cm, ngang 2 - 3mm.
Chúng có 3 đôi chân, 2 đôi cánh, một đôi cánh dài mỏng trong suốt gấp lại gọn gàng và giấu bên dưới đôi cánh cứng ngắn, bay và chạy rất nhanh. Trong cơ thể loài kiến này có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12 - 15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn.
Kiến ba khoang thường sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng... Chúng xuất hiện nhiều vào mùa mưa, khi độ ẩm cao, thuận lợi cho kiến phát triển. Kiến ba khoang ưa thích ánh sáng đèn ban đêm nên bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn, chất độc trong cơ thể kiến có thể làm tổn thương da người (bỏng da, viêm da) nếu chất này được giải phóng ra khi kiến bị tác động hoặc bị chà xát hoặc bị giết.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, khi miền Nam vào mùa mưa, loài kiến này đã xuất hiện trở lại và gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Đơn cử như trường hợp của chị T.T.H (28 tuổi, trú tại TP Hồ Chí Minh).
Theo lời kể của anh B.N.Tr (36 tuổi, chồng chị T.T.H), chị T.T.H nằm điều trị tại phòng dịch vụ, khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện đa khoa Khu vực Thủ Đức đã 5 ngày. Trong quá trình nằm điều trị tại đây, anh chị phát hiện có nhiều kiến ba khoang trong phòng bệnh cũng như khoa bệnh.
Hiện trong phòng bệnh, ngoài vợ anh B.N.Tr khi ngủ thiếp đi bị kiến đốt vào cổ thì còn một nữ bệnh nhân khác bị đốt sưng vù cả mặt, nhiều vết đốt nổi mẩn chi chít khắp mặt. Theo phản ánh của anh N. Tr. sau khi bị kiến tấn công, vợ anh và nữ bệnh nhân cùng phòng đều rơi vào lơ mơ, mệt nhiều hơn, sốt cao hơn.
Tương tự, Nguyễn Văn Nam (trú tại quận 8, TP HCM) cho biết, anh đang chơi với con thì cảm nhận có côn trùng bò trên cổ. Theo phản xạ, anh lấy tay đập mạnh. Một ngày sau, vết thương bắt đầu lan rộng và ăn sâu gây cảm giác ngứa, đau rát. Đến gặp bác sĩ, anh được xác định bị nọc độc của kiến ba khoang gây viêm, nhiễm trùng da.
Cách phòng chống
Theo thông tin từ Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TPHCM, biểu hiện viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang thường xuất hiện ở những vùng da hở như: cổ, mặt, lưng, tay, chân... Kiến có thể gây viêm da từ mức độ nhẹ đến nặng, tùy theo độc chất xâm nhập qua da.
Ban đầu người bệnh thấy hơi ngứa rát, căng da, biểu hiện đỏ một vùng da, sau 6 - 12 giờ, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều 1 - 5mm, 1 đến 3 ngày sau thành phỏng nước, phỏng mủ. Lúc này thấy cảm giác đau, rát càng tăng. Có thể kèm theo sốt, khó chịu, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương.
Nếu tay bị dính chất độc khi đập kiến, chà xát và sờ vào mắt có thể làm bỏng mắt. Nếu tổn thương ở gần mắt có thể sưng húp cả hai mắt, 2, 3 ngày mới đỡ, ở bẹn có thể nổi hạch bẹn sưng đau khó đi lại. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng viêm da sẽ tiến triển sang dạng loét.
Các vết loét có nhiều hình dạng khác nhau tùy theo động tác khi ta đập, giết và chà xát kiến trên da. Cũng có ít trường hợp chỉ nổi vết đỏ, lấm tấm mụn nước nhỏ hơi ngứa, lặn sau 3 - 5 ngày, không thành phỏng.
Các chuyên gia của Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP HCM cũng cảnh báo, nếu có sự hiện diện của kiến ba khoang trong khu vực, nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng, vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang.
Để ngăn cản kiến ba khoang vào nhà, người dân cần sử dụng lưới các cửa sổ và cửa ra vào, đóng cửa thường xuyên sau khi ra vào. Mỗi người cần vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà, vì đây là nơi trú ẩn tốt cho loài này.
Đặc biệt người dân cần ngủ trong màn, mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài nhà, nhất là ở những vùng gần đồng ruộng, khu dân cư nhiều ánh đèn, gần công trình đang xây dựng; đồng thời khi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa thu hoạch, mùa mưa bão, cần chú ý sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động như: mặc quần áo dài tay, đội mũ, nón, khẩu trang, đi ủng để tránh tiếp xúc với côn trùng.
Ngoài ra, nếu có một con kiến ba khoang đang bò trên người, chúng ta hãy lấy nó ra bằng cách thổi hoặc để một tờ giấy vào cho nó bò lên và lấy nó ra khỏi người; sau đó rửa sạch vùng da đã tiếp xúc với loài côn trùng này. Nếu người nào lỡ tay đập hoặc chà xát chúng trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi nơi tiếp xúc để hạn chế chất độc và cơ sở y tế để báo và thăm khám, điều trị theo chỉ định của bác sĩ.