Nhiều thủ đoạn “bẫy” doanh nhân
Hiện nay, Thương vụ Việt Nam tại nhiều quốc gia đã lên tiếng cảnh báo về những “bẫy” ngoại thương có thể gặp phải. Ở Italia thì sao, thưa bà?
- Những năm gần đây, Thương vụ đã giải quyết nhiều vụ việc lừa đảo của DN Italia với DN Việt Nam với những hình thức lừa đảo rất đa dạng. Ví dụ như DN Italia đã đặt cọc cho DN Việt Nam, nhận hàng và sau đó không trả tiền hàng còn lại; DN Việt Nam đã đặt cọc nhưng DN Italia không giao hàng hoặc giao không đúng chủng loại, chất lượng.
Thậm chí, một số DN Italia còn dùng thủ đoạn nhập khẩu 1 - 2 lần đầu với số lượng ít, thanh toán đầy đủ để tạo niềm tin. Sau đó, DN này sẽ đề nghị ký hợp đồng lớn và “trở mặt” với lý do chất lượng hàng không bảo đảm, đòi trả lại tiền, không hợp tác xử lý lô hàng nhằm chờ thanh lý, giảm giá... Ngoài ra, còn có thủ đoạn khác như người mua phối hợp với một số nhóm lừa đảo quốc tế, làm giả các loại chứng từ, kể cả chứng từ thanh toán... để tìm cách chiếm đoạt bộ chứng từ gốc rồi nhận hàng và biến mất.
Có trường hợp DN Italia đã từng hợp tác với DN Việt nhiều năm, vẫn giao dịch bình thường khi được liên hệ. DN Việt tiến hành đặt cọc và DN Italia liên tục lùi thời hạn giao hàng, sau đó mất tích. Không hiếm trường hợp DN Italia không thực hiện được nghĩa vụ giao hàng như cam kết do đang trong quá trình thanh lý, phá sản.
Đầu năm 2024, Thương vụ vừa hỗ trợ một DN Việt nhập khẩu đá từ Italia, đã mở L/C không hủy ngang, hợp đồng ký kết rất sơ sài, không có thông số kĩ thuật và chất lượng, không có điều khoản kiểm định, giám định hàng hóa trước khi lên tàu. DN Italia có dấu hiệu giao hàng không đúng chất lượng hoặc có thể không có hàng để giao. Thương vụ đã nhờ sự trợ giúp từ một DN luật để xác minh đối tác, sau đó phối hợp làm việc trực tiếp và gây sức ép với người bán ngưng hành vi lừa đảo, giúp DN mua lấy được toàn bộ tiền hàng, không bị thiệt hại tài chính.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp thời gian xử lấy rất lâu như vụ một DN xuất khẩu cá da trơn sang Italia qua môi giới, DN nhập khẩu Italia nhận hàng nhưng không thanh toán. Thương vụ giới thiệu DN luật để kiện DN Italia ra tòa, đến nay hơn một năm vẫn đang trong tiến trình, do DN Việt Nam không xuất trình được các bằng chứng liên quan tới việc ký kết hợp đồng (hợp đồng không có chữ ký của đối tác, không có bằng chứng (vận đơn giao hàng).
Cách nào tránh “bẫy” ngoại thương?
|
Doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng hơn khi giao dịch ngoại thương. |
Vậy theo bà DN cần có những động thái gì để tránh được những “bẫy” này?
- Hầu hết các trường hợp lừa đảo xảy ra chủ yếu do DN Việt Nam không xác minh đầy đủ đối tác, ký kết các hợp đồng đơn giản, không có các điều khoản bảo vệ quyền lợi, hoặc phụ thuộc hoàn toàn vào môi giới mà không qua quá trình kiểm tra chéo.
Do vậy, để phòng ngừa rủi ro, việc đầu tiên các DN cần nâng cao năng lực xác minh đối tác. Có rất nhiều cách để xác minh đối tác, chỉ cần thận trọng trong khâu xác minh đối tác là có thể yên tâm phần nào. Sau khi xác minh đối tác, bước quan trọng tiếp theo là ký kết hợp đồng. Nhưng DN Việt cần lưu ý, không dùng mẫu hợp đồng sẵn do bên môi giới hoặc đối tác chuẩn bị, tránh bị cài các điều khoản bất lợi.
Đặc biệt lưu ý chọn phương thức giao hàng sao cho DN ít gặp phải rủi ro nhất, như trả trước 20 - 50%, khoản còn lại thanh toán trước khi hàng lên tàu, hạn chế phương thức trả chậm, ngay cả L/C trả chậm với đối tác mới. Trong trường hợp ký kết hợp đồng qua môi giới, cần có điều khoản yêu cầu môi giới cam kết chịu trách nhiệm về tín nhiệm người mua hoặc người bán cuối cùng. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể mua bảo hiểm cho hàng hóa để giảm bớt tổn thất trong trường hợp có rủi ro, tranh chấp.
Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phổ biến, các DN cần tỉnh táo khi gặp phải các giao dịch mà giá chào bán quá thấp so với mặt bằng hoặc người mua sẵn sàng chấp nhận giá chào bán mà không đàm phán. Rất nhiều DN Việt tìm đến Thương vụ nhờ hỗ trợ xử lý các giao dịch qua phương thức TMĐT, dù thủ đoạn lừa đảo không quá tinh vi nhưng DN Việt Nam thiếu kinh nghiệm thương trường, ham giá mua cao và giá bán thấp nên bỏ qua các dấu hiệu bất thường trong quá trình giao dịch.
Từ những phân tích trên của bà, có thể thấy, để không bị lừa khi giao dịch ngoại thương, DN Việt Nam nên làm việc với DN đã từng có quan hệ làm ăn?
- Không hẳn như vậy bởi ngay cả các đối tác lâu năm, chúng tôi vẫn khuyến nghị DN nên thường xuyên kiểm tra tình trạng đối tác. Vừa qua, Thương vụ nhận được khá nhiều yêu cầu đề nghị hỗ trợ của DN Việt, đặt hàng từ đối tác quan hệ thường xuyên, đã đặt cọc nhưng không nhận được hàng do đối tác thanh lý hoặc phá sản nhưng không thông báo với khách hàng. Các trường hợp này, sau khi trao đổi với các DN luật của Italia, thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian, khả năng lấy lại được tiền thấp, phí luật sư khá cao so với trị giá lô hàng nhập, do vậy đều chấp nhận mất tiền.
Vậy có cách nào để bảo vệ DN Việt trước tình trạng lừa đảo ngoại thương có thể xuất hiện bất kỳ trong giao dịch nào không, thưa bà?
- Một trong những phương thức giúp giảm thiểu rủi ro cho DN xuất nhập khẩu là sử dụng các DN dịch vụ logistics như một "van đệm an toàn". Theo đó, DN xuất nhập khẩu cần xây dựng quan hệ với DN logistics có uy tín, có độ tin cậy cao và thực hiện các hoạt động ngoại thương thông qua các DN logistics này.
Ngoài ra, DN nên sử dụng dịch vụ tư vấn, dịch vụ pháp lý chuyên ngành, nên coi các DN tư vấn, DN luật nước ngoài là người đồng hành trong toàn bộ quá trình kinh doanh chứ không chỉ khi xảy ra tranh chấp. Các DN này sẽ giúp DN tìm hiểu về đối tác, rà soát hợp đồng để tránh những điều khoản bất lợi cài cắm, trong trường hợp phát sinh tranh chấp sẽ hỗ trợ hoặc thay mặt DN để xử lý. Đây là giải pháp an toàn nhất cho DN, dù mất chi phí thuê luật sư nhưng sẽ giúp DN tránh rủi ro, thiệt hại (mất cả lô hàng).
Trân trọng cảm ơn bà!