Đồ chơi giá rẻ - mối nguy dài hạn
Chỉ cần bước chân ra chợ, các con phố nhỏ hoặc trước cổng trường học, chúng ta dễ dàng bắt gặp hàng loạt đồ chơi trẻ em đủ màu sắc, mẫu mã với giá chỉ vài đến vài chục ngàn đồng. Đa phần trong số các sản phẩm này đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không ít sản phẩm được sản xuất từ nhựa tái chế kém chất lượng và chứa nhiều hóa chất độc hại.
Đáng lo ngại hơn, nhiều phụ huynh vẫn giữ thói quen mua đồ chơi một cách vô tội vạ, mà không nhận thức được rằng trẻ em thường xuyên ngậm, cắn hoặc cầm nắm đồ chơi, khiến các hóa chất như chì, BPA hay phẩm màu công nghiệp dễ dàng xâm nhập vào cơ thể. Những chất này không chỉ làm tổn thương hệ thần kinh mà còn gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển thể chất và trí não của trẻ.
Mới đây, một nhóm các nhà khoa học và bác sĩ từ 17 tổ chức tại Mỹ và châu Âu đã công bố các nghiên cứu liên quan đến tác hại của loại hóa chất tổng hợp và vi nhựa đến sức khỏe trẻ em. Theo các nhà nghiên cứu, một xu hướng đáng báo động là tỷ lệ ung thư ở trẻ em đã tăng 35% trong nửa thế kỷ qua, mặc dù tỷ lệ ung thư ở người lớn tuổi đang giảm. Và tỷ lệ mắc chứng tự kỷ đã tăng gấp 3 lần trong thập kỷ qua.
Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng các hóa chất tổng hợp và vi nhựa có thể là nguyên nhân gây ra sự gia tăng đột biến các bệnh khác ở trẻ em như hen suyễn và béo phì. Theo các nhà nghiên cứu, trẻ em dễ bị tổn thương lâu dài do độc tố tổng hợp hơn vì các cơ quan của trẻ chưa phát triển đầy đủ, khiến khả năng lọc độc tố của trẻ kém hơn. Trẻ nhỏ cũng có xu hướng cho đồ chơi và các vật dụng khác có chứa nhựa tổng hợp vào miệng, làm tăng nguy cơ phơi nhiễm.
Thực phẩm bẩn “đầu độc” trẻ em
Bên cạnh đồ chơi, đồ ăn vặt bẩn cũng là một “kẻ thù thầm lặng” đối với sức khỏe trẻ em. Những gói bim bim đầy màu sắc, xiên que thơm phức hay các loại siro, nước ngọt lấp lánh màu bắt mắt trước cổng trường luôn thu hút trẻ nhỏ. Tuy nhiên, ẩn sau vẻ ngoài hấp dẫn ấy là nguy cơ từ phẩm màu công nghiệp, chất bảo quản độc hại và dầu ăn dùng đi dùng lại nhiều lần.
Mới đây, một cơ sở sản xuất bim bim tại Hà Nội bị cơ quan chức năng kiểm tra, từ đó cho thấy sự thật kinh hoàng về vấn đề vệ sinh thực phẩm. Bên trong khu sản xuất của cơ sở này là rác rến, các loại phẩm màu phụ gia độc hại, bim bim được chế biến dưới… sàn nhà với không gian bẩn thỉu hơn cả nhà vệ sinh công cộng, đồng thời có cả xác chuột chết bốc mùi hôi thối gần đó. Nhiều phụ huynh đã xác nhận mình từng mua bim bim của cơ sở này cho con ăn.
Thực tế, không ít phụ huynh có thói quen chiều chuộng theo sở thích của con mà không cân nhắc đến vấn đề an toàn thực phẩm và sức khỏe. Họ sẵn sàng mua cho con các loại gà rán, cá viên chiên, xúc xích ven đường cho đến trà sữa, nước ngọt, các loại nước, bánh kẹo đủ sắc màu không rõ nguồn gốc cho trẻ ăn hàng ngày.
Thói quen tiêu thụ các món ăn vặt không rõ có an toàn hay không đang đặt trẻ em đối mặt với hàng loạt vấn đề sức khỏe: từ ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa cho đến tích tụ độc tố trong cơ thể. Trên thực tế, đã có một số vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt đã xảy ra khi trẻ ăn quà vặt hay một số “kẹo lạ” được bày bán trước cổng trường học. Nghiêm trọng không kém, nếu không được kiểm soát, những thực phẩm này có thể gây ra các bệnh mãn tính như béo phì, tiểu đường, thậm chí ung thư trong tương lai.
Đã đến lúc các bậc phụ huynh cần thay đổi thói quen tiêu dùng, lựa chọn đồ chơi và thực phẩm một cách cẩn trọng hơn. Đừng để những món đồ chơi giá rẻ hay những thức ăn hè phố đầy màu sắc trở thành tác nhân hủy hoại sức khỏe và tương lai của trẻ em. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần mạnh tay hơn trong việc kiểm soát chất lượng đồ chơi và thực phẩm trên thị trường, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất và kinh doanh vi phạm.