Không thể khuất phục trò bằng nỗi khiếp sợ!
Dạy học trực tuyến đang tạo ra áp lực không nhỏ đối với giáo viên, câu chuyện kỷ luật học sinh càng trở nên nhạy cảm hơn. Trước đó, trong clip ghi lại buổi học trực tuyến, một nam sinh viên liên tục văng tục với giảng viên khi bị hỏi bài. Lớp học này được xác định là của Trường Cao đẳng FPT Polytechnic. Thực tế, không ít thầy cô bất lực trước những hành động vô lễ của học trò, đã có nhiều giáo viên không kiểm soát được cảm xúc, dẫn đến những hành vi thiếu chuẩn mực. Dư luận đã từng xôn xao với những vụ việc phạt học sinh thời gian qua như: bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng, cho học sinh tự tát nhau đến mức nhập viện, phạt học sinh quỳ gối… Đây là những hình phạt gây sốc trong ngành giáo dục.
Thời gian qua, kỷ luật tích cực được các chuyên gia nhắc tới nhiều. Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông cũng quy định rõ, nhà trường xem xét thực hiện các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực.
Ông Ngô Minh Uy, Giám đốc Công ty Tâm lý chuyên nghiệp WE Link, Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục TP HCM chia sẻ: “Lâu nay nhiều người có thói quen la mắng và trừng phạt đứa nhỏ, với mục đích khuất phục đứa trẻ bằng nỗi sợ. Đến nay điều này đã được nội tâm hóa khiến chúng ta vô cùng thụ động và không có được lòng tự tôn khỏe mạnh. Vậy nên, đừng mong chúng ta thành những “công dân toàn cầu” dám có ý kiến hay quan điểm của bản thân”.
Chuyên gia tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng: Kỷ luật tích cực khác kỷ luật tiêu cực truyền thống ở triết lý của kỷ luật chứ không phải hình thức kỷ luật được đưa ra. Kỷ luật truyền thống dựa trên việc đưa ra hình phạt làm cho học sinh cảm thấy lo lắng, sợ hãi, xấu hổ hoặc đau đớn để không tái phạm lỗi. Còn kỷ luật tích cực lại chỉ rõ cho học sinh thấy nếu làm sai thì con mất cơ hội, sẽ buồn chán vì mọi người sẽ không chú ý đến hành vi đó.
Vì vậy, nếu không hiểu rõ triết lý, giáo viên có thể vẫn đưa ra một hình thức kỷ luật mà nhà trường quy định, nhưng thái độ và lời nói của giáo viên lúc quyết định kỷ luật sẽ làm cho nó trở thành kỷ luật trừng phạt. Trên thực tế, mục đích của kỷ luật tích cực không phải đưa ra hình phạt để trẻ vào nền nếp mà là khuyến khích những hành vi đúng đắn phù hợp, dạy kỹ năng để trẻ tự giác vào nền nếp trong một không khí tích cực.
Kỷ luật không nước mắt
Muốn triệt để áp dụng kỷ luật tích cực, theo PGS.TS Trần Thành Nam, giáo viên cần hiểu được nguyên nhân đằng sau một hành vi sai của đứa trẻ, để kiểm soát cảm xúc của mình, kiềm chế những hình thức kỷ luật tiêu cực bột phát là kết quả của sự bùng nổ cảm xúc. Suy nghĩ về nguyên nhân, mục đích đằng sau hành vi, giáo viên cơ bản cũng đã kiểm soát được cảm xúc của bản thân và định hướng được cách thức xử lý, với một thái độ chân thành, kiên nhẫn và tử tế.
Theo đó, PGS.TS Trần Thành Nam cũng cho rằng, rất nhiều người hàng ngày đều đang nói về “kỷ luật tích cực” thật ra chưa hiểu đúng về “kỷ luật tích cực”. Kỷ luật ở đây không phải là động từ như chúng ta hiểu. Không được hiểu nó là phải phạt (kỷ luật) đứa trẻ với những hình phạt tích cực (trái với trừng phạt thể chất đau đớn hoặc hạ nhục về tinh thần, phẩm giá) là đủ.
Cô Vũ Thu Hà, giáo viên Trường THCS Ban Mai (Hà Nội) luôn trăn trở về hai từ “kỷ luật”. Làm thế nào để giáo dục được học sinh, các con trưởng thành trong tình yêu thương, sự tôn trọng, nuôi dưỡng chứ không phải trong nỗi “khiếp sợ” với những hình phạt, kỷ luật hay chì chiết? Làm thế nào để các con cảm nhận được sự an toàn, tin tưởng của cô giáo, để thầy, cô không chỉ là “thợ dạy”?
Cô chia sẻ: “Cách nhìn, nói, cư xử của thầy, cô giáo nói chung, giáo viên chủ nhiệm nói riêng có ảnh hưởng, tác động vô cùng lớn với mỗi học sinh”. Cô cũng từng chia sẻ với lớp chủ nhiệm rằng “Cô không chỉ là giáo viên chủ nhiệm, cô là thành viên thứ 26 của lớp mình”. Cuối năm học, học sinh chia sẻ câu nói ấy giúp các em thấy yên tâm hơn, không còn suy nghĩ ban giám hiệu cử thêm người vào “trừng trị” lớp”.
Còn TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội chia sẻ cho rằng “kỷ luật là phương pháp không thể thiếu trong nhà trường nhưng không có nghĩa là trừng phạt học sinh. Luật pháp cũng đã có những quy định về quyền trẻ em, người vị thành niên. Cho đến nay, tất cả những kỷ luật như dùng roi vọt đã không còn phù hợp. Trong xã hội hiện đại, việc giáo dục học sinh phải làm sao để các em tự nhận ra sai lầm, tự thay đổi, tự chịu trách nhiệm trước hành vi của mình là thành công nhất của giáo dục. Muốn làm được điều này, người thầy phải áp dụng nhiều biện pháp tích cực chứ không phải quát mắng, trừng phạt cho hả giận”, thầy Lâm nhấn mạnh.
Và như vậy, khi trò phạm lỗi, dù kỷ luật dưới hình thức nào, xưa hay nay thì vẫn luôn xuất phát từ tấm lòng, cách nhìn của thầy, cô với học trò có đủ yêu thương và độ lượng hay không. Giá trị của roi vọt hay cây thước luôn phụ thuộc vào những ứng xử có từ trái tim của người thầy.