Cần thêm 8.200 tỷ đồng để miễn học phí cho học sinh cả nước

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Bộ GD&ĐT, ngân sách nhà nước sẽ tăng thêm 8.200 tỷ đồng khi thực hiện chính sách theo Nghị quyết của Quốc hội miễn học phí cho học sinh cả nước.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đề xuất hỗ trợ học phí đối với cả học sinh dân lập, tư thục

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội miễn học phí đối trẻ em mầm non, học sinh THCS, học sinh THPT và không phải đóng học phí đối với học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập.

Trên cơ sở rà soát quy định hiện hành, đối tượng không phải đóng học phí theo quy định của Luật Giáo dục 2019 là học sinh tiểu học. Đối tượng miễn học phí theo quy định của Luật Giáo dục 2019 gồm trẻ em mầm non 5 tuổi; Học sinh Trung học cơ sở.

Như vậy, triển khai kết luận của Bộ Chính trị tại Công văn số 13594 ngày 01/3/2025 sẽ bổ sung thêm các đối tượng được miễn học phí là: Trẻ em, học sinh mầm non dưới 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục; Học sinh trung học phổ thông, học sinh học văn hoá trung học phổ thông tại các cơ sở giáo dục.

Như vậy, chính sách sẽ hỗ trợ học phí đối với cả trẻ em mầm non, học sinh phổ thông tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục để đảm bảo thực thi chính sách thống nhất, công bằng đối với người học theo Kết luận của Bộ Chính trị tại Công văn số 13594 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc miễn học phí cho học sinh mầm non và học sinh THPT trong hệ thống trường công lập, các đối tượng khác thực hiện theo quy định của pháp luật.

Theo Bộ GD&ĐT, quy định như vậy phù hợp với Hiến pháp 2013, giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí. Theo đó tại Nghị định số 81/2021 quy định: Học sinh tiểu học đang học tại các trường công lập không phải đóng học phí, học sinh đang theo học tại các trường tư thục, dân lập tại địa bàn không đủ trường công được nhà nước hỗ trợ bằng mức học phí đối với học sinh đang học tại trường công lập.

Ngoài ra, Kết luận số 91 ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29 ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện, giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đặt ra nhiệm vụ thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm. Đồng thời giao Chính phủ tổ chức triển khai, hướng dẫn chính sách này đảm bảo công khai, hiệu quả, kịp thời.

Cần thêm 8.200 tỷ đồng để miễn học phí cho học sinh cả nước

Theo số liệu thống kê năm học 2023-2024, hiện cả nước có 23,2 triệu học sinh (trong đó: 21,5 triệu học sinh công lập, chiếm 93%; 1,7 triệu học sinh ngoài công lập, chiếm 7%).

Số học sinh chia theo cấp học: 4,8 triệu trẻ em mầm non (3,8 triệu trẻ em công lập; 1 triệu trẻ em ngoài công lập); 8,8 triệu học sinh tiểu học, 6,5 triệu học sinh THCS, 2,99 triệu học sinh THPT.

Bộ GD&ĐT căn cứ theo mức học phí tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 81/2021 và Nghị định số 97/2023 của Chính phủ để ước tính như sau: Tổng nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước phải chi trả để thực hiện miễn học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập và hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông ngoài công lập là trên dưới 30 nghìn tỷ đồng (mức ngân sách cần đảm bảo sẽ phụ thuộc vào mức học phí cụ thể của từng tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định trên cơ sở quy định mức sàn, trần học phí quy định của Chính phủ).

Tổng ngân sách nhà nước đã thực hiện miễn (không thu) học phí đối với: Trẻ em mầm non 5 tuổi; Học sinh tiểu học; Học sinh THCS từ năm học 2025-2026 là 22,5 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, số ngân sách nhà nước tăng thêm khi thực hiện chính sách theo Nghị quyết của Quốc hội là 8,2 nghìn tỷ đồng.

Đọc thêm