Mất tiền cho “cò” đi lao động “chui”
Một thực trạng đáng báo động hiện nay là số người đi lao động chui ở Trung Quốc đều vì cuộc sống mưu sinh và do kẻ khác dụ dỗ. Để sang được Trung Quốc, mỗi lao động phải đóng một khoản tiền cho các “cò” lao động. Sau khi nhận tiền, người môi giới sẽ dẫn họ sang Trung Quốc bằng đường bộ, sau đó đưa vào các vùng sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp, may mặc… để làm việc. Đối với những người không có tiền nộp trước, sau khi sang đến Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, có việc làm, họ phải trả cho người môi giới từ 5-7 triệu đồng trừ dần vào lương.
Ngày 23/2/2016, Công an huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh phát hiện đối tượng Hoàng Thị Cảnh (SN 1969, ở xã Kỳ Đồng) đang có hành vi đưa 8 người trốn đi Trung Quốc. Tại cơ quan điều tra, Hoàng Thị Cảnh khai nhận: thị từng có thời gian làm việc tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) từ tháng 2/2015 - tháng 1/2016 thì trở về quê ở Kỳ Đồng. Trong thời gian này, nhận thấy con em ở quê không có việc làm nên Cảnh nảy sinh ý định đưa số người trên trốn ra nước ngoài lao động kiếm tiền. Để được đưa sang Trung Quốc, mỗi người phải nộp cho Cảnh 5 triệu đồng (tiền tàu xe), không cần giấy tờ tùy thân. Khi đưa họ đến Móng Cái, Cảnh liên lạc với một phụ nữ tên Lan làm việc tại Trung Quốc để tìm cách vượt biên bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.
22h ngày 9/6/2016, tại địa bàn xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, lực lượng tuần tra Đồn BP Cửa Lân, BĐBP Thái Bình phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông huyện Tiền Hải phát hiện hai xe ô tô chở khách có dấu hiệu nghi vấn. Kiểm tra xe, BĐBP Thái Bình xác định 33 đối tượng trên xe đang trên đường từ huyện Tiền Hải lên tỉnh Lạng Sơn để vượt biên sang Trung Quốc.
Các đối tượng khai nhận Nguyễn Thị Thủy (32 tuổi, trú tại xã Đông Minh, huyện Tiền Hải) - một trong những người đang có mặt trên chuyến xe này, chính là kẻ tổ chức vượt biên, đưa lao động sang Trung Quốc làm việc. Theo đó, Thủy tìm người ở Tiền Hải, sau đó đưa họ lên Lạng Sơn, đi theo đường mòn biên giới để sang Trung Quốc làm thuê. Trước đó, Thủy đã đưa 18 người vượt biên thành công. Ngày 7/6, Thủy thuê xe ô tô BS 12B - 000.73 chở 18 người này từ Trung Quốc về quê ăn Tết Đoan Ngọ (5.5 Âm lịch). Tại quê, Thủy tìm thêm được 14 người nữa, sau đó thuê thêm ô tô BS 30K- 7368 của Công ty Du lịch Tân Sơn (thành phố Thái Bình) để chở toàn bộ 32 người lên Lạng Sơn.
Với mức lương hấp dẫn mà “cò” hứa hẹn, nhiều người bất chấp nguy hiểm, rủi ro, ra đi tìm “miền đất hứa”. Sang Trung Quốc lao động “chui” là vi phạm pháp luật và tiềm ẩn những nguy cơ như tai nạn lao động, mất an ninh trật tự. Khi trở về, nhiều lao động còn mang theo các tệ nạn xã hội, gây ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình an ninh, trật tự địa phương.
Bị xét xử mới biết mình vi phạm pháp luật
Các vụ án về tội danh “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” được đưa ra xét xử những năm qua góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, không để ai phải đi tù vì thiếu hiểu biết.
Dù được HĐXX nhiều lần giải thích nhưng bị cáo Quách Thị Mai (SN 1974, trú tại xóm Bình Tân, xã Nam Thượng, Kim Bôi, Hòa Bình) bị truy tố về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” theo khoản 2 Điều 275 Bộ luật Hình sự vẫn khăng khăng cho rằng hành vi tổ chức đưa 25 người ở các huyện Kim Bôi, Lạc Sơn sang Trung Quốc làm thuê của Mai là không vi phạm pháp luật. Mai cho rằng việc đưa những người lao động sang Trung Quốc lao động là do họ nhờ Mai giúp và giúp người hoàn cảnh, đói nghèo, không có công ăn, việc làm có công ăn, việc làm thì không phạm pháp.
Tháng 6/2013, Quách Thị Mai vượt biên sang Trung Quốc lao động trái phép. Trong thời gian này, Mai có quen với một người đàn ông người Trung Quốc. Người này nói là cần thuê lao động để cắt gỗ bạch đàn và nhờ Mai về Việt Nam tìm người đưa sang làm thuê. Do đó, Mai đã về Việt Nam, 2 lần tổ chức đưa 25 người ở 2 huyện Kim Bôi và Lạc Sơn vượt biên sang Trung Quốc lao động trái phép. Những người được Mai đưa sang Trung Quốc làm việc khi về nước đã tố cáo Mai với cơ quan công an.
Giống như Quách Thị Mai, năm 2012, Trần Thị Yến (SN 1971, ở xóm Lòng, xã Yên Trị, Yên Thủy, Hòa Bình) đi lao động “chui” tại Trung Quốc. Tại đây, Yến đã quen với một người đàn ông người Trung Quốc tên là A Thành - người chuyên quản lý và sắp xếp công việc cho người Việt ở Trung Quốc. Khi Yến về nước, A Thành đề nghị tìm lao động Việt đưa sang Trung Quốc để làm việc tại các xưởng điện tử, mộc, nhuộm với mức lương từ 7 - 12 triệu đồng/tháng.
Nhận lời giúp A Thành, từ tháng 2/2014-4/2014, Yến đã tổ chức 2 đợt đưa 14 người sang Trung Quốc. Trong quá trình làm việc tại Trung Quốc những người lao động Việt Nam đã bị chủ sử dụng lao động bóc lột sức lao động, ép làm việc từ 14 - 16 giờ/ngày. Ngoài ra, họ còn bị bớt xén 1/2 tiền công. Do công việc vất vả, mức lương ít, những người này đã xin về Việt Nam nhưng bị dọa đánh. Sau khi tìm mọi cách trốn về Việt Nam, những người họ đã tố cáo hành vi của Trần Thị Yến với cơ quan Công an.
Tại cơ quan Công an, Trần Thị Yến cũng cho rằng việc đưa 14 người sang Trung Quốc lao động là không vi phạm pháp luật vì những người này thỏa thuận với Yến về việc nhờ Yến đưa sang Trung Quốc lao động. Yến đơn thuần là rủ thêm anh em, bạn bè, đồng hương sang làm việc cùng để có thêm thu nhập. Yến không hiểu hành vi của mình đã cấu thành tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.
Chỉ khi bị kết án, cả Mai và Yến mới té ngửa hành vi của mình là vi phạm pháp luật.