Cẩn trọng với “ma trận” thực phẩm hỗ trợ sinh lý

(PLVN) - Theo thống kê năm 2017 tại hội thảo quốc tế chuyên đề "Cập nhật tiến bộ mới trong điều trị rối loạn cương dương", trước đây tình trạng yếu sinh lý thường xảy ra ở độ tuổi ngoài 50. Hiện nay con số này đã trẻ hóa ở cả độ tuổi 25 - 30.
“Thần dược” kẹo sâm bán công khai trên sàn thương mại điện tử Sen Đỏ. (Ảnh chụp ngày 2/11/2020.

Trên thị trường, thực phẩm chức năng (TPCN), thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) hỗ trợ tình trạng yếu sinh lý ngày càng phát triển. Bên cạnh những đơn vị kinh doanh, những thực phẩm đủ nguồn gốc được công nhận, có nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc được thổi phồng quảng cáo khiến người tiêu dùng hiểu lầm, gây nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe.

Chỉ cần gõ từ khóa “thuốc tăng cường sinh lý”, “hỗ trợ sinh lý” lên thanh công cụ tìm kiếm google, người tìm kiếm sẽ “lạc vào ma trận” các sản phẩm TPCN, TPBVSK với đủ lời quảng cáo có cánh. Các nhà buôn trên mạng đều giới thiệu sản phẩm của mình là một trong những loại “thần dược” tốt nhất, được xách tay chính hãng từ các nước như Anh, Mỹ, Nhật… được chiết xuất từ tinh chất tinh túy nhất của đủ các loại động vật từ dê, hàu biển, chuột túi, hải ly…

Quảng cáo là vậy, nhưng khi khách hàng yêu cầu xem hóa đơn cũng như các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm thì hầu hết người bán không cung cấp được.

Ngày 30/10/2020, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP) vừa cảnh báo hàng loạt sản phẩm, thực phẩm chức năng chứa chất cấm gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Trong đó, kẹo sâm hamer, một loại kẹo được biết đến với nhiều công dụng hữu ích cho sức khỏe đặc biệt là ở nam giới lại chứa một lượng chất cấm không được phép bán ra thị trường. 

Sau khi nhận được thông tin cảnh báo từ cơ quan Khoa học Y tế Singapore về việc phát hiện các chất cấm có trong một số loại thực phẩm bán tại nước này, Cục ATTP đã lập tức rà soát nội bộ và nhận được kết quả, từ tháng 9/2014 đến nay, sản phẩm trên chưa được cấp công bố tại Cục nhập khẩu vào Việt Nam. Mặc dù vậy, trên các trang mạng xã hội và các trang trung tâm thương mại điện tử như Sen Đỏ, Lazada, loại kẹo này vẫn đang được bày bán công khai.

Ghi nhận trên trang thương mại điện tử Sen Đỏ ngày 2/11/2020 không khó để bắt gặp các gian hàng kinh doanh kẹo sâm hamer được quảng cáo như “thần dược phòng the”. Trên trang thương mại điện tử Lazada cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Khi gõ từ khóa “kẹo sâm hamer” vào thanh công cụ tìm kiếm google, chỉ mất 0,31 giây đã cho ra 451 nghìn kết quả, cho thấy mức độ “hot” của loại sản phẩm này.

Hầu hết kẹo sâm hamer được giới thiệu nhập khẩu từ Mỹ. Sản phẩm không chỉ được quảng cáo tăng cường ham muốn, “ngậm một viên khỏe tới 3 ngày” mà còn có nhiều công dụng “kỳ diệu” khác cho phái mạnh.

Đi kèm với hàng loạt công dụng hữu ích là giá bán khác nhau từ các trang thương mại điện tử. Trên trang cửa hàng bán kẹo hamer cooffe Bình Dương, Bình Phước một hộp kẹo 30 viên có giá là 2,4 triệu đồng, tuy nhiên trên cùng một trang bán hàng Bigomart. Info lại có đến hai giá bán khác nhau là hơn 1 triệu và 275 nghìn đồng cho một hộp kẹo 30 viên. 

Cục ATTP đã có khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng sản phẩm có chứa chất cấm nêu trên nhưng các sản phẩm này vẫn được bày bán tràn lan trên thị trường.

Theo các chuyên gia y tế, nhiều người đang nhầm lẫn giữa TPCN với thuốc điều trị. Nếu dùng đúng cách, đúng sản phẩm sẽ cho hiệu quả tốt. Nhưng nếu lạm dụng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nam giới.
Bên cạnh đó, các thành phần của các loại TPCN được cho là có tác dụng với sinh lý nam giới có chứa nhiều chất cấm người dùng khó nhận biết. Theo quy định TPCN không được phép chứa tân dược hay các hoạt chất gây độc, nhưng trong quá trình kiểm tra, liên tục phát hiện các thực phẩm tăng cường sinh lý nam có chứa chất cấm sildenafil (hoạt chất của Viagra).

Đọc thêm