Thực hư 'thần dược phòng the'

(PLO) - Tại các phiên chợ vùng cao ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, bà con dân tộc thiểu số Dao, Mông thường bán “ngọc cẩu” loại nấm được mệnh danh là “thần dược phòng the”, có tác dụng kéo dài “cuộc yêu” giúp quý ông mạnh mẽ, quý bà dẻo dai, thậm chí những người yếu sinh lý sau khi sử dụng dược liệu này có thể khôi phục khả năng tình dục. Vậy thực hư tác dụng của loại thần dược này có đúng như dân gian truyền miệng?
Thực hư 'thần dược phòng the'

Lên núi săn nấm “tan cửa nát nhà”

Theo đồng bào dân tộc Dao ở xã Thành Công, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), hiện nay có nhiều tư thương thu mua loại nấm ngọc cẩu để bán lại cho khách ở các tỉnh khác, vì vậy những lúc rỗi rãi đồng bào lại lên núi săn tìm và mang đi bày bán ở các buổi chợ và các địa điểm du lịch ở địa phương để được giá cao. Sở dĩ gọi là nấm ngọc cẩu là vì nó có hình dạng giống “bảo bối” của con chó.  Thế nhưng, người dân lại đặt cho loại nấm này một tên gọi khác là nấm “tan cửa nát nhà” để ám chỉ mức độ hiệu quả cũng như mặt trái của nó khi sử dụng.

Ông Chu Văn Xíu (ở xóm Phia Đén, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) cho hay: “Nấm ngọc cẩu có nhiều ở vùng núi cao huyện Nguyên Bình, nhất là ở đỉnh Phia Oắc, Phia Đén. Đây là loại thảo dược nửa nấm nửa cây, phần thân thì mọc chìm dưới đất. Nấm có màu nâu đỏ, cánh hoa to quyện vào nhau, mang hoa dày đặc, bao bọc bởi mo màu tím, nó có hình dạng giống “của quý” con chó nên mọi người gọi là ngọc cẩu.

Nấm ngọc cẩu chủ yếu mọc ký sinh trên những rễ cây gỗ lớn, chìm dưới lòng đất, trong bóng tối, dưới lùm cây bụi ở các dãy núi cao trên 1.000m. Vòng đời của nấm chỉ kéo dài trong khoảng vài ba tháng. Ngoài dùng làm thuốc để tăng cường, hỗ trợ sinh lý cho nam giới, người Dao ở đây còn dùng nấm để chữa hậu sản. Khi người phụ nữ mới sinh sẽ bị kiệt sức, dùng nấm cho vào đun với nước, uống sẽ bồi bổ cơthể và hồi sức rất nhanh”. 

Người dân cho rằng, tinh bột của nấm ngọc cẩu được coi như tế bào gốc, được các thiếu nữ dân tộc dùng để trị nám da, tàn nhang. Đối với các quý ông, loại nấm này sẽ có tác dụng bổ dương rất mạnh, giúp tăng cường ham muốn, kéo dài sự dẻo dai. Chỉ cần dùng loại nấm này thường xuyên thì ngay cả những trường hợp đàn ông bị đuối sinh lý cũng sẽ hồi phục lại bình thường. Loại nấm chỉ phát huy tác dụng hiệu quả nhất khi nấu với các loại pín dê, pín bò, pín cầy... Giá bán của mỗi cân nấm tươi khá rẻ chỉ từ 30.000 - 50.000 đồng ở các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Nguyên Bình… của tỉnh Cao Bằng và các huyện miền núi ở tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang...

Công dụng đến đâu?

Theo cụ Phùng Văn Khang (79 tuổi) ở xóm Bản Kính, xã Quốc Dân, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) - một lang y nổi tiếng với các bài thuốc đông y, và là thành viên trong Hội Đông y Việt Nam cho biết: “Nấm ngọc cẩu có loại nấm chất lượng và kém chất lượng, nhưng rất khó để phát hiện. Nấm chất lượng, không có giá vài chục nghìn đồng một ki lô gam và cũng không phải ở nơi nào cũng bày bán.

Để tìm loại nấm ngọc cẩu chất lượng phải đi lên những vùng cao nhiều núi đá, củ phải đỏ tươi và già cỗi mới có công dụng. Hiện nay, loại  nấm này được bày bán tràn lan ở các khu chợ, ven đường đều là do người dân nghe theo tin đồn rồi đem bán nhằm kiếm lợi nhuận, chứ ít người biết về công dụng thực sự của nó và sử dụng liều lượng đúng cách. Hơn nữa, việc sử dụng, pha chế nấm ngọc cẩu cùng các loại thảo dược khác phụ thuộc vào từng loại bệnh, cơ địa, thể trạng của từng người, không thể sử dụng tùy tiện được. Nếu sử dụng bừa bãi coi chừng rước họa vào thân”.

Khi dư luận đồn thổi về những cây thảo dược có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe thì càng có nhiều người tìm mua, kẻ săn tìm thảo dược về bán cũng không ít. Nhiều người dân các huyện miền núi đổ xô nhau lên rừng, núi săn tìm nấm ngọc cẩu và các cây thảo dược, thú vật quý hiếm để đem bán ở các buổi chợ phiên nhằm kiếm kế mưu sinh.

Ông Nông Văn Cầm (66 tuổi), ở huyện Ba Bể (Bắc Kạn), là một trong những người săn tìm cây dược liệu quý nhiều năm cho biết: “Giờ kiếm được các cây, nấm như cu pín (nấm ngọc cẩu), xiên rim, vằng lèn, mác pin, boóc lương bán cũng được chút ít tiền trang trải cuộc sống. Các buổi chợ đều có người thu mua ở dọc đường, tranh nhau mua với giá ngày càng nâng lên cao.

Tùy theo mỗi loại cây sẽ có giá khác nhau, thông thường cây nào càng khó tìm thì giá càng cao. Ví dụ như cây boóc lương sẽ bán được trên 200 nghìn/lạng, còn cây vằng lèn thì rẻ hơn gấp 10 lần nhưng dễ kiếm và có thân cây to hơn nhiều lần. Ban đầu lên núi cũng sợ lắm, nhìn xuống dưới lập tức chóng mặt nhưng đi vài lần khác quen, giờ không còn cảm giác sợ hãi nữa, chỉ là tuổi cao rồi nên chóng mệt”.

Đọc thêm