Cẩn trọng với "thầy thuốc" online

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Việc tiếp nhận thông tin chưa được kiểm chứng, không bảo đảm độ chính xác tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế và sức khỏe có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người.
Người dân nên tiếp cận thông tin trên mạng xã hội từ các nguồn uy tín. (Ảnh: PV)
Người dân nên tiếp cận thông tin trên mạng xã hội từ các nguồn uy tín. (Ảnh: PV)

Loạn “bài thuốc” phản khoa học

Thời gian qua, một tài khoản xã hội trên Internet có tên B.S.T đã thu hút sự chú ý của cộng đồng khi liên tục đăng tải video khẳng định về việc uống nước muối đậm đặc hàng ngày để “chữa bệnh”. Thậm chí còn khẳng định bệnh nhân mắc bệnh thận, cao huyết áp nên thử. Cụ thể, trong các video, chủ tài khoản B.S.T cho biết bản thân thường uống từ 3 đến 4 cốc nước muối đậm đặc mỗi ngày và khẳng định điều này mang lại “lợi ích lớn cho sức khỏe”. Đỉnh điểm của sự việc, chủ tài khoản B.S.T đã đăng video ghi lại cảnh uống một cốc nước pha 35g muối, đồng thời tiết lộ đây là cốc thứ tư uống trong ngày.

Phớt lờ những cảnh báo về tác hại của việc tiêu thụ muối quá mức đối với sức khỏe, chủ tài khoản khẳng định rằng các khuyến cáo từ truyền thông và giới chuyên gia y tế về việc hạn chế muối chỉ là hình thức “truyền thông dắt mũi”. Đáng nói, dù khẳng định lợi ích của nước muối nhưng tài khoản B.S.T nói không khuyến khích mọi người uống theo vì “cần phải có hiểu biết mới uống được”. Tuy nhiên, việc đăng tải hàng loạt video không chỉ gây ra tranh cãi mà còn khiến nhiều người bắt chước làm theo.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ 2g natri mỗi ngày (tương đương 5g muối). Hiện nay, người Việt Nam đang tiêu thụ lượng muối ở mức cao so với khuyến cáo, khoảng 8,4g/ngày. Nếu ăn nhiều hơn 5g muối/ngày, cơ thể sẽ bị mất cân bằng chỉ số natri và kali, khiến thận lọc nước kém. Như vậy, với lượng muối tiêu thụ lên đến 35 - 40g mỗi ngày như cách chủ tài khoản B.S.T áp dụng, ngay cả người có sức khỏe bình thường cũng đứng trước nguy cơ cao bị suy thận và suy tim nghiêm trọng.

Trên thực tế, mỗi ngày có hàng loạt những bài viết có nội dung như anti vaccine, sinh con thuận tự nhiên, thụt tháo đại tràng thải độc..., hay thậm chí chữa ung thư bằng nước kiềm được đăng tải tràn lan trên Internet. Đây đều là những thông tin thiếu cơ sở khoa học và tiềm ẩn nguy cơ gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, dưới “vỏ bọc” đưa ra lời khuyên, chia sẻ câu chuyện cá nhân hay tự xưng là “bác sĩ”, những nội dung này dễ dàng thu hút tương tác và khiến nhiều người tin tưởng, làm theo mà không hề cảnh giác.

Bảo đảm thông tin chính thống trên Internet

Trong thời đại công nghệ 4.0, việc chia sẻ thông tin chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Bất cứ ai, làm bất cứ ngành nghề nào đều có thể chia sẻ thông tin và lan truyền nó trên Internet, trong lĩnh vực y tế, sức khỏe cũng vậy. Thay vì chỉ đọc tin tức liên quan đến sức khỏe từ các nguồn tin truyền thống (nhân viên y tế, loa đài, TV, báo chí,...) như trước đây, hiện việc cập nhật thông tin của người dân đang dần chuyển qua Internet vì đa dạng và dễ cập nhật hơn.

Tuy nhiên, điều này có thể dẫn tới sự nhiễu loạn thông tin. Hiện, các thông tin trên Internet có hai loại, thông tin chính thống và thông tin không chính thống. Thông tin chính thống đến từ các trang web của Chính phủ, ban, ngành, cơ quan báo chí, bệnh viện, trung tâm y tế. Hay trên các nền tảng xã hội người dân cũng có thể tiếp cận thông tin chính thống khi có ngày càng nhiều ban, ngành, cơ quan báo chí đã và đang chọn đây là nơi để đăng tải thông tin.

Còn với thông tin không chính thống xuất phát từ các cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội, đa phần là những thông tin chưa được kiểm chứng, thiếu cơ sở khoa học, không bảo đảm độ chính xác tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế và sức khỏe có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người.

Theo nghiên cứu về thực trạng tìm kiếm thông tin sức khỏe của người dân TP Huế vào năm 2020, Internet là nguồn thông tin được người dân sử dụng nhiều nhất. Trong đó, nguồn cung cấp thông tin sức khỏe qua Internet ghi nhận bao gồm: các công cụ tìm kiếm thông thường (57,6%), mạng xã hội (34%)..., chỉ 16,5% người dân tiếp cận được với các trang thông tin sức khỏe chính thống và 2,2% đã từng sử dụng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến.

Như vậy, có thể thấy, khả năng tiếp cận thông tin chính thống về sức khỏe của người dân trên Internet còn thấp. Nhưng vì tiện, vì dễ tiếp cận nên nhiều người vẫn lựa chọn theo dõi thông tin trên “không gian ảo”. Theo quan niệm “có bệnh thì vái tứ phương”, không ít người đã tin tưởng và mù quáng làm theo những cách chữa bệnh “độc lạ” trên Internet, để lại nhiều hệ lụy khôn lường, thậm chí khiến cho bệnh tật nặng thêm.

Đứng trước “ma trận” thông tin trên Internet, bảo vệ bản thân, người dân cần hết sức tỉnh táo, phân biệt các nguồn thông tin chính thống với những thông tin không chính thống, không được kiểm chứng. Từ đó chọn lọc thông tin tiếp nhận và tìm được sự trợ giúp cần thiết khi có vấn đề về sức khỏe. Bên cạnh đó, các bệnh viện, trung tâm y tế cần đổi mới cách thức, nội dung truyền thông chăm sóc sức khỏe. Thay vì chỉ sử dụng các hình thức truyền thống như phát tờ rơi, treo băng rôn hay pa nô, các cơ sở y tế, bao gồm cả bác sĩ, cần chủ động chia sẻ thông tin chăm sóc sức khỏe qua các kênh mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok... để người dân có thêm kiến thức phòng, điều trị một số bệnh thường gặp. Nhờ vậy, các bệnh viện và trung tâm y tế không chỉ bảo vệ cộng đồng khỏi những thông tin sai lệch, thiếu căn cứ mà còn cung cấp các kiến thức y tế chính xác, kịp thời cho người dân.

Đọc thêm