Có tình trạng đối phó trong xử lý văn bản
Báo cáo về kết quả công tác, Cục trưởng Đồng Ngọc Ba cho biết, trong công tác tự kiểm tra, hàng năm Cục luôn giúp Bộ trưởng kiểm tra 100% VBQPPL do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành hoặc liên tịch ban hành. Đối với công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền, trung bình mỗi năm Cục giúp Bộ trưởng kiểm tra hơn 2.000 văn bản do các bộ, ngành, địa phương ban hành, phát hiện gần 100 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền.
Riêng năm 2016, Cục đã kiểm tra được 3.034 văn bản, phát hiện và ra thông báo/kết luận đối với 124 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền (trong đó có 36 văn bản của bộ, ngành 88 văn bản của địa phương); phát hiện 681 văn bản sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày. Còn trong tháng 1/2017, Cục đã kiểm tra theo thẩm quyền 328 văn bản, phát hiện và ra kết luận kiểm tra 8 văn bản sai về thẩm quyền, nội dung…
Theo ông Ba, mặc dù có nhiều kết quả tích cực nhưng việc thực hiện nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương xử lý văn bản trái pháp luật đã được Cục phát hiện vẫn chưa hiệu quả, chưa sâu sát, quyết liệt, dẫn đến có không ít trường hợp việc xử lý của các cơ quan, người có trách nhiệm không đúng hình thức, xử lý mang tính đối phó, không đảm bảo thời hạn, thậm chí không xử lý văn bản trái pháp luật…
Ông Ba cũng phản ánh, hiện có hơn 700 đầu mối các cơ quan, đơn vị làm công tác kiểm tra là các tổ chức pháp chế bộ, ngành, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp nhưng chưa kiểm soát được kịp thời các văn bản, khó đạt mục tiêu 100% các văn bản được ban hành thì đều được kiểm tra trước khi có hiệu lực thi hành, dẫn đến có trường hợp phát sinh hiệu lực, gây hậu quả rồi mới được phát hiện, trong khi việc xử lý kỷ luật chưa nghiêm.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng công tác kiểm tra, xử lý văn bản, lãnh đạo Cục đề xuất nhiều giải pháp, trong đó tiếp tục thực hiện các giải pháp trong Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Cục. Cạnh đó, sẽ sớm xây dựng trình Bộ trưởng ban hành Đề án tăng cường thông tin về kết quả kiểm tra, xử lý VBQPPL thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp.
Cụ thể, trước mắt sẽ “lọc” những trường hợp văn bản cần công khai chi tiết để tăng cường trách nhiệm của cơ quan ban hành, những văn bản ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh, quyền lợi hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; còn về lâu dài thì định kỳ công khai hàng tháng, hàng quý…
Tập trung hơn nữa vào phản ứng chính sách
Đại diện các đơn vị thuộc Bộ hoan nghênh những thành quả trong công tác kiểm tra, xử lý VBQPPL, đặc biệt là tỷ lệ kiểm tra văn bản theo thẩm quyền tăng 26,9%, số văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền tăng 181,8% và đưa ra nhiều kiến nghị với mong muốn thúc đẩy hiệu quả của công tác quan trọng này.
Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho rằng, cần có cơ chế tiếp nhận phản ánh thông tin, dựa pháp chế bộ, ngành, phản hồi của doanh nghiệp, báo chí, kiến nghị của các đơn vị xây dựng pháp luật thì mới có thông tin đầu vào để xử lý. Với thông tin đầu vào như vậy, phải đầu tư cho đội ngũ cộng tác viên cùng sự vào cuộc của báo chí, trước hết là phối hợp chặt chẽ với Báo Pháp luật Việt Nam và Cục Công nghệ thông tin.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Hồ Quang Huy thì đề xuất sử dụng triệt để các thiết chế, công cụ được giao nhằm khắc phục tình trạng bộ, ngành, địa phương chậm xử lý văn bản trái pháp luật. Ông Huy cũng cho rằng, việc kiểm tra văn bản đạt tỷ lệ 100% là khó, nên chăng chọn một số lĩnh vực trọng tâm như hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp về vốn, đất đai… và tăng cường kiểm tra theo chuyên đề.
Chánh Văn phòng Bộ Đỗ Đức Hiển đồng tình nên nghiên cứu thêm liệu đã sử dụng một cách sắc bén những thẩm quyền pháp luật giao cho hay chưa và cần thiết tập huấn nghiệp vụ kiểm tra cùng với nghiệp vụ xây dựng văn bản cho đội ngũ cán bộ làm các công tác này. Chia sẻ thông tin về kiểm tra văn bản luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu của báo chí tại các buổi họp báo, ông Hiển nhất trí với việc xây dựng, ban hành Đề án tăng cường thông tin theo hướng cần tập trung vào những vấn đề như phạm vi, nội dung, thời điểm, cách thức tăng cường thông tin.
Khẳng định công tác kiểm tra, xử lý văn bản là công tác góp phần tạo vai trò, vị thế của Bộ, ngành Tư pháp, song Thứ trưởng Phan Chí Hiếu quan niệm, mục tiêu của công tác này không phải là phát hiện nhiều văn bản trái pháp luật mà là qua kiểm tra phải góp phần nâng cao chất lượng hệ thống văn bản.
Nhắc lại phương châm “kịp thời, thận trọng, chính xác, dứt điểm”, Thứ trưởng cho rằng trong thời gian tới cần chú trọng kiểm tra văn bản theo nguồn thông tin, làm sao cho người dân, doanh nghiệp biết đến Cục để mà phản ánh, kiến nghị; nghiên cứu cơ chế “phúc tra” VBQPPL. Tán thành trọng tâm năm 2017 là công tác xử lý VBQPPL, Thứ trưởng yêu cầu trước hết là xử lý gần 150 văn bản còn tồn đọng, có thể báo cáo Thủ tướng đề nghị xem xét xử lý một phần hoặc toàn bộ đối với từng văn bản.
Thấu hiểu những khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý VBQPPL, nhất là bối cảnh khối lượng văn bản nhiều mà nguồn lực có hạn, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác này đối với Bộ, ngành Tư pháp và ghi nhận những thành quả đã đạt được vừa qua. Liên quan đến Đề án tăng cường thông tin, Bộ trưởng chỉ ra một số thách thức về yêu cầu công khai và lưu ý đây là nội dung cần ưu tiên, một kênh quan trọng để các bộ, ngành cộng tác cung cấp nguồn thông tin.
Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị phải xác định được lĩnh vực kiểm tra trọng tâm, trọng điểm cũng như cần tập trung hơn nữa vào phản ứng chính sách. Bộ trưởng còn chỉ đạo thiết kế thêm kênh thông tin đầu vào từ công chúng, báo chí, doanh nghiệp, luật sư và cơ chế phản hồi thông tin để làm sao đề cao trách nhiệm chủ yếu của Cục với tư cách cơ quan chuyên môn; sớm xây dựng và vận hành hết sức linh hoạt trang thông tin riêng về công tác kiểm tra, xử lý VBQPPL…