Sau khi nghe báo cáo kết quả công tác tư pháp của tỉnh Kiên Giang và các ý kiến phát biểu của các đại biểu, Thứ trưởng Lê Tiến Châu ghi nhận và biểu dương những kết quả nổi bật mà ngành Tư pháp Kiên Giang đã nỗ lực đạt được trong năm 2016. Đặc biệt là tư pháp tỉnh đã bám sát chương trình trọng tâm công tác của Bộ, ngành Tư pháp, chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời cho thấy sự cố gắng, nỗ lực và khả năng chuyên môn của cán bộ tư pháp.
Thứ trưởng đề nghị, trong thời gian tới lãnh đạo Sở Tư pháp cần phổ biến, quán triệt tới tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Sở và các cơ quan tư pháp địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ. Tăng cường và phát huy hơn nữa vai trò của Tư pháp trong việc tham mưu cho chính quyền tỉnh nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của địa phương trong các lĩnh vực.
Bên cạnh đó, rà soát, đề xuất hoàn thiện thể chế thuộc thẩm quyền của tỉnh liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp, góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra theo dõi, đôn đốc việc xử lý văn bản; xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời các văn bản đã hết hiệu lực, có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ trưởng Lê Tiến Châu cũng yêu cầu địa phương cần đẩy mạnh kiện toàn và chuẩn hóa đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch, đảm bảo 100% công chức làm công tác hộ tịch đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hộ tịch. Các cơ quan tư pháp cần chủ động tham gia sâu, ngay từ đầu với các ban, ngành của tỉnh đối với những dự án án lớn, phức tạp về mặt pháp lý. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện những sai phạm để có biện pháp uốn nắn, xử lý kịp thời; chủ động hướng dẫn nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho công tác tư pháp cấp huyện, cấp xã, đặc biệt là liên quan đến công tác hộ tịch, công chứng, chứng thực.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng lưu ý địa phương cần tăng cường công tác đối thoại với người dân và doanh nghiệp về các chủ trương, chính sách của tỉnh để tạo sự đồng thuận cao trong quá trình tổ chức thực hiện; xử lý tốt các kiến nghị của người dân và doanh nghiệp, hạn chế các khiếu kiện liên quan đến đầu tư, thương mại. Đồng thời chú trọng đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành gắn với ứng dụng triệt để công nghệ thông tin nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân và doanh nghiệp; tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Huỳnh Thanh - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Kiên Giang - cho biết, trong năm 2016 bên cạnh những thuận lợi cơ bản, Tư pháp tỉnh Kiên Giang cũng còn không ít những khó khăn, nhưng với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của UBND tỉnh cùng với sự cố gắng nỗ lực của công chức, viên chức trong toàn ngành, năm 2016 công tác tư pháp tỉnh Kiên Giang đã đạt nhiều kết quả nổi bật, hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong năm, được Bộ Tư pháp tặng danh hiệu “Cờ thi đua ngành Tư pháp” do có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua theo chuyên đề “Cơ quan tư pháp địa phương chủ động, sáng tạo, tích cực thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2016”.
Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2016, ông Huỳnh Thanh cho biết, trong năm 2017 ngành Tư pháp Kiên Giang sẽ tiếp tục triển khai có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ và hiệu quả các mặt công tác trên cơ sở bám sát các chương trình trọng tâm của Bộ, ngành và của địa phương.
Đặc biệt, quan tâm triển khai các đạo luật mới do Quốc hội ban hành để thi hành Hiến pháp năm 2013; tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới cho phù hợp với Hiến pháp; tập trung nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra VBQPPL trong đó chú trọng tới tính dự báo của các chính sách, đảm bảo tính khả thi trong việc ban hành VBQPPL để các quy định của pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, thiết lập được môi trường pháp lý bình đẳng, trong sạch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực hoạt động tư pháp và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ có hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp, pháp chế và cung cấp dịch vụ công nhanh gọn, thuận tiện cho người dân....