Cần xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng để tăng năng suất lao động

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo TS. Phạm Thu Lan, Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, mọi người lao động (NLĐ) đều quan tâm tới tiền lương và chính sách phúc lợi, đặc biệt là người có thu nhập thấp. Vì vậy, để tăng năng suất lao động từ yếu tố lao động cần xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng; tăng độ bao phủ BHXH; chính sách phúc lợi (nhà ở, trường học, bệnh viện...) tới NLĐ.
TS. Phạm Thu Lan, Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (Ảnh: VGP).
TS. Phạm Thu Lan, Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (Ảnh: VGP).

Chế độ lương, thưởng, phúc lợi thỏa đáng là động lực cho NLĐ nâng cao NSLĐ

Tham luận tại Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024”, TS. Phạm Thu Lan, Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, mọi người lao động (NLĐ) đi làm đều quan tâm tới tiền lương, đặc biệt là người có thu nhập thấp.

Thực tế đã khẳng định mối quan hệ chặt chẽ và tỉ lệ thuận giữa tiền lương, thưởng và phúc lợi với động lực làm việc, sự hài lòng và toàn tâm trong công việc. NLĐ dù muốn gắn bó nhưng cũng không thể ở lại mãi với công ty khi lương thấp. Điều này giải thích tại sao tỷ lệ nhảy việc cao, 8-12%/tháng ở các ngành đông lao động.

Trong quan hệ kinh tế, nhảy việc để tìm kiếm công việc phù hợp với kỹ năng, trình độ và phát huy tối ưu năng lực của bản thân là việc bình thường, nhưng nhảy việc chỉ thuần túy để tìm kiếm mức lương cao hơn cho một công việc tương tự lại là sự lãng phí không đáng có.

“Một doanh nghiệp (DN) có 1.000 công nhân nhưng 1 tháng 100 công nhân liên tục ra vào DN. DN này sẽ phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và nhân lực cho quảng cáo tuyển dụng, tổ chức phỏng vấn, làm thủ tục, hồ sơ, giấy tờ và đào tạo nhân viên… trong khi những chi phí này hoàn toàn có thể tiết kiệm để đầu tư cho tăng năng suất”. - TS. Phạm Thu Lan nêu ví dụ.

Cũng theo bà Lan, năng suất của các yếu tố khác đều phụ thuộc vào yếu tố lao động. NLĐ không có kỹ năng thì mong muốn đầu tư, đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại cũng trở nên vô nghĩa. Tuy nhiên, học tập cũng cần có động lực. NLĐ khi còn đang phải vướng bận kiếm bữa cơm hằng ngày cho gia đình thì học tập cho bản thân không phải là sự ưu tiên.

NLĐ không thể dành thời gian, tâm trí và sức lực cho việc học tập, chưa nói tới người có tiền lương thấp sẽ không có nguồn lực để đầu tư cho học tập cho bản thân và con cái. Thiếu học tập nâng cao trình độ, Việt Nam sẽ không thể nâng cấp chuỗi giá trị, theo kịp xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong nền kinh tế toàn cầu.

Trong gần 40 năm đổi mới, Chính phủ rất nỗ lực cải thiện tiền lương, đời sống, việc làm và thu nhập thông qua nhiều chính sách và biện pháp toàn diện. Từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá, người dân đói ăn, thiếu mặc, Việt Nam hôm nay trở thành nước có thu nhập bình quân đầu người hơn 4.000 đô la; tầng lớp trung lưu tăng nhanh, là một bước tiến mà nhiều quốc gia trên thế giới phải thán phục.

Theo bà Lan, kết quả tăng năng suất trong chặng đường đã qua là một điều đáng tự hào song tăng năng suất trong chặng đường sắp tới là một thách thức. Bởi chuyển từ một nước thu nhập thấp lên một nước thu nhập trung bình dễ hơn rất nhiều so với từ một nước thu nhập trung bình lên thu nhập cao. “Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tăng năng suất giai đoạn tới không thể dựa vào việc đi tiếp con đường đã đi mà đòi hỏi sự chuyển đổi mô hình, chuyển đổi nền kinh tế đi liền với chuyển đổi về việc làm, lực lượng lao động và kỹ năng. Để thực hiện thành công sự chuyển đổi đồng bộ này, chính sách tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi đóng vai trò vô cùng quan trọng” - bà Lan lý giải.

Đề xuất xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng

Từ những thách thức nêu trên, bà Lan cho rằng cần xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng. Đây là nội dung mà rất nhiều nước quan tâm.

Mức lương tối thiểu là sàn an sinh xã hội và là quyền cơ bản của con người. Mức lương tối thiểu thỏa đáng không chỉ đảm bảo trang trải chi phí cơ bản cần thiết cho NLĐ và gia đình như thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, quần áo, đi lại, giáo dục, quan hệ xã hội, mà còn cần một khoản dự phòng cho sự việc bất khả kháng và tiết kiệm cho tương lai.

Vì vậy, Tổ chức công đoàn mong muốn Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia trong thời gian tới nghiên cứu và xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng, tư vấn cho Chính phủ để tiền lương thực sự là động lực tăng năng suất.

Về việc này, các DN thường lo ngại tăng lương sẽ làm giảm việc làm. Tuy nhiên, bà Lan cho rằng, theo nghiên cứu của 3 nhà kinh tế học người Mỹ về tác động của lương tối thiểu tới thất nghiệp trên thế giới trong hơn 30 năm qua – nghiên cứu đạt giải Nobel năm 2021 - chứng minh rằng tăng lương tối thiểu không làm tăng thất nghiệp và cũng không loại bỏ việc làm, mà ngược lại, có nơi, tăng lương tối thiểu dẫn tới gia tăng đáng kể việc làm và đóng góp cho chính thức hóa việc làm.

Bên cạnh đó, theo bà Lan cần tăng độ bao phủ BHXH. “Hiện tại, tỷ lệ tham gia BHXH của NLĐ liên tục tăng trong những năm vừa qua, đến nay đạt hơn 38% lực lượng lao động. Tổ chức công đoàn mong muốn mục tiêu độ bao phủ BHXH đến năm 2030 đạt 60% như kế hoạch đề ra, đáp ứng mong mỏi của NLĐ” – vị TS nói.

Để tăng năng suất lao động, một vấn đề rất cần lưu ý đó là thúc đẩy bình đẳng giới về thu nhập. Theo bà Lan, hiện nay khoảng cách lương và thu nhập giữa nam và nữ đang có sự chênh lệch 10-15% tùy theo ngành và lĩnh vực. Vì vậy, cần phải bảo đảm tiền lương như nhau cho công việc có giá trị như nhau.

TS Phạm Thu Lan cũng đề xuất tới vấn đề chính sách phúc lợi như: nhà ở, trường học, bệnh viện. “Đề án 1 triệu nhà ở xã hội của Chính phủ là sự quan tâm riêng dành cho công nhân lao động. Mong muốn của NLĐ là Chính phủ đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội đi kèm với cơ sở hạ tầng về trường học, bệnh viện và các tiện tích cơ bản khác để NLĐ thu nhập thấp đạt được ước mơ sở hữu căn nhà riêng của mình trong những năm tới” – bà Lan nêu quan điểm.

Cũng theo bà Lan, Tổ chức công đoàn mong muốn Chính phủ chỉ đạo cộng đồng DN thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý về thiện chí trong thương lượng tập thể, tạo điều kiện để thành lập tổ chức công đoàn đại diện cho NLĐ trong thương lượng, đặc biệt ở khu vực DN vừa và nhỏ và khu vực hợp tác xã. Hiện nay, tỷ lệ thành lập công đoàn trong hai khu vực này chưa tới 10%.

“Ngoài ra, việc lựa chọn các nhà đầu tư tiên tiến, chất lượng, có tính tuân thủ pháp luật cao cũng sẽ đóng góp nâng cao năng suất lao động quốc gia...”, bà Lan nói.

Đọc thêm