Cần xây dựng một bản ghi Quốc ca chuẩn mực trên nền tảng số để toàn dân sử dụng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trước sự việc “Quốc ca bị đánh gậy bản quyền trên nền tảng số”, dưới góc độ pháp luật, luật sư đã đưa ra những kiến giải và đề xuất riêng nhằm ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Lào vào tối 6/12, khi theo dõi trên kênh YouTube Next Sports, công chúng không thể nghe Quốc ca Việt Nam.

Thời điểm ấy, trên màn hình trận đấu hiện dòng thông báo: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong khán giả thông cảm".

Sự việc này khiến nhiều khán giả ngỡ ngàng và phản ứng mạnh, cho rằng các đơn vị sở hữu bản ghi đang "lạm dụng" quyền sở hữu trí tuệ để ngăn chặn việc toàn dân được nghe Quốc ca Việt Nam.

Ngay sau đó Bộ VHTTDL đã lên tiếng khẳng định ca khúc "Tiến quân ca" là Quốc ca của Việt Nam, Bộ VHTTDL có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca.

Pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật.

Đại diện Bộ VHTTDL nhấn mạnh: "Bộ VHTTDL yêu cầu tất cả cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam"

Thực tế, câu chuyện này không phải xoay quanh việc “đánh gậy” hay không “đánh gậy” của đơn vị được cho là đang sở hữu bản quyền bản ghi Quốc ca. Trên mạng hiện nay có hàng ngàn bản ghi Quốc ca, của nhiều đơn vị khác nhau khai thác bản quyền. Và các đơn vị, cá nhân nếu “lấy phải” một trong các bản ghi ấy, đều có khả năng bị hạn chế sử dụng.

Chia sẻ góc nhìn về vụ việc trên cơ sở quy định về bản quyền và Luật Sở hữu trí tuệ, Luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn Luật sư TP HCM cho biết, trên thực tế, các bản ghi Quốc ca, Quốc thiều (phần nhạc không lời của Quốc ca) tồn tại nhiều trên mạng và đang có nhiều đơn vị khai thác các bản ghi này. Có hàng trăm công ty tại Việt Nam và cả nước ngoài thu âm, đăng ký sở hữu trên các nền tảng số.

Họ bỏ tiền đầu tư phần âm nhạc, hòa âm phối khí để cho ra đời bản ghi Quốc thiều mới chất lượng kĩ thuật cao hơn và mong muốn thu lại trên sự đầu tư ấy.

“Nếu theo Luật, khó mà phân định đúng sai ở đây, bởi hành vi của các đơn vị này pháp luật không cấm. Nhưng, nếu xét ở khía cạnh cái tình, thì những vụ “Quốc ca, Quốc thiều bị đánh dấu bản quyền” sẽ gây ra phản cảm, tổn thương đến người dân cũng như đi ngược lại tinh thần của nhạc sĩ và gia đình nhạc sĩ tác giả của Quốc ca và đã hiến tặng cho Nhà nước, nhân dân.

Vì thế, tôi thiết nghĩ, để tránh các sự việc như trên tiếp tục xảy ra trong tương lai, trong khuôn khổ AFF Cup 2020 cũng như các cúp bóng đá hoặc các sự kiện khác, các đơn vị cần chuẩn bị các bản ghi Tiến quân ca có bản quyền để nộp cho ban tổ chức và sử dụng trên các nền tảng số.

Đồng thời, hiện nay với tình trạng quá nhiều đơn vị sở hữu bản quyền Quốc ca, Quốc thiều như vậy, tải trên mạng về, nếu không “dính” đơn vị này thì cũng “đụng” đơn vị kia. Nên chăng, Bộ VHTTDL cần tiến hành sản xuất một bản ghi chuẩn mực, chất lượng cao cho Quốc ca, Quốc thiều Việt Nam, được đầu tư chỉn chu về hòa âm, phối khí... để toàn dân thoải mái sử dụng.

Bản ghi ấy không chỉ giải quyết được tình trạng “loạn đánh gậy” bản quyền như hiện nay, còn có thể được toàn dân sử dụng trong niềm tự hào”, Luật sư Huỳnh Phước Hiệp chia sẻ.