“Cần xem xét lại việc phân cấp trong cấp phép các dự án đầu tư FDI”

(PLO) - Chia sẻ với báo giới, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) - Bộ KH&ĐT,  cho biết ông đã rất bất ngờ về vụ việc của Formosa bởi không ai nghĩ có thể xảy ra vụ việc với mức độ lớn như thế. Theo ông, từ  vụ việc này đã đến lúc cần xem xét lại việc phân cấp trong cấp phép các dự án ĐTNN (FDI)…
Đã đến lúc cần xem xét lại việc phân cấp trong cấp phép các dự án DTNN
Đã đến lúc cần xem xét lại việc phân cấp trong cấp phép các dự án DTNN

Thưa ông, qua vụ việc Formosa vấn đề gì cần xem xét lại đối với các dự án FDI?

- Điều đáng tiếc ở đây là chúng ta đã có bài học nhưng vẫn để vụ việc nghiêm trọng này xảy ra. Đáng lẽ khi cho nhập một lượng chất độc lớn như thế thì phải có cơ chế thông tin để các Bộ, ngành liên quan biết và lên kế hoạch theo dõi, giám sát trong việc thử nghiệm, liều lượng sử dụng và vấn đề xả thải. Hải quan khi nhập khẩu phải có chuyên gia có chuyên môn đánh giá, kiểm nghiệm ban đầu. Cũng phải xem đang chạy thử nghiệm mà đã nhập lượng lớn hoá chất như vậy có hợp lý không? Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến trách nhiệm và sự liên kết giữa các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý giám sát các rủi ro đối với môi trường của các dự án lớn chứ không thể chỉ phó mặc cho địa phương, hải quan, cảnh sát môi trường hay một bên nào riêng lẻ được…

Ông có cho rằng chúng ta đã phân cấp quá mạnh trong khi năng lực địa phương còn hạn chế?

- Đúng là phải xem lại chỗ này, nhưng yếu kém là của cả hệ thống, nhất là địa phương. Quản lý thì anh nào biết anh đó, không có sự liên kết, trao đổi với nhau. Chủ trương phân cấp khi lượng vốn vào quá lớn, năng lực trung ương không đáp ứng được, tạo điều kiện thông thoáng hơn... thì việc phân cấp là đúng. Nhưng tới thời điểm này, qua sự việc Formosa và một số dự án quy mô lớn không triển khai được thì cũng phải xem lại việc phân cấp.

Xem lại ở đây không phải là rút lại toàn bộ quyền của các địa phương trong cấp phép mà phải làm sao tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành hơn. Như có thể căn cứ vào quy mô đầu tư, lĩnh vực đầu tư để phân cấp. Tôi đơn cử với những dự án cần từ 50 hecta đất hay vốn 100 triệu USD trở lên thì mới đưa lên trung ương... Nếu không phân dự án theo quy mô thì cũng phải đưa ra cách quản lý thông suốt thì khi xảy ra vấn đề mới truy được trách nhiệm. Địa phương vẫn quản nhưng phải quy về một mối quản lý cho thông suốt và tốt nhất nên có đầu mối trách nhiệm rõ ràng, cụ thể ở đây là Bộ KH&ĐT. Đồng thời cùng với đó, nên duy trì cơ chế giao ban về ĐTNN giữa các Bộ, ngành, định kỳ 3 tháng lần.

Qua vụ việc Formosa, theo tôi,  phải đi tìm căn nguyên tại sao để xảy ra sự cố này. Phải cân nhắc vấn đề lựa chọn nhà đầu tư, không phải bỏ người này, chọn người kia mà không có sự giải thích rõ ràng nào… 

Thực tế cho thấy chúng ta thu hút được nhiều dự án FDI nhưng thiệt hại về môi trường là qúa lớn. Hoặc chúng ta vẫn kêu về các dự án của nhà thầu Trung Quốc nhưng họ vẫn trúng thầu?Theo ông, đâu là lỗ hổng?

- Đúng, cái yếu của chúng ta chính là con người. Tại sao những công trình công của nhà thầu Trung Quốc  yếu kém như thế mà vẫn trúng thầu? Nếu giở hồ sơ trúng thầu ra thì đúng là không quy trách nhiệm được ai. Có một thực tế là chúng ta đang mất cân đối về đối tác đầu tư.Thống kê của Cục ĐTNN cho thấy, tính tới hết 2015 vốn FDI của Trung Quốc, Hồng  Kông, Đài Loan... (vốn có yếu tố người Hoa) lên tới 55 tỷ USD. Chưa kể việc họ đầu tư “chui”. Lựa chọn dự án đầu tư đặt ra nhiều vấn đề, nếu không chú ý sẽ gây ra hậu quả khó lường. Đã có kiến nghị với những đối  tác đang có tranh chấp về lãnh thổ thì phải có các yêu cầu, điều kiện riêng, tất nhiên phải hài hoà để phù hợp với hội nhập. ..

Một trong những vấn đề của thu hút FDI  là tính lan toả thấp, chuyển giao công nghệ vẫn còn hạn chế, tại sao lại như vậy, thưa ông?

- Định hướng thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn vẫn là chủ trương từ đầu, chỉ có điều thực thi chưa hiệu quả. Giai đoạn đầu quá thiếu các dự án, các địa phương có sự ganh đua nhau để thu hút. Nhưng đến giờ thì thấy rằng, 25 năm thu hút FDI, cái được vẫn là chính, cả về công nghệ, vốn. Như viễn thông,nếu không có FDI vào thì không thể có chuyện DN Việt Nam có thể tiếp cận được với những lĩnh vực công nghệ cao rất nhiều sản phẩm mới. Vì không có công nghệ là thất bại, họ đi đầu tư ở Việt Nam thì cũng phải đưa công nghệ “cuối cùng”, hiện đại vào thì mới cạnh tranh được. 

Cái chúng ta để sót là vấn đề số lượng lớn các dự án hàm lượng công nghệ thấp, thiết bị nhập khẩu, chất lượng công nghệ chưa cao vẫn “lọt” qua. Phải nói thẳng,vẫn đến từ Trung Quốc và một số nước khác, chứ không phải các nước phát triển, dùng địa bàn Việt Nam như bàn đạp để sản xuất. 

Cuối cùng, vẫn là sơ hở trong quản lý. Quản lý  nhà nước ở mặt vĩ mô phải có tầm nhìn và phải biết lắng nghe tất cả các ý kiến ở các cấp độ khác nhau. Chúng ta phải nhìn thấy các tình huống có thể xảy ra để cân bằng các đối tác, không “bỏ trứng vào một giỏ”… 

Vậy theo ông  vấn đề đặt ra với Việt Nam liên quan đến thu hút FDI là gì?

- Theo tôi, trước hết cần phải bảo đảm các điều kiện, quy định của pháp luật hiện hành về ĐTNN được thực hiện một cách nghiêm khắc trên thực tế. Bên cạnh đó, chúng ta nên phải rà soát lại toàn bộ quy định về giám sát đầu tư cũng như trong công tác thực thi. Sau rà soát, nếu các dự án đầu tư có tác động hoặc nguy cơ tác động lớn đến môi trường lớn và cho thấy rõ các DN đó có vi phạm thì hoàn toàn có thể tạm dừng, dừng hoặc thậm chí rút giấy phép. Đó cũng là hành động thể hiện tính nghiêm minh của hệ thống pháp luật và cho thấy cũng đến giai đoạn chúng ta phải nói “không” với những dự án có nguy cơ cao về rủi ro môi trường…

Xin cám ơn ông!

Đọc thêm