Chất lượng văn bản pháp luật được nâng lên
Trình bày Báo cáo về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội năm 2018 của Chính Phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, từ Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua 13 luật. Tính từ tháng 8/2017 đến tháng 8/2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 204 văn bản (94 nghị định, 7 nghị quyết, 97 thông tư, 6 thông tư liên tịch).
Cũng theo Bộ trưởng Lê Thành Long, công tác kiểm soát chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật nói chung, văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh nói riêng tiếp tục được các bộ, cơ quan ngang bộ quan tâm, có sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác soạn thảo, góp ý, thẩm định, kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra văn bản. Các thủ tục hành chính trong văn bản quy định chi tiết được rà soát, cân nhắc kỹ, đảm bảo chất lượng, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Nội dung cơ bản phù hợp với chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, đảm bảo tính hợp Hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận, công tác triển khai, thi hành luật, pháp lệnh trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Công tác rà soát pháp luật, pháp lệnh, để lập danh mục văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh còn chậm. Tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết cơ bản được khắc phục nhưng chưa triệt để (đến nay vẫn nợ 12 văn bản)...
Đồng tình với báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, trong 5 năm kể từ khi Hiến pháp 2013 ban hành, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để thực hiện Hiến pháp. Nhiều luật cơ bản đã ban hành kịp thời nhưng lại xuất hiện thêm những vấn đề phải sửa đổi sau khi ban hành Hiến pháp. Chất lượng văn bản luật được nâng lên, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến Quốc hội và có những buổi họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật, coi công tác xây dựng thể chế là trọng tâm. Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, năm 2017 qua kiểm tra đã phát hiện hơn 5600 văn bản trái pháp luật, điều đó cũng nói lên sự hạn chế của một số bộ ngành địa phương.
Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, qua tiếp nhận ý kiến cử tri, thấy rằng rất nhiều ý kiến cử tri mong muốn sửa đổi những luật còn vướng mắc khi thực hiện. Ngay sau nhận được ý kiến, bà đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tư pháp và đều được tiếp nhận và xử lý nhanh, cử tri rất hài lòng. “Cử tri đánh giá cao sự sát sao của Bộ Tư pháp”, bà Hải nói.
Lo lắng tính ổn định của hệ thống pháp luật
Thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, số văn bản quy định chi tiết nợ chưa ban hành vẫn còn 12/152 văn bản. Ngay trong số các văn bản quy định chi tiết đã được ban hành thì số văn bản được ban hành để có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của luật mới chỉ đạt 90/138 văn bản (chiếm 65,2%). “Đây là vấn đề Chính phủ cần chỉ đạo các bộ rút kinh nghiệm, có giải pháp để khắc phục....Trách nhiệm của các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trước việc kết quả ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn chưa đạt được như mong muốn. Những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện vẫn kéo dài trong nhiều năm qua.”- ông Định chỉ rõ.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, chất lượng ban hành luật vẫn còn hạn chế, trong khi nhiều báo cáo tác động sơ sài, hình thức nên khi thẩm tra khó khăn và vỡ trận. “Đại đa số thẩm định của Bộ Tư pháp là chất lượng, nhưng vai trò các ngành khác thì có 1 số bộ quan tâm, một số bộ chưa quan tâm, bộ trưởng ủy quyền cho thứ trưởng, thứ trưởng ủy quyền cho vụ trưởng, vụ trưởng ủy quyền cho phó vụ trưởng, có nơi còn ủy quyền cho vài chuyên viên. Cho nên cảm thấy chính sách như của chuyên viên, làm cho chất lượng một số chính sách chưa đảm bảo”, bà Nga nói
Về hệ thống pháp luật của nước ta, theo bà Nga còn thiếu ổn định, thay đổi liên tục, nhiều khi cầm luật này không biết sẽ ảnh hưởng đến luật nào và phải sửa luật nào. “Không ổn định của hệ thống pháp luật làm ảnh hưởng đến nhà đầu tư. Trong khi các bộ ngành cứ làm gì vướng là đề nghị cho sửa luật và Chính phủ cũng dễ dãi cho sửa”, bà Nga nêu thực tế.
Cũng lo ngại về vấn đề trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, chúng ta sửa nhiều luật quá, dẫn đến phá vỡ một số luật. “Đơn cử như Luật Giáo dục, vấn đề một luật tác động đến nhiều luật khác. Chỉ có Luật Giáo dục thôi mà liên quan đến thuế, chính sách tiền tiền tệ, cho vay, miễn giảm… chỉ thiếu luật hình sự trong đó thôi”, ông Hiển dẫn chứng và cho biết ông rất lo lắng vì đây là thực tế đang diễn ra sự phối hợp của các “nhạc trưởng” (Bộ trưởng – pv) của chúng ta không đảm bảo. Mỗi bộ, ngành đề xuất một dự án luật đều đưa ra những cái có lợi cho điều hành, chỉ đạo cho bộ ngành đó nhưng không nhìn tổng thể chung.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Trọng Việt đề nghị, khi làm luật cần chú trọng lựa chọn cán bộ có Tâm, chống tư tưởng nọ kia. Tránh việc khi Chính phủ đã thông qua ra Thường vụ rồi mà có đến 3-4 thứ trưởng quan điểm khác nhau, có những ý kiến ngược hẳn với ý kiến của Chính phủ.
Cần siết chặt tính nghiêm minh
Trước thực trạng có quá nhiều văn bản luật ban hành trái pháp luật, Trưởng Ban Dân nguyện Lê Thanh Hải cho biết, cử tri rất băn khoăn và mong muốn cần đánh giá hậu quả, tác hại của việc ban hành văn bản trái pháp luật gây ra như thế nào; từ đó, xem xét trách nhiệm của cán bộ công chức soạn thảo, thẩm định ban hành văn bản. “Ví dụ như 1 văn bản luật ban hành gây ảnh hưởng đến 5, 10 hoặc 100 thậm chí 1.000 người dân thì phải bồi thường như thế nào? Tôi nghĩ nếu ta làm quyết liệt vấn đề này trong thời gian tới thì tình hình ban hành văn bản trái pháp luật sẽ tốt hơn”, Trưởng ban Dân nguyện nói và cho biết, tới đây trong Báo cáo Kiến nghị cử tri, bà sẽ đưa vấn đề này, nêu những cơ quan tổ chức, địa phương nào ban hành nhiều nhất văn bản trái pháp luật.
Cùng quan điểm, Phó Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho rằng luật ban hành nhiều nhưng việc triển khai thực hiện, hiệu lực hiệu quả như thế nào trong cuộc sống ra sao là điều mà cử tri quan tâm. Do đó, việc đưa ra thảo luận báo cáo của Chính phủ đáp ứng được mong mỏi đó của cử tri và nhân dân.
“Thường vụ Quốc hội có nhiều Nghị quyết rất nghiêm, trong đó có yêu cầu xem xét trách nhiệm người đứng đầu, nhưng lâu nay ta làm được chưa? Nhiều luật chuẩn bị chưa tốt, thậm chí như ý kiến phát biểu là “dồn” cho cơ quan thẩm tra thì xem xét trách nhiệm Bộ trưởng liên quan thế nào. Nếu siết chặt thì tình hình sẽ tốt hơn”, ông Nguyễn Thái Học nói và cho biết thực trạng có một số cán bộ lãnh đạo của chính quyền không gương mẫu chấp hành pháp luật vẫn diễn ra. Nhiều nơi bị kiện về hành chính nhưng lãnh đạo không đến tòa dự, có bản án rồi nhưng không chịu thi hành, tính đến nay theo thống kê còn 151 bản án.
“Luật pháp ban hành dù đúng hay sai nhưng dân không chấp hành thì bị xử lý, nhưng bản án của tòa có hiệu lực mà cán bộ lãnh đạo không thực hiện vậy có công bằng hay không? cán bộ thực thi không gương mẫu chấp hành thì sao có thể bắt dân thực hiện”, ông Học đặt vấn đề.