Canada bắt “công chúa” Huawei Trung Quốc theo yêu cầu của Mỹ: Chuyện “tay ba” rắc rối

(PLO) - Trong những ngày vừa qua, giữa Mỹ, Trung Quốc và Canada sôi động chuyện Giám đốc tài chính của tập đoàn công nghệ viễn thông Trung Quốc Huawei là bà Mạnh Vãn Chu bị Canada bắt giữ khi đi quá cảnh ở thành phố Vancouver của Canada. 
Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu (phải).

Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ và Mỹ cũng đã yêu cầu Canada dẫn độ người phụ nữ này sang Mỹ. Tòa án Canada chưa đáp ứng yêu cầu này của Mỹ và đã cho bà Mạnh Vãn Chu được tại ngoại với nhiều đều kiện và nộp khoản tiền nhiều triệu USD.

Trên thực tế, bà Mạnh Vãn Chu đang bị giam lỏng và quản thúc ở Canada. Người này rồi đây có bị dẫn độ sang Mỹ hay không hiện là câu hỏi chưa thể có được câu trả lời chắc chắn.

Mỹ cáo buộc bà Mạnh Vãn Chu khi lãnh đạo một công ty con của tập đoàn Huawei đóng trụ sở ở Hồng Công đã cung cấp thiết bị điện tử của công ty của Mỹ cho Iran.

Mỹ thực hiện những biện pháp trừng phạt và cấm vận Iran, đồng thời trừng phạt cả những nước khác và công ty nước ngoài tiếp tục hợp tác kinh doanh với Iran. Cơ quan tình báo, an ninh và mật vụ của Mỹ đã đưa bà Mạnh Vãn Chu vào tầm ngắm từ nhiều năm nay. 

Việc Canada tiếp tay cho Mỹ trong chuyện này có lý do ở nhu cầu tranh thủ Mỹ và do chịu sức ép của Mỹ, nhưng cũng còn có nguyên do ở cùng quan điểm với Mỹ và một số nước phương Tây khác về ngăn cản bằng mọi giá sự trỗi dậy và vươn lên của Trung Quốc về khoa học, kỹ thuật và công nghệ hiện đại.

Trung Quốc không giấu diếm ý định đầy tham vọng ấy khi đưa ra kế hoạch “Made in China 2025”. Mục tiêu của kế hoạch này là đưa Trung Quốc lên dẫn đầu thế giới về kỹ thuật hiện đại và công nghệ cao, đặc biệt trên những lĩnh vực quyết định và quan trọng nhất đối với thế giới trong thế kỷ 21. 

Hình minh họa

Huawei là một trong những biểu tượng của công nghệ cao và kỹ thuật hiện đại cho Trung Quốc trên thế giới. Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Anh và một vài nước công nghiệp phát triển khác nữa ở châu Âu còn cho rằng Huawei giúp chính phủ Trung Quốc hoạt động tình báo, gián điệp. Các nước này vì thế đã có hình thức tẩy chay Huawei và ngăn cản Huawei tiếp cận, chinh phục thị trường của họ. 

Giữa Mỹ và Trung Quốc hiện vẫn dai dẳng cuộc xung khắc thương mại mà cả cuộc gặp vừa rồi giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Argentina bên lề hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm G20 cũng chưa giúp xử lý ổn thoả và dứt điểm được. Việc Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu khiến cho mối quan hệ giữa ba nước này với nhau thêm rắc rối.

Canada vừa muốn làm hài lòng Mỹ lại vừa không thể không e ngại những đòn đáp trả của Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, chuyện này vào thời điểm hiện tại đặc biệt nhạy cảm về mọi phương diện và buộc Trung Quốc vừa phải mạnh tay và kiên quyết và phải khôn khéo và kiềm chế.

Không chỉ là thể diện quốc gia mà Trung Quốc phải bảo vệ mà còn là chuyện tiền lệ mà Trung Quốc phải ngăn chặn. Trung Quốc biết rằng phải xử lý quan hệ với Mỹ mới là giải quyết vụ việc tận gốc rễ, nhưng trước mắt cần phải dằn mặt Canada để tạo ra từ đó tác động cảnh báo Mỹ và răn đe tất cả những đối tác khác như Canada trong chuyện này. 

Việc cơ quan an ninh Trung Quốc bắt giữ công dân Canada Michael Kovrig và cả việc một công dân Canada khác nữa là doanh nhân Michael Spavor bị coi là mất tích ở Trung Quốc đều có liên quan đến vụ việc này và nhiều khả năng nếu Trung Quốc không làm mạnh tay và quyết liệt đến thế đối với Canada thì tòa án ở Canada đã đáp ứng yêu cầu của Mỹ cho dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu sang Mỹ chứ không để cho người phụ nữ này được nộp tiền để tại ngoại. Cả đối với Canada lẫn đối với Mỹ, Trung Quốc chưa để lộ diện hết mọi con chủ bài.

Dù vậy vẫn đã có thể dự liệu được rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước phương Tây sẽ trở nên phức tạp và gay cấn hơn nữa trong thời gian tới. Chuyện tay ba rắc rối sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cả tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới.

Vấn đề cốt lõi ở đây không phải Iran hay xung khắc thương mại song phương, không phải tập đoàn Huawei hay cá nhân bà Mạnh Vãn Chu mà là cuộc cạnh tranh chiến lược ngày càng thêm quyết liệt và không khoan nhượng giữa Mỹ và các đồng minh của Mỹ với Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu làm việc trong lĩnh vực công nghệ nhạy cảm của Trung Quốc được cảnh báo không đến Mỹ nếu không cần thiết sau vụ Canada bắt bà Mạnh Vãn Chu. Nhân viên tại một cơ quan nghiên cứu Trung Quốc còn nhận được thông báo nội bộ rằng nếu đã tới Mỹ, họ nên xóa các thông tin nhạy cảm khỏi điện thoại hay máy tính cá nhân, nguồn tin cho biết thêm.

Hồi tháng trước, Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh ra lệnh hủy việc cấp thị thực nhập cảnh nhiều lần trong 10 năm đối với một số nhà nghiên cứu chuyên về quan hệ Mỹ - Trung tại các tổ chức trực thuộc chính phủ mà không cung cấp bất kỳ giải thích nào.

Trong khi đó, hôm 7/12, hãng công nghệ Mỹ Cisco cũng gửi email tới các nhân viên, yêu cầu họ hủy những chuyến công tác không cần thiết tới Trung Quốc vì lo ngại các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ có thể bị nhà chức trách Trung Quốc bắt để trả đũa vụ bắt Mạnh Vãn Chu.

Đọc thêm