Càng khó, càng phải nghĩ, phải làm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đó là tinh thần đáng biểu dương của các doanh nhân trong bối cảnh dịch bệnh tác động nặng nề tới nền kinh tế. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, các doanh nghiệp, doanh nhân đã đổi mới, sáng tạo để chung sống an toàn và vươn lên trong “bão” COVID-19.
Các doanh nghiệp vượt khó trong bối cảnh dịch bệnh tác động nặng nề tới nền kinh tế.
Các doanh nghiệp vượt khó trong bối cảnh dịch bệnh tác động nặng nề tới nền kinh tế.

Chấp nhận bớt lợi nhuận

Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đã có những tiêu cực và ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh tế - xã hội. Nhưng trong mọi tình huống, doanh nghiệp (DN) và doanh nhân Việt Nam vẫn vươn lên với tất cả khả năng của mình.

Trao đổi với PLVN, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc May 10 cho biết, với đặc thù DN có đông lao động nữ, với trên 12.000 công nhân, nhà máy trải dài ở 7 tỉnh, thành phố nên việc bảo vệ sức khỏe và giữ “nồi cơm” cho lao động luôn là vấn đề khiến lãnh đạo May 10 trăn trở.

Bên cạnh đó, mối lo đứt gẫy chuỗi cung ứng, kết nối giao thương với bạn hàng ở hàng chục quốc gia trên thế giới cũng khiến những doanh nhân như ông Việt phải bạc tóc vì cần tính toán thiệt, hơn trong bối cảnh dịch dã hoành hành suốt gần 700 ngày qua.

Vì thế, suốt gần 2 năm liền, lãnh đạo May 10 luôn khẳng định với nhau là không bao giờ bỏ cuộc, phải “chiến đấu” trong mọi hoàn cảnh vì thương hiệu DN, vì những người lao động (NLĐ) đã nhiều năm gắn bó.

“Chúng tôi quyết không “ngủ đông”, không đóng cửa nhà xưởng! Chúng tôi lấy đặc thù của DN phải sử dụng nhiều lao động kiểu “nhà đông con” để tự tạo áp lực cho mình mà cố gắng lo đủ việc làm cho NLĐ”, Tổng Giám đốc Thân Đức Việt nói và cho biết, gần hai năm qua, DN của ông chưa nghỉ ngày nào, chưa giảm lương của bất kỳ ai.

Những quyết định sáng suốt trong lúc khó khăn đã thể hiện quyết tâm của lãnh đạo DN cũng như tinh thần trách nhiệm của người doanh nhân đối xã hội, đối với những người làm công ăn lương…

Được biết, năm nay, DN may này dự kiến trả thu nhập cho người lao động cao hơn dù doanh thu, lợi nhuận của Công ty có giảm. “Chúng tôi xác định doanh nghiệp bớt lợi nhuận để tăng lương, giữ chân NLĐ. Đây là lúc mình cần chia sớt”, ông Việt nói.

Thực tế cho thấy, một DN như May 10 không chỉ đảm bảo sức khỏe người lao động, duy trì sản xuất kinh doanh, trụ vững trước những làn sóng dịch bệnh COVID-19 mà còn chia sẻ với cộng đồng với hàng tỷ đồng tiền mặt cho các hoạt động phòng chống dịch và quỹ vắc xin.

Quyết định trúng và đúng

Không như ngành hàng may mặc, Công ty Hoàng Anh Maca (HAM) sản xuất, kinh doanh một mặt hàng khá xa xỉ (hạt maca), đã thực sự thấy “ngấm đòn”, bởi trong tình thế dịch bệnh khó khăn, hầu như người dân đều thắt lưng buộc bụng, hạt maca không có đầu ra.

Bà Nguyễn Thanh Huyền - Giám đốc Marketing HAM chia sẻ: “Tôi thấy may mắn vì thu mua xong hết sản phẩm cho bà con trong vùng nguyên liệu thì mới bùng dịch. Dù sao bà con cũng chỉ biết trông mong vào mỗi vụ thu hoạch này, còn DN thì vẫn có thể nghĩ cách khác để xoay xở”.

Điều nữ doanh nhân kinh doanh mặt hàng nông sản nói cũng có điểm chung với CEO của May 10 - đó là trách nhiệm với cộng đồng xã hội, dù lợi nhuận là điều DN và doanh nhân luôn quan tâm hàng đầu.

Giám đốc Huyền nói: “Không thể bán hàng, giao hàng trong mùa dịch làm hàng hóa tồn ứ trong kho, gây nhiều khó khăn cho DN, trong khi công nhân vẫn cần phải sinh sống và làm việc mỗi ngày - là điều khiến những người làm DN như chúng tôi luôn thấy canh cánh trong lòng…”.

Để lo cho DN và “dìu” được người lao động trước tình thế chưa từng đối diện, HAM đã quyết định tìm thêm hướng đi mới đó là tận dụng vùng nguyên liệu sẵn có của cao nguyên Lâm Đồng để mở rộng chế biến một số nông sản như măng, nấm hương, hồ tiêu... tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Những lúc khó khăn, đòi hỏi DN cần phải đưa ra những quyết định, và họ sẽ trở thành doanh nhân thành công khi quyết định đó đúng và trúng. Theo bà Huyền chia sẻ, mặt hàng maca có đặc thù khó khăn trong bảo quản nên cần có công nghệ sấy lạnh. HAM đã chấp nhận rủi ro, quyết định sử dụng ngay công nghệ sấy lạnh để thử nghiệm cho cả các sản phẩm măng, nấm hương, hồ tiêu nguyên chùm… trong điều kiện dịch bệnh vô cùng khó khăn.

“Sản phẩm của chúng tôi làm theo công nghệ mới đầu tư khiến một DN chuyên xuất hàng sang thị trường Nhật rất hứng thú. Họ nghe qua về sản phẩm và muốn đặt hàng luôn, nhưng chúng tôi không kịp thu mua nguyên liệu. Đây rõ ràng là gợi ý về một hướng đi mới mà HAM chắc chắn sẽ theo đuôi, bên cạnh sản phẩm maca truyền thống”, bà Huyền thông tin.

Lúc này, hoạt động sản xuất kinh doanh đang dần được khôi phục, những chuyến xe chở các mặt hàng nông sản mang thương hiệu HAM đã lăn bánh… Chuỗi sản xuất của May 10 cũng như các DN khác trong ngành may cũng dần trở lại. Sự thích ứng, linh hoạt để hồi phục sản xuất kinh doanh trước tiên bắt đầu từ chính cộng đồng DN, từ những doanh nhân có trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm… có vậy, chúng ta mới có thế sống chung an toàn với dịch bệnh COVID-19 theo đúng nghĩa.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm