Căng thẳng diễn ra khi hai miền Triều Tiên đang ở trong trạng thái hòa giải hiếm hoi ở Olympic mùa Đông PyeongChang 2018, đã khiến dư luận cho rằng cần phải có một cách ứng xử mang tính đột phá về vấn đề CHDCND Triều Tiên.
Tiếp tục chính sách "gây sức ép tối đa"
Ngày 24/2/2018, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục chiến dịch gây sức ép tối đa đối với CHDCND Triều Tiên để buộc Bình Nhưỡng ngừng chương trình vũ khí hạt nhân, bất chấp "bầu không khí hòa giải" đang tăng lên giữa hai miền Triều Tiên. Bà Sarah Sanders nêu rõ các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với CHDCND Triều Tiên là "mạnh mẽ nhất" và Washington sẽ tiếp tục hình thức này.
Trước đó, ngày 23/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp đặt những biện pháp trừng phạt mới "lớn nhất từ trước tới nay" nhằm vào CHDCND Triều Tiên, đồng thời bày tỏ hy vọng các biện pháp này sẽ mang lại kết quả tích cực. Tổng thống Trump cũng cảnh báo nếu biện pháp này không hiệu quả, Mỹ sẽ chuyển sang "giai đoạn hai" có thể sẽ "rất, rất đáng tiếc cho thế giới".
Bộ Tài chính Mỹ cho biết các biện pháp này sẽ nhằm vào 27 công ty thương mại và vận tải đường biển, 28 tàu thuyền và 1 cá nhân bị tình nghi giúp CHDCND Triều Tiên "lách" các biện pháp trừng phạt hiện hành. Những công ty và thực thể này có đăng ký hoặc đóng trụ sở tại những nước như CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc, Singapore, Tanzania và Panama.
Tài sản và lợi ích của các công ty và thực thể này cũng bị phong tỏa trên lãnh thổ Mỹ hoặc trong quyền kiểm soát quốc gia của Mỹ; mọi hoạt động giao dịch giữa các bên cũng bị phong tỏa.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết các biện pháp này nhằm ngăn cản các hoạt động vận tải đường biển và kinh doanh của các công ty này, qua đó cô lập hơn nữa CHDCND Triều Tiên. Theo ông Mnuchin, Tổng thống Mỹ muốn cảnh báo rằng những công ty trên thế giới nếu chọn hỗ trợ tài chính để phục vụ tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, sẽ không được phép kinh doanh với Mỹ.
Cũng trong ngày 23/2, Mỹ đã đề xuất bổ sung vào danh sách đen một loạt thực thể của CHDCND Triều Tiên trong khuôn khổ những lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) - một động thái mà Washington cho biết là "nhằm mục tiêu chấm dứt những hoạt động buôn lậu bằng đường biển của CHDCND Triều Tiên để có được dầu lửa và bán than".
Trước diễn biến này, ngày 25/2, CHDCND Triều Tiên đã cáo buộc chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump làm gia tăng nguy cơ chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên thông qua việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng bất chấp những cải thiện gần đây trong quan hệ liên Triều. Trong một tuyên bố bằng tiếng Anh do Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải, một người phát ngôn giấu tên của Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên nhấn mạnh mọi hình thức "phong tỏa" mà Mỹ áp đặt với CHDCND Triều Tiên sẽ bị coi là hành động chiến tranh.
Tuyên bố nêu rõ Mỹ đang mang "một đám mây đen đối đầu và chiến tranh nữa" đến Bán đảo Triều Tiên bằng việc công bố các biện pháp trừng phạt mới trên diện rộng đối với CHDCND Triều Tiên. Tuyên bố cũng khẳng định CHDCND Triều Tiên sở hữu các vũ khí hạt nhân có thể đối phó với các đe dọa của Washington, đồng thời cho rằng Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm về "tất cả những hậu quả thảm khốc" khi bán đảo Triều Tiên bị đẩy đến "miệng hố chiến tranh" do cách hành xử bất chấp của nước này.
Trong khi đó, từ Moskva, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov kêu gọi tiến hành các cuộc đối thoại trực tiếp giữa Mỹ và Nga về vấn đề CHDCND Triều Tiên. Ông cũng nhắc lại việc Moskva đã gửi lời mời đối thoại đến ông Joseph Yun, Đại diện đặc biệt của Mỹ về chính sách Triều Tiên, song cho biết thời điểm đối thoại vẫn đang được thảo luận. Nhà ngoại giao Nga đồng thời nhắc lại lời kêu gọi đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Cần cách ứng xử mang tính đột phá
Một thực tế là kể từ năm 1993 đến nay, dường như vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên được mặc định nằm trong quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên. Thông qua những biện pháp răn đe quân sự, điển hình là các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời kết hợp với việc thúc đẩy những nghị quyết trừng phạt của HĐBA LHQ, Washington luôn muốn Bình Nhưỡng phải chấm dứt chương trình tên lửa và hạt nhân như một điều kiện tiên quyết để đối thoại.
Tuy nhiên, CHDCND Triều Tiên đến nay luôn khẳng định chương trình hạt nhân của nước này là vấn đề "không thể thương lượng".
|
Đội tuyển Olympic Hàn Quốc-Triều Tiên diễu hành dưới lá cờ chung tại lễ khai mạc Olympic |
Tính đến nay, Mỹ đã áp đặt hơn 450 biện pháp trừng phạt CHDCND Triều Tiên, với khoảng một nửa số trong đó được áp dụng trong năm 2017. Tuy nhiên những gì xảy ra trong những năm qua cho thấy, mỗi lần vòng quay các cuộc đấu khẩu, các cuộc tập trận, các vụ thử hạt nhân hay phóng tên lửa và các biện pháp trừng phạt của HĐBA LHQ cũng như của Mỹ diễn ra là một lần bán đảo Triều Tiên lại tiến sát hơn tới bờ vực chiến tranh.
Đối với Washington, Chính quyền Tổng thống Trump coi vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là mối đe dọa hiện hữu và chỉ có việc hoàn tất giải trừ vũ khí hạt nhân và loại trừ các chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng mới khiến Washington "thở phào".
Với mối bất đồng sâu sắc thúc đẩy cuộc khủng hoảng như vậy, Washington sẵn sàng tăng cường chiến dịch gây “sức ép tối đa” và nếu các lệnh trừng phạt được thực thi ở mức độ tối đa, CHDCND Triều Tiên sẽ bị gây sức ép từ mọi phía và thậm chí sẽ phản kháng mạnh mẽ hơn. Chính vì vậy, căng thẳng hiện nay chỉ có thể hạ nhiệt khi Mỹ và CHDCND Triều Tiên chấp nhận nhượng bộ.
Theo nguồn tin từ Phủ tổng thống Hàn Quốc, trưởng phái đoàn cấp cao Triều Tiên sang tham dự lễ bế mạc Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 tại Hàn Quốc Kim Yong-chol ngày 25/2 tuyên bố với Tổng thống nước chủ nhà Moon Jae-in rằng Triều Tiên sẵn sàng tiến hành đàm phán với Mỹ. Chỉ ít giờ sau khi Bình Nhưỡng bày tỏ thiện chí, Mỹ đã khẳng định mục tiêu phi hạt nhân hóa trong mọi đối thoại với CHDCND Triều Tiên.
Phát biểu với báo giới, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nêu rõ sẽ có một "con đường tươi sáng hơn" sẵn sàng chờ đón CHDCND Triều Tiên nếu nước này lựa chọn việc phi hạt nhân hóa. Theo Nhà Trắng, đây là mục tiêu mà cả Mỹ, Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế đều nhất trí, và mọi động thái gây sức ép mạnh nhất đối với quốc gia này cần được duy trì cho đến khi Bình Nhưỡng thực hiện cam kết trên.
Theo bà Sanders, phi hạt nhân hóa là trọng tâm của mọi cuộc đối thoại và CHDCND Triều Tiên cần thể hiện thiện chí sẵn sàng bàn thảo vấn đề này trước khi tiến hành các cuộc đàm phán. Tuyên bố của Nhà Trắng đồng thời cho biết chính phủ Mỹ sẽ đợi liệu thông điệp của Bình Nhưỡng (sẵn sàng đối thoại) có thể hiện bước đi đầu tiên hướng tới việc phi hạt nhân hóa.
Cùng quan điểm trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Justin Higgins trong trả lời phỏng vấn hãng tin Yonhap cho biết Washington đang liên hệ chặt chẽ với Hàn Quốc để có phản ứng thống nhất với CHDCND Triều Tiên. Vị quan chức này cũng viện dẫn tuyên bố của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in rằng sự cải thiện quan hệ liên Triều không thể tiến triển tách biệt với mục tiêu giải quyết chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên các chuyên gia phân tích cho rằng yêu cầu Bình Nhưỡng nhượng bộ vô điều kiện là điều hết sức khó khăn bởi nước này đang sở hữu vũ khí hạt nhân. Để có thể phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, nhiệm vụ đầu tiên là làm sao để CHDCND Triều Tiên tự nguyện chấm dứt chương trình hạt nhân chứ không phải bằng mọi cách yêu cầu tiêu hủy số vũ khí nước này đang có.
Không ít lần Chính phủ CHDCND Triều Tiên đã chấp nhận ngừng chương trình hạt nhân với điều kiện được bảo đảm bằng một hiệp ước hòa bình với Mỹ. Và sở dĩ cũng ngần ấy lần Mỹ khước từ điều kiện của CHDCND Triều Tiên là bởi Washington vẫn hy vọng vào “trò chơi cân não” với Bình Nhưỡng.
Dù khẩu khí và các biện pháp trừng phạt có cứng rắn đến đâu thì chính quyền Tổng thống Mỹ Trump cũng thừa hiểu rằng khó có thể phát động một cuộc chiến tranh nhằm vào CHDCND Triều Tiên. Trong khi đó, căn cứ vào tương quan lực lượng giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên, việc Mỹ chấp nhận nhượng bộ rõ ràng có tính khả thi hơn. Tất nhiên, để Tổng thống Trump nhượng bộ là điều không hề đơn giản và cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng quốc tế.
Các nhà phân tích cho rằng, nếu không có cách ứng xử mang tính đột phá, sẵn sàng chấp nhận một tư duy mới của các bên thì việc giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên sẽ vẫn trở nên nan giải.