Căng thẳng ở Vùng Vịnh: Anh thúc giục Iran thả tàu bị bắt giữ

(PLVN) - Giới chức Anh ngày 20/7 đã lên tiếng kêu gọi Iran giảm căng thẳng ở vùng Vịnh bằng cách thả con tàu mang cờ Anh mà phía Anh cho rằng đã bị Iran bắt giữ bất hợp pháp ở vùng biển Oman.
Tàu Stena Impero
Tàu Stena Impero

Theo AFP, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran ngày 19/7 tuyên bố đã bắt giữ một tàu chở dầu treo cờ Anh Stena Impero ở Eo biển Hormuz với lý do tàu này đã vi phạm các quy định quốc tế về hàng hải.

Theo tin tức do phía Iran công bố, tàu Stena Impero sau đó đã được lai dắt vào cảng Bandar Abbas và bàn giao cho nhà chức trách để điều tra về cáo buộc đã không hồi đáp với các cuộc gọi gặp nạn và tắt bộ tiếp sóng sau khi va chạm với một tàu cá. 23 thành viên thuỷ thủ đoàn trên tàu, gồm 18 người Ấn Độ, 3 người Nga, 1 người Latvia và 1 người Philippines, đang ở tại cảng Bandar Abbas cho đến khi việc điều tra hoàn tất.

Vụ việc xảy ra vài giờ sau khi Tòa án tối cao ở Gibraltar, Anh ra phán quyết kéo dài thêm việc giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran đã bị bắt giữ 2 tuần trước với cáo buộc tàu này buôn lậu dầu đến Syria, tức vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu thêm 30 ngày nữa. 

Về phía Anh, giới chức Anh cho biết Iran đã bắt giữ 2 tàu ở vùng Vịnh, trong đó có 1 tàu được đăng ký tại Anh. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đã lên tiếng cảnh báo về “những hậu quả nghiêm trọng” nếu vấn đề không được giải quyết nhanh chóng.

Phát biểu sau cuộc họp của Chính phủ Anh về vụ việc vào tối 20/7, Ngoại trưởng Anh cho rằng đây là vụ việc không thể chấp nhận đồng thời tuyên bố sẽ có các biện pháp để đảm bảo việc lưu thông an toàn của tàu bè Anh qua khu vực.

Theo ông Hunt, vụ bắt giữ tàu Stena Impero là vi phạm luật pháp quốc tế bởi tàu này bị bắt khi đang ở vùng lãnh hải của Oman. Bộ Ngoại giao Anh hối thúc phía Iran lập tức thả tàu Stena Impero. Tuy nhiên, phía Anh cũng tái khẳng định mong muốn giảm căng thẳng.

Sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif, ông Hunt cho hay, phía Iran tuyên bố vụ bắt giữ tàu Anh là hành động “ăn miếng trả miếng” nhằm đối phó với động thái của Anh. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Iran Zarif tuyên bố các hành động của nước này ở vịnh Persian là nhằm duy trì các quy tắc hàng hải quốc tế. “Iran đảm bảo an ninh cho vịnh Persian và Eo biển Hormuz”, ông Zarif tuyên bố.

Vụ việc mới nhất xảy ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19/7 khẳng định rằng quân đội Mỹ đã hạ một máy bay không người lái Iran khi máy bay này đe dọa một tàu hải quân Mỹ ở Eo biển Hormuz, bất chấp việc Tehran phản bác thông tin này. Sau động thái bắt tàu của Iran, ông Trump đã lên tiếng cảnh báo sẽ đáp trả, khiến Iran phải “trả giá chưa từng có” nếu Tehran tiếp tục có hành động khiêu khích.

Trong khi đó, Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ trong một thông báo ngày 20/7 cho biết Mỹ đang xây dựng một chiến dịch quân sự mang tên Sentinel (Người bảo vệ) nhằm tăng cường giám sát và an ninh trên các tuyến đường thủy quan trọng ở Trung Đông để đảm bảo tự do hàng hải trước các sự việc gần đây ở khu vực. Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ trong một tuyên bố riêng rẽ cũng cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng đã phê duyệt việc triển khai các nhân sự và nguồn lực của Mỹ tới Ả rập Xê-út. 

Về phía dư luận quốc tế, Liên minh châu Âu (EU) trong một tuyên bố ngày 20/7 bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến mới tại Eo biển Horrmuz, cho rằng vụ việc Iran bắt tàu của Anh tiềm ẩn nguy cơ khiến tình hình xấu thêm đồng thời hủy hoại các nỗ lực nhằm tìm kiếm một giải pháp cho căng thẳng ở khu vực. Đức và Pháp cũng đã lên tiếng kêu gọi Iran thả tàu chở dầu, trong đó Đức cho rằng vụ việc có thể khiến tình hình vốn đã căng thẳng thêm nguy hiểm. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về khả năng đối đầu giữa Mỹ và Iran.