Cảnh báo bệnh đau mắt đỏ mùa mưa bão

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, trong đó hay gặp nhất là bệnh đau mắt.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bệnh mắt dễ bùng phát trong và sau lũ 10 ngày

Nói về nguyên nhân dễ mắc bệnh đau mắt vào mùa lũ, bác sĩ Hoàng Cương - Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: Những ngày qua, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung ngập trong biển nước do mưa lớn. Cùng với đó là độ dốc địa hình lớn khiến rửa trôi rất nhiều chất bẩn của môi trường. Nước ngập làm lắng đọng và hòa tan các chất độc hại, chất gây kích ứng và dị ứng... Vì thế, các bệnh lý liên quan đến nước bẩn trong đó có bệnh mắt sẽ dễ dàng bùng phát trong lũ và sau lũ 10 ngày.

"Môi trường vùng nước ngập hay trong bão lũ có độ ẩm gần như tuyệt đối, nhiệt độ môi trường từ 20 - 30 độ C khiến các vi sinh vật gây bệnh cho mắt sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn, gây bệnh nhiều hơn, trong khi đó nước bẩn sẽ là môi trường lan truyền bệnh dễ dàng nhất. Do vậy phòng ngừa bệnh mắt luôn phải đi kèm vệ sinh mắt với vệ sinh môi trường", bác sĩ Cương thông tin.

Viêm kết mạc và mắt hột đặc biệt sẽ gia tăng ở cộng đồng thiếu nước sạch. Ngoài ra, mưa lụt có thể gây bệnh viêm hắc võng mạc hoại tử do ký sinh trùng mang tên Toxoplasma Gondii - rất dễ lây truyền qua nước bẩn. Lứa tuổi dễ mắc các bệnh mắt thuộc 2 nhóm yếu và nhạy cảm là trẻ em dưới 15 tuổi và người lớn trên 65 tuổi.

Viêm kết mạc nguy hiểm như thế nào?

Trên thực tế, viêm kết giác mạc vẫn là bệnh phổ biến nhất trong mùa bão lũ. Viêm nhiễm bề mặt nhãn cầu do virus nhóm Adeno thuộc loại thường gặp, viêm nặng và có thể gây tai biến mù lòa. Theo bác sĩ Cương: "Không có thuốc đặc trị cho virus này, chỉ có thể điều trị bổ trợ và thực hiện các biện pháp vệ sinh nhằm ngăn chặn bệnh lan tràn".

Viêm kết mạc hai mắt là dạng phổ biến nhất của viêm kết mạc do adeno virus gây ra. Bệnh biểu hiện đột ngột bằng đỏ mắt, ra gỉ mắt nhiều, thường kèm theo đau họng.

Dạng viêm nhiễm nặng nhất do adenovirus. Bệnh luôn kèm theo đỏ mắt và có thể có giả mạc. Các biểu hiện khác là hơi sợ sáng, sưng phù kết mạc, xuất huyết nhẹ dưới kết mạc. Mắt còn lại cũng bị bệnh, thường sẽ xảy ra sau 4-5 ngày kể từ ngày khởi phát, biểu hiện nhẹ nhàng hơn so với mắt thứ nhất do cơ thể đã bắt đầu có miễn dịch chống lại virus. Sự lây truyền thường xảy ra ở những quần thể nhỏ, có sự tiếp xúc gần giữa các cá nhân. Virus rất dễ lây lan và không có phương pháp điều trị đặc hiệu.

"Nhiễm virus có thể tự kiềm chế nhưng cũng có khi lan tràn gây suy đa phủ tạng trên những bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Adenovirus từ lâu đã được biết đến là nguyên nhân gây viêm kết mạc hàng đầu, tỷ lệ bệnh viêm nhiễm liên gia đình được xác định là khoảng 10-50%, virus lây lan qua tay nhiễm bệnh, giấy, khăn, bể bơi, thuốc và dụng cụ y tế nhiễm bẩn cũng có thể qua giọt bắn từ mũi qua hắt hơi. Bất cứ gì mà bệnh nhân chạm vào cũng có thể là nguồn lây tiềm tàng", chuyên gia Bệnh viện Mắt trung ương nhận định.

Viêm kết mạc trên trẻ em

Viêm kết mạc trên trẻ em thường nặng do miễn dịch tại chỗ của trẻ còn non yếu, các mô mềm quanh mắt của trẻ lỏng lẻo nên dễ bị phản ứng sưng phù trầm trọng. Cha mẹ hay đưa trẻ đi khám vì thấy mắt sưng như quả nhót, đỏ mắt, ra nhiều rỉ mắt, khó mở to để khám xét hay tra thuốc. Với trẻ nhũ nhi bệnh hay kèm với việc xuất hiện giả mạc hay chảy máu mắt, đặt vấn đề phải khám loại trừ viêm nhiễm do bạch hầu, cầu khuẩn(não mô cầu, phế cầu).

Điều trị viêm kết mạc trên trẻ em phức tạp hơn, kéo dài hơn người lớn, đòi hỏi công sức của giới chuyên môn lẫn cha mẹ trẻ. Trẻ có thể phải đến viện để bóc giả mạc vài lần. Các biến chứng có thể gặp là trầy xước giác mạc, viêm loét giác mạc gây sẹo và loạn thị sau này, phản ứng màng bồ đào...

Viêm kết mạc vẫn là bệnh lành tính, chữa được, ít có biến chứng và di chứng. Tuy nhiên biến chứng và di chứng vẫn xảy ra hàng ngày( khoảng 10-15%). Với trẻ em cần đặc biệt lưu ý vì trẻ không biết nói, quấy khóc khiến cho việc tra nhỏ thuốc và khám mắt chi tiết gặp khó khăn.

Bác sĩ lưu ý những diễn biến nặng của bệnh phải luôn cân nhắc: Suy dinh dưỡng, miễn dịch kém, đang mắc viêm hô hấp hoặc bệnh tai mũi họng, tiêm chủng chưa đủ, diễn biến tại mắt trở nặng bất thường (sợ sáng, quấy khóc, sưng nề phát triển nhanh, ánh mắt mờ đục, có mủ ở lòng đen...) cần chuyển đến chuyên khoa Mắt chuyên về bệnh trẻ em điều trị sớm.

Một số khuyến cáo phòng bệnh đau mắt đỏ

Bác sĩ Hoàng Cương cho biết, trong suốt hơn 2 năm COVID-19, người dân hầu như không mắc đau mắt đỏ, do quy trình vệ sinh cá nhân được đảm bảo, sát trùng và đeo khẩu trang thường xuyên. Tuy nhiên, khi dịch bệnh đi qua, hàng loạt các bệnh như: Sốt xuất huyết, chân tay miệng, đau mắt đỏ đã quay trở lại.

Để phòng bệnh đau mắt đỏ khi không có dịch, người dân cần:

- Luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.

- Dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt.

- Giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày.

- Không dùng tay dụi mắt.

Ngoài việc luôn thực hiện các biện pháp trên, cần lưu ý thực hiện thêm các biện pháp sau:

- Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

- Rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối.

- Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt.

- Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt.

- Hạn chế đến những nơi đông người đặc biệt là những nơi có nhiều mầm bệnh

- Hạn chế sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm, hạn chế đi bơi.

Đọc thêm