Cảnh báo các mối nguy với sinh vật biển

(PLVN) - Các sinh vật biển trên hành tinh đang đối diện với nhiều nguy cơ: Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển, khai thác quá mức. Điều này đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực của nhân loại, với dân số toàn cầu tiếp tục tăng nhanh và theo dự báo sẽ lên đến 11 tỷ người vào năm 2100.
Ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành một vấn đề lớn nhất của đại dương
Ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành một vấn đề lớn nhất của đại dương

Mới đây, trong khuôn khổ hội nghị mang tên Future Oceans 2 tại châu Âu, 600 nhà khoa học từ 48 quốc gia đã trao đổi với nhau về những tác động của biến đổi khí hậu lên các đại dương và các sinh vật biển.

Không chỉ có nhiệt độ tăng lên, nước ở các đại dương còn bị axít hóa, tức hiện tượng giảm nồng độ pH do hấp thụ khí CO2 mà con người thải ra ngày càng nhiều. Trong vòng vài thập niên qua, nồng độ pH đã giảm đi 0,1 đơn vị. Theo dự báo từ đây đến cuối thế kỷ này, nồng độ này sẽ giảm 0,2 hoặc 0,3 đơn vị. Và như vậy sự sụt giảm của khối lượng sinh vật biển là tùy thuộc vào lượng khí phát thải gây hiệu ứng lồng kính.

Tại hội nghị, các nhà khoa học cũng quan tâm tới tác động của biến đổi khí hậu đến vấn đề di cư của các loài cá. Theo các nhà khoa học, các vùng phân bổ các loài cá hiện thay đổi rất nhanh chóng và như vậy các tàu cá cũng phải thích ứng với tình hình mới này để bảo đảm nguồn cung cấp hải sản cho nhân loại. Nhưng  trong tương lai chúng ta sẽ còn đủ tôm cá để ăn nữa không?

Nhiều loài cá nguy cơ biến mất

Do tác động của biến đổi khí hậu, nhiều loài sinh vật biển có thể sẽ biến mất, theo một trong công trình nghiên cứu của hai nhà khoa học người Anh được đăng trên một tạp chí chuyên môn Philosophical Transactions of The Royal Society B ngày 17/6/2019.

Do nhiệt độ của Trái đất nóng lên vì biến đổi khí hậu, nồng độ  ôxy trong nước biển đang giảm đi. Theo nhà khoa học John Spicer, đồng tác giả của công trình nghiên cứu nói trên, trong vòng 50 năm qua, nồng độ ôxy trong nước biển của các đại dương đã giảm đi khoảng từ 2 - 5%.

Do tình trạng thiếu ôxy, những loài sinh vật biển có kích thước lớn sẽ gặp những vấn đề về hô hấp trầm trọng hơn so với các loài nhỏ. Cho nên, nhiều loài cá có kích thước lớn như cá tuyết chấm đen (haddock), cá moruy chấm đen (cabillaud), món ăn quen thuộc của nhiều người, đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Theo ông Spicer, nếu không thích ứng được, nhiều loài không xương sống sẽ sụt giảm kích thước, hoặc có nguy cơ tuyệt chủng, và điều này sẽ có tác động rất tiêu cực đến các hệ sinh thái mà chúng là một thành phần.

Trước đó, trong một công trình nghiên cứu quốc tế được đăng tải trên tạp chí của Mỹ PNAS ngày 11/6/2019, các nhà nghiên cứu cũng báo động là khoảng 17% khối lượng sinh vật biển (loài cá, loài không xuơng sống, loài có vú) có thể biến mất từ đây đến năm 2100, nếu lượng khí CO2 vẫn được phát thải với mức độ như hiện nay.

Trước khi đưa ra lời cảnh báo nói trên, 35 nhà nghiên cứu từ bốn châu lục đã sử dụng nhiều mô hình khác nhau để tính toán và thẩm định tác hại của biến đổi khí hậu lên các nguồn hải sản trên hành tinh.

Tại Paris vào năm 2015, các quốc gia đã cam kết kìm giữ mức tăng nhiệt độ của trái đất dưới 2°C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp. Nhưng lượng khí phát thải gây hiệu ứng lồng kính trong năm 2018 lại tăng lên mức kỷ lục, khiến giới chuyên gia lo ngại là mức tăng nhiệt độ sẽ lên tới 4°C, nếu lượng khí CO2 vẫn được phát thải với mức độ như hiện nay.

Trong trường hợp đó, lượng sinh vật biển sẽ sụt giảm 17% từ đây đến 2100. Còn nếu nhân loại kiềm giữ được mức tăng nhiệt độ dưới 2°C, mức sụt giảm này sẽ chỉ ở mức 5%.

Nhưng các nhà nghiên cứu nói trên nhấn mạnh, cho dù với bất cứ kịch bản nào, khối lượng sinh vật biển cũng sẽ sụt giảm do tác động của việc tăng nhiệt độ trên trái đất. Nói chung, nhiệt độ tăng lên 1oC, các đại dương lại mất 5% lượng sinh vật biển.

Theo công trình nghiên cứu, sự sụt giảm này rõ nét hơn tại những vùng ôn đới và nhiệt đới, nơi mà con người phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn hải sản và đã làm hao hụt rất nhiều các nguồn này, do khai thác quá mức. Ngược lại, tại các vùng biển của hai cực, các nguồn hải sản có thể tăng lên, nhất là ở Nam Cực, mở ra những cơ hội khai thác mới, nhưng cũng sẽ đặt ra nhiều vấn đề về quản lý và bảo tồn môi trường biển.

Mặt khác, tác động của biến đổi khí hậu càng lớn đối với những loài càng ở trên cao của chuỗi thực phẩm (chaine alimentaire), tức là các loài cá và các loài có vú. Các tác giả của công trình nghiên cứu nhấn mạnh: “Tương lai của hệ sinh thái biển tùy thuộc phần lớn vào biến đổi khí hậu, cho nên con người phải xem xét lại các biện pháp bảo tồn tính đa dạng sinh học và quản lý việc đánh bắt cá”.  

Ô nhiễm rác thải nhựa ở các đại dương

Nghiên cứu nói trên chưa tính đến những tác động khác lên sinh vật biển ở các đại dương, nhất là việc khai thác quá mức và ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa.

Ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành một vấn đề lớn của thế giới, nhất là kể từ khi Trung Quốc và các nước khác cấm nhập rác thải nhựa từ những quốc gia khác, khiến nhiều nước, trong đó có Nhật Bản, gặp tình trạng ứ đọng ngày càng nhiều rác thải nhựa.

Một trong những điều gây lo ngại nhất đó là các hạt nhựa cực nhỏ, rất khó thu dọn. Những hạt này hấp thụ những hóa chất nguy hiểm, rồi tích tụ trong cơ thể các loài cá, chim và các sinh vật khác.

Có một tin vui là ngày 16/6 vừa qua, sau cuộc họp giữa các bộ trưởng Môi trường ở Tokyo, các quốc gia thuộc nhóm G20 đã đạt được thỏa thuận về việc cắt giảm khối lượng rác thải nhựa trong môi trường biển. Đây là thỏa thuận đầu  tiên về giảm rác thải nhựa ở các đại dương. Theo báo chí Nhật, các biện pháp giảm rác thải nhựa sẽ mang tính tự nguyện và các tiến bộ sẽ được công bố mỗi năm một lần.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ là các quốc gia nhóm G20 sẽ thực hiện cam kết nói trên bằng cách nào. Mặt khác, hiện chỉ có khoảng 9% sản phẩm nhựa là được tái chế, cho nên các nhà hoạt động bảo vệ môi trường cho rằng giải pháp duy nhất là các nước trên thế giới phải sản xuất ít sản phẩm nhựa hơn và người tiêu dùng sử dụng ít túi nhựa hơn.

Một tin vui khác là đầu tháng 5/2019, các ngư dân đánh bắt cá ở ngoài khơi nước Ý đã tham gia vào một cuộc thử nghiệm tái xử lý rác thải nhựa mà họ vớt lên cùng với tôm cá. Cuộc thử nghiệm ban đầu dự kiến chỉ diễn ra một tháng, nhưng cuối cùng đã được kéo dài cho đến hết mùa hè. Nếu thành công, thử nghiệm này sẽ được mở rộng ra toàn nước Ý và có thể sang các nước khác.

Cho tới nay, các ngư dân khi vớt rác thải nhựa lên thì thường là họ ném trở lại rác đó xuống biển, vì nếu chở rác đó về đất liền thì họ có thể  bị truy tố vì tội vận chuyển rác trái phép. Một nghiên cứu gần đây cho thấy là vùng Địa Trung Hải hiện có từ 1000 - 3000 tấn rác thải nhựa trôi trên mặt nước, chưa kể những gì nằm dưới đáy biển.

Là một vùng biển gần như kín, bao quanh là những vùng có mật độ dân số cao,  Địa Trung Hải tính bình quân tích tụ nhiều rác  thải nhựa nhất thế giới, với 250 tỷ hạt nhựa. Theo các thẩm định, 80% rác trên biển là đến từ đất liền, chỉ có 20% là rác thải ra từ các tàu cá.

Nếu tính tỉ lệ rác thải nhựa theo đầu người, Nhật hiện giờ là nước thải nhiều rác nhựa thứ hai trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ.  Chính phủ Nhật vừa thông báo tới đây khách hàng sẽ phải trả tiền khi dùng túi ni lông dùng một lần trong các siêu thị.

Cho tới nay, loại túi này vẫn được các siêu thị phát không cho khách hàng. Thông báo của chính phủ ngay khi mới được đưa ra đã gây nhiều tranh cãi trên các mạng xã hội. Tại các siêu thị, cửa hàng, biện pháp mới của chính phủ cũng khiến nhiều người bàn tán.

Trước đó, đầu năm 2018, Ủy ban châu Âu đã từng gióng tiếng chuông báo động: “ Nếu chúng ta không làm gì cả, đến năm 2050, trong các đại dương sẽ có nhiều rác thải nhựa hơn là cá ”. Để tránh thảm họa đó, Ủy ban châu Âu đã đề nghị cấm sử dụng ống hút, chén dĩa nhựa và bông gòn ngoáy lỗ tai, 3/10 sản phẩm được tìm thấy nhiều nhất trên các bãi biển.

Theo lời ông Stéphane Arditi, một quan chức Văn phòng Môi trường châu Âu, có nhiều ống hút không được thu nhặt hết, không được tái chế, vẫn nằm trên các bãi biển và sau đó bị nước cuốn trôi ra đại dương.  

Tuy nhiên, hiện giờ châu Âu chưa thể cấm các chai nhựa. Ủy ban châu Âu đề nghị một hình thức tái sử dụng giống như đối với chai thủy tinh.