Cảnh báo 'mùa' kiến ba khoang: Vết cắn nhỏ cũng có thể biến chứng nặng

Kiến ba khoang là loại côn trùng nguy hiểm và độc tố trong kiến ba khoang mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ, khi bị kiến ba khoang đốt nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nặng.
Gần đây, số ca nhập viện do kiến ba khoang đốt tại BV Da liễu Trung ương tăng mạnh khiến nhiều người lo lắng. 

Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis, thuộc họ Staphilinidae (cánh cụt), bộ Cánh cứng. Đây là loài côn trùng có thân mình thon, dài như hạt thóc (dài 1-1,2cm, ngang 2-3mm). Thân mình thường có màu vàng đỏ nhìn giống con kiến lửa.

ảnh 1 

Kiến ba khoang loại côn trùng nguy hiểm có hình dạng giống kiến lửa

Kiến ba khoang đốt nguy hiểm như thế nào?

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn. Ngay cả khi kiến không đốt người thì chất độc trong cơ thể kiến giải phóng ra khi bị tác động, chà xát hoặc bị giết có thể làm tổn thương da người như bỏng da, viêm da.

Vị trí kiến ba khoang đốt thường ở vùng hở như: cổ, mặt, cánh tay, cẳng tay, cẳng chân, đôi khi cũng thấy ở thân vùng kín do kiến bám vào quần áo, khi mặc chúng tiếp xúc trực tiếp vào da. Tùy vào vị trí tiếp xúc mà có thể bị một hay nhiều tổn thương cùng lúc, bị đối xứng, bị nhiều nơi khác nhau trên cơ thể.

ảnh 2 

Tổn thương của da do kiến ba khoang cắn

Khi tiếp xúc với độc tố của kiến ba khoang, trong vòng 24 giờ đầu, bạn sẽ thấy xung quanh vùng da bị đốt sưng và ngứa nghiêm trọng. Sau 2-3 ngày, các vùng da tiếp xúc sẽ đỏ dần và sưng phình ra, đồng thời xuất hiện các mụn nước nhỏ như mụn nước khi bị phỏng. Sau đó mụn nước sẽ vỡ ra và tụ lại tạo thành dạng vết thương như vết bỏng.

Tính chất của thương tổn là những ban đỏ, mụn nước, mụn mủ, chợt loét nông trên da cũng giống như viêm da do ấu trùng bướm nhưng ở cấp độ nặng hơn, có thể bị nhiều tổn thương trên da.

Rất nhiều người khi thấy kiến ba khoang thường lấy tay đập, vô hình trung lượng chất độc là pederin trong loại kiến này khi tiếp xúc với da sẽ lan nhanh và rộng hơn làm cho vùng da bị tổn thương lớn.

Dễ xảy ra biến chứng nếu điều trị sai

Theo thông tin trên Soha, ghi nhận Bệnh viện Da liễu Trung ương, thời gian gần đây số lượng bệnh nhân tới khám do bị kiến ba khoang đốt tăng cao "đột biến". Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khám từ 15-20 ca bệnh/ngày.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay đa phần các trường hợp bệnh nhân bị kiến ba khoang đốt chỉ đến viện khi có tổn thương nặng, bội nhiễm và nhiều biến chứng.

Đã có trường hợp bệnh nhân bị kiến ba khoang đốt ở mặt tự đắp thuốc tại nhà điều trị. Sau đó, bệnh nhân này bị tổn thương loét thành sẹo thâm và xấu trên mặt.

ảnh 3 

Khi bị kiến ba khoang đốt nhiều người dễ nhầm lẫn là bệnh zona, giời leo nên tự ý điều trị

"Những biến chứng do bị kiến ba khoang đốt là do bệnh nhân thường không đi khám chuyên khoa da liễu. Phần lớn bệnh nhân tự ra hiệu thuốc mua về điều trị. Tới khi bị tổn thương nặng, bội nhiễm và nhiều biến chứng mới tới viện khám".

Còn theo Ths.BS Nguyễn Thùy Linh, Phó trưởng khoa điều trị da Phụ nữ và Trẻ em (Bệnh viện Da liễu Trung ương), viêm da tiếp xúc kiến ba khoang (côn trùng) khác so với bệnh zona. Một loại là do độc tố còn zona là virus nên việc chẩn đoán điều trị là khác nhau.

Triệu chứng tổn thương do kiến ba khoang gây ra thường xuất hiện đột ngột và xuất hiện ở những vùng da hở như: cổ, mặt, tay, chân... người bệnh thường có cảm giác bỏng rát, sưng nhẹ, kèm theo nhiều mụn nhỏ thành vệt dài.

Biến chứng nguy hiểm cần lưu ý

Theo bác sĩ Thành biến chứng do kiến ba khoang đốt sẽ tùy thuộc vào vị trí kiến đốt. Nếu kiến đốt ở trên cơ thể, tay chân thì cần lưu ý có thể gây ra biến chứng loét, sẹo xấu, sẹo thâm.

Kiến đốt ở bộ phận sinh có thể gây ra loét tổn thương bộ phận sinh dục nếu không được điều trị đúng cách.

Bị đốt hoặc dịch tiết của kiến dính tại mắt có thể gây ra phù nề, tổn thương giác mạc, ảnh hưởng thị giác.

Bác sĩ Thành cũng khuyến cáo cần lưu ý khi bị kiến đốt và tiếp xúc dịch tiết của kiến ba khoang, phải nhanh chóng rửa chất tiết bằng nước sạch, xà phòng dịu nhẹ.

Nhanh chóng đến cơ sở có bác sỹ chuyên khoa da liễu để khám, chẩn đoán chính xác và điều trị đúng. Tuyệt đối không nên tự ý bôi đắp thuốc.

Giáo dục trẻ nhỏ, và các thành viên khi thấy côn trùng (bướm, kiến ba khoang) nên dùng chổi, hoặc đeo găng tay... để xua đuôi côn trùng. Không nên tiếp xúc trực tiếp với côn trùng. Chăn màn nên làm sạch kiểm tra xem côn trùng có bị rơi vào không. Buổi tối nên đóng cửa, mua lưới chắn côn trùng để hạn chế kiến ba khoang vào nhà.

Xử lý thế nào khi bị dính độc của kiến ba khoang

Theo thông tin trên báo Dân trí, mọi người nên dự phòng sẵn cồn 70 độ (hoặc cồn 90 độ), mỡ Gentrison (corticoid), mỡ Phenaegan để xử trí khi bị kiến ba khoang đốt.

Khi thấy rát da do tiếp xúc chất độc kiến ba khoang, cần nhanh chóng rửa sạch vùng rát bằng cồn, sẽ giảm đáng kể tình trạng nổi bọng nước do nọc độc của loài kiến này mang lại.

Thấm khô vết thương, tiếp đó bôi thuốc corticoid ngày từ 4-6 lần và bôi mỡ Phenaegan ngày từ 8-10 lần xen kẽ nhau.

Cần lưu ý, vì sợ đau nên nhiều người chỉ bôi thuốc và để đấy. Trong khi đó, cần phải bôi và miết mạnh ở vùng bị đốt đến khi nào thuốc khô thì sự thẩm thấu của thuốc sẽ tốt hơn, sẽ giảm triệu chứng ngứa, đau và giảm nguy cơ gây viêm.

Đọc thêm