Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dịch bệnh trong nước có nhiều diễn biến phức tạp: Bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng tiếp tục ghi nhận số mắc cao, các ca sốt phát ban nghi sởi tuy đã chững nhưng vẫn tiềm ẩn khả năng tăng trở lại.
Trong đó, các gia đình cần đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch. Khi đưa con đi tiêm, phụ huynh cần chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe hiện tại của con mình (như trẻ đang bị ốm, đang dùng thuốc, tiền sử dị ứng; có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, phát ban, sưng nề vùng tiêm) cho cán bộ y tế. Sau tiêm, cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra. Tiếp tục theo dõi trẻ thường xuyên tại nhà trong vòng 1-2 ngày sau tiêm để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe…
Ngoài thực hiện tốt tiêm chủng, người dân cần thực hiện rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Đồng thời chú ý thực hiện tốt vệ sinh ăn uống như ăn chín, uống chín…
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân cần ngăn ngừa được tác nhân gây bệnh là muỗi và lăng quăng/bọ gậy. Khi bị sốt xuất huyết đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.