Cảnh báo số ca COVID-19 tăng trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến cuối ngày 10/4, trong 24 tiếng đồng hồ, toàn quốc ghi nhận 114 ca nhiễm SARS-CoV-2.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong đó, có 113 ca ghi nhận tại 14 tỉnh thành, nhiều nhất tại Hà Nội (59 ca), Lào Cai (21 ca), Thái Nguyên (5 ca), Quảng Ninh (5 ca), Hải Phòng (5 ca), Ninh Bình (5 ca), Tuyên Quang (3 ca), Yên Bái (2 ca), Hưng Yên (2 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (2 ca), Cao Bằng (1 ca), Hòa Bình (1 ca), Phú Thọ (1 ca), Nghệ An (1 ca) và 1 ca nhập cảnh ghi nhận tại Hà Nội.

Tuần đầu tháng 4, cả nước ghi nhận 212 ca mắc, tăng 2,1 lần so với tuần trước đó và không có ca tử vong, số mắc trung bình 7 ngày là 30 ca/ngày.

Riêng tại Hà Nội, trong tuần đầu của tháng 4 ghi nhận 67 ca mắc, số mắc tăng 44 trường hợp so với tuần trước. Cộng dồn năm 2023, Hà Nội ghi nhận 263 ca mắc. Hiện tại, trên cả nước đang có 8 ca đang thở oxy.

Riêng tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), ngày 11/4, các bác sĩ đang điều trị cho 75 ca mắc COVID-19, trong đó có 5 ca thở máy, 10 ca sử dụng oxy kính. Số ca mắc COVID-19 nhập viện cũng gia tăng so với đầu tháng 3 vừa qua.

Đại diện CDC Hà Nội cho biết, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn TP trong tuần qua tăng so với tuần trước, vì vậy cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình dịch để xử lý kịp thời, có hiệu quả; đồng thời tiếp tục triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 cho các nhóm đối tượng gồm: Trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và người từ 18 tuổi trở lên có chỉ định tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các chuyên gia nhận định, số ca COVID-19 gia tăng do miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại virus phát triển, trong đó có virus SARS-CoV-2.

Bên cạnh đó, còn do tâm lý chủ quan trong phòng bệnh, không sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng, không khử khuẩn tay thường xuyên khiến bệnh lây lan. Mặt khác, do tỉ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 giảm mạnh, đáp ứng miễn dịch trong cộng đồng giảm, khiến số ca COVID-19 gia tăng.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân phải chú ý các vấn đề dự phòng như đeo khẩu trang ở nơi nguy cơ cao, nơi công cộng, phải rửa tay khử khuẩn thường xuyên, hạn chế thấp nhất việc tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ...

Những người có triệu chứng nghi ngờ thì cần chủ động phòng bệnh cho người khác. Các nhóm đối tượng cần tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Trả lời báo chí, ông Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, lý giải số ca tăng có thể do miễn dịch của người sau tiêm vaccine hoặc từng nhiễm đã giảm. Ngoài ra, thời tiết giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, trong khi nhiều người lơ là không đeo khẩu trang nên lây nhiễm bệnh.

"Virus chưa mất đi mà vẫn tồn tại và lây lan trong cộng đồng", ông Phu nói và thêm rằng số ca nhiễm thực tế cao hơn số được Bộ Y tế công bố. Lý do là nhiều người có triệu chứng COVID-19 nhưng không xét nghiệm, hoặc tự test dương tính nhưng tự điều trị ở nhà.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong 7 ngày gần đây thế giới ghi nhận hơn 438 nghìn ca mắc COVID-19 và gần 3,3 nghìn trường hợp tử vong. Ngày 10/4, Mỹ chính thức chấm dứt tình trạng khẩn cấp vì COVID-19, trong khi WHO đang xem xét khả năng kết thúc trên toàn cầu.

Hiện Việt Nam vẫn áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo chiến lược của WHO là 2K (khẩu trang, khử khuẩn) và vaccine. Tuy nhiên, hôm 28/3, WHO điều chỉnh chiến lược, khuyến nghị trẻ em, thanh thiếu niên khỏe mạnh không nhất thiết tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường.

Trong bối cảnh này, ông Phu cho rằng dịch vẫn như làn sóng, giảm rồi lại tăng. Bộ Y tế cần đánh giá chính xác nguy cơ, phối hợp với WHO để có phương hướng công bố dịch bệnh phù hợp tình hình. Đồng thời, chiến lược tiêm vaccine COVID-19 cũng cần được nghiên cứu, theo hướng bảo vệ nhóm nguy cơ, tức là người già, người bệnh nền, người suy giảm miễn dịch nên tiêm vaccine đầy đủ.

Đọc thêm