Cảnh báo sớm phòng vệ thương mại để giữ lợi thế cho xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) đang là hướng đi được áp dụng để giữ lợi thế cho hàng hóa Việt trong tình thế các vụ việc PVTM gia tăng mạnh mẽ ở nhiều thị trường.
Mật ong đã bị áp thuế PVTM với mức rất cao dù kim ngạch XK không đáng kể. (Ảnh minh họa - Nguồn ảnh: Báo Gia Lai)
Mật ong đã bị áp thuế PVTM với mức rất cao dù kim ngạch XK không đáng kể. (Ảnh minh họa - Nguồn ảnh: Báo Gia Lai)

Các vụ việc PVTM liên tục gia tăng

Theo báo cáo của Cục PVTM (Bộ Công Thương), tính đến nay, hàng xuất khẩu (XK) của Việt Nam đã phải đối mặt với 235 vụ việc điều tra PVTM từ 24 thị trường. Trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (129 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (47 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp PVTM (34 vụ việc) và chống trợ cấp (24 vụ việc). Các mặt hàng bị điều tra tương đối đa dạng, từ mặt hàng có kim ngạch XK lớn như tủ gỗ, gỗ dán, pin năng lượng mặt trời, tôm, cá tra - basa, máy xịt rửa áp lực cao… đến các mặt hàng có kim ngạch nhỏ hơn như đệm mút, máy cắt cỏ, giấy bọc thuốc lá, mật ong…

Bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) nhận định, số lượng các vụ việc PVTM trong vài năm trở lại đây tăng nhanh hơn nhiều so với giai đoạn trước đây. Tính đến hiện nay, có tới gần 40 mặt hàng đã bị kiện PVTM. Đáng chú ý, từ năm 2017 đến nay số lượng vụ việc PVTM mà hàng hóa XK Việt Nam phải đối mặt ở các thị trường nước ngoài chiếm tới trên 52% tổng số vụ việc PVTM đã đối mặt trong hơn 30 năm qua.

Chưa kể, các thị trường thực hiện các biện pháp PVTM cũng mở rộng hơn. Hiện đã có tổng số 24 thị trường đã từng kiện PVTM đối với hàng hóa xuất xứ Việt Nam, bao gồm cả những thị trường mới của Việt Nam với số vụ việc PVTM cũng chiếm tỷ lệ rất lớn (ngoài các thị trường XK trọng điểm). Trong tổng số 235 vụ việc tính đến thời điểm hiện tại thì thị trường Hoa Kỳ chiếm 23% số vụ việc, Ấn Độ chiếm 14%, Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 10%, sau đó là Canada, EU, Philippines, Indonesia.

Ông Vũ Văn Phụ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Nhôm Việt Nam cho biết, hiện nay đang là thời kỳ Việt Nam hội nhập rất sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, nên việc sử dụng biện pháp PVTM cũng là phù hợp theo thông lệ quốc tế. Nhưng từ đầu năm đến nay, ngành nhôm đã liên tục đối mặt với 4 vụ việc PVTM khiến các DN Việt Nam chịu rất nhiều áp lực, đặc biệt là khi ngành nhôm Việt Nam còn non trẻ, kinh nghiệm ứng phó và tham gia các vụ việc PVTM vẫn còn rất ít, kinh nghiệm hạn chế.

Cảnh báo sớm thất bại cũng là một… thành công

Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương) cho rằng, việc áp dụng các biện pháp PVTM là thường xuyên trong trao đổi thương mại toàn cầu. Vấn đề là khi kim ngạch XK của Việt Nam tăng và tăng với tốc độ rất nhanh, thì câu hỏi đặt ra, là cần phải xác định việc xử lý và hỗ trợ DN ứng phó các cuộc điều tra PVTM như thế nào cho có trọng tâm, trọng điểm và hỗ trợ đúng những ngành hàng XK sang những thị trường có nguy cơ cao. Do đó, Cục PVTM sẽ phải quan sát, theo dõi toàn bộ hoạt động trao đổi thương mại giữa các nước trên thế giới xem đã phát sinh những vụ việc điều tra PVTM nào với những ngành hàng nào.

Trên cơ sở đó, cùng với hệ thống cảnh báo sớm, Cục PVTM sẽ thu hẹp phạm vi và đánh giá xem trong số những mặt hàng, sản phẩm đã bị điều tra và áp dụng biện pháp PVTM thì những mặt hàng cần theo dõi có đang tăng trưởng nhanh, có kim ngạch lớn và có thị phần đáng kể tại thị trường nhập khẩu không. Từ đó, Cục sẽ rà soát một cách có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những ngành hàng, những lĩnh vực có nguy cơ cao; Tiếp đó sẽ mở rộng cảnh báo bằng những thông tin cập nhật nhất ở các thị trường mới khác như thị trường ở Đông Nam Á, Thổ Nhĩ Kỳ...

“Chúng tôi không biết với hệ thống cảnh báo sớm, dự đoán đúng tốt hơn hay là những gì mà chúng tôi dự đoán không thành hiện thực thì tốt hơn nhưng chúng tôi vẫn phải chuẩn bị, vẫn phải cảnh báo khi nhìn thấy nguy cơ, để có thể đồng hành cùng DN, bắt đầu từ thời điểm cảnh báo đó” - ông Trung chia sẻ.

Bà Nguyễn Thu Trang cũng cho biết, qua theo dõi, VCCI nhận thấy, phần lớn các trường hợp DN Việt Nam kháng kiện chưa hiệu quả thường do DN Việt Nam bị động, thời gian chuẩn bị quá ít và bị bất ngờ trong việc ứng phó với những vụ kiện. Do đó, cơ chế cảnh báo sớm cho phép nhìn thấy nguy cơ từ xa để chuẩn bị từ sớm giúp DN cũng như các hiệp hội ứng phó hiệu quả với các biện pháp PVTM.

Chưa kể, cơ chế cảnh báo sớm đồng nghĩa với việc DN biết sớm về vụ việc không chỉ là câu chuyện DN có thêm nhiều thời gian để ứng phó với một vụ việc cụ thể, mà còn liên quan đến công tác chuẩn bị dữ liệu, sổ sách kế toán. Bởi trong những vụ việc này DN Việt thường đứng ở tâm thế tự vệ và làm sao phải giảm thiểu tối đa thiệt hại.

“Khả năng phòng tránh thì hơi khó nhưng không phải là không có, nếu chúng ta có những sự điều chỉnh thích hợp khi bắt đầu thấy có nguy cơ, như mở rộng thị trường XK, giảm bớt độ nóng, sức ép của việc gia tăng quá mạnh XK hàng hóa sang một thị trường khác… Vậy nên cảnh báo mà không xảy ra vụ việc cũng có thể là một hiệu quả của cơ chế cảnh báo sớm” - bà Trang nói.

Đọc thêm